Luật Chứng khoán (sửa đổi) phải tạo ra “thế hệ hai” đối với thị trường chứng khoán


Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được tổ chức chiều 15/7.

Quang cảnh hội nghị sơ kết của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Quang cảnh hội nghị sơ kết của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, về mặt hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chủ động, tích cực trong việc xây dựng dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2019), dự kiến trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).

Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành các Thông tư, Đề án để triển khai thực hiện, tăng cường thêm công tác hướng dẫn, quản lý thị trường. Đặc biệt, đã trình và ban hành Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 trong đó cụ thể hóa 8 nhóm giải pháp cơ cấu lại thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới; Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Về quản lý thị trường, rút kinh nghiệm từ những biến động của thị trường chứng khoán năm 2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tạo thêm những hàng hóa, sản phẩm mới cho thị trường. Theo đó, 2 sản phẩm gồm: Chứng quyền có bảo đảm và Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm mới ra mắt thị trường nhưng đã tạo ra những hiệu ứng tích cực.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chú trọng, tăng cường thông qua việc kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về niêm yết/đăng ký giao dịch sau cổ phần hóa.

Luật Chứng khoán (sửa đổi) phải tạo ra “thế hệ hai” đối với thị trường chứng khoán - Ảnh 1

Trên cơ sở sắp xếp lại Sở GDCK Hà Nội, Sở GDCK TP Hồ Chí Minh để thống nhất thị trường giao dịch chứng khoán theo Đề án thành lập Sở GDCK Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, đòi hỏi phải triển khai thận trọng, đồng bộ tất cả các mặt, cần đảm bảo khi Sở GDCK Việt Nam ra đời vận hành thông suốt, không gây xáo trộn, ách tắc, ảnh hưởng đến hoạt động của các hệ thống cơ quan chứng khoán và các công ty chứng khoán trên thị trường.”

Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải.

Cho rằng nhiệm vụ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời gian tới, nhất là 6 tháng cuối năm 2019 còn khá nặng nề, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bám sát chương trình, kế hoạch trọng tâm và giải pháp thực hiện đã đề ra.

Trong đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tăng cường phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội để hoàn thiện Luật Chứng khoán sửa đổi đảm bảo đạt được kết quả như kỳ vọng, tạo ra sự phát triển của một “thế hệ hai” đối với thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Đồng thời, khẳng định vị thế, địa vị pháp lý của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong việc quản lý và phát triển thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện các Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi để đảm bảo đồng bộ trong thực hiện khi Luật có hiệu lực.

Tiếp tục phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở Đề án đã trình Chính phủ về tái cơ cấu cũng như lộ trình phát triển các sản phẩm mới phù hợp thông lệ quốc tế, tạo sự sôi động, sức hút trên thị trường, góp phần làm phong phú thêm hàng hóa trên thị trường.

Bên cạnh đó, cần tính toán để đảm bảo ra mắt sản phẩm nào là phải tổ chức thực hiện thành công sản phẩm đó. Riêng đối với hai sản phẩm mới triển khai (Chứng quyền có bảo đảm, Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm), đồng thời, cần theo dõi, đánh giá, có điều chỉnh cần thiết vào thời điểm thích hợp.