Sẽ "triệt tiêu" những bất cập trong thanh toán dự án BT bằng tài sản công


Nghị định số 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Dự án BT) vừa được Chính phủ ban hành được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết triệt để các bất cập trong sử dụng tài sản công thanh toán dự án BT.

Nghị định số 69/2019/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết triệt để các bất cập trong sử dụng tài sản công thanh toán dự án BT. Nguồn: internet
Nghị định số 69/2019/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết triệt để các bất cập trong sử dụng tài sản công thanh toán dự án BT. Nguồn: internet

Đảm bảo nguyên tắc ngang giá

Một trong những nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 69/2019/NĐ-CP là việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán. Trong đó, giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán; Giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.

Nguyên tắc ngang giá đã được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg trước đây; tuy nhiên bên cạnh đó còn có quy định cho phép thanh toán bù trừ, trường hợp giá trị quyền sử dụng đất, tài sản công lớn hơn giá trị dự án BT thì nhà đầu tư nộp phần chênh lệch vào ngân sách nhà nước.

Quy định này có kẽ hở là không khống chế mức độ chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất, tài sản công để thanh toán với giá trị dự án BT. Trong thực tế, đã có hiện tượng sử dụng giá trị quyền sử dụng đất lớn hơn giá trị dự án BT rất nhiều lần.

Nghị định số 69/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2019 và không cần thông tư hướng dẫn. Đồng thời, bãi bỏ Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT.

Do vậy, quy định mới về nội dung này tại Nghị định số 69/2019/NĐ-CP sẽ đảm bảo chặt chẽ, tránh lợi dụng để giao đất theo hình thức chỉ định với diện tích lớn hơn. Điều này đã được ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản nhấn mạnh: Nếu thực hiện nguyên tắc ngang giá, thì không thể có chuyện "làm một cây cầu 200 tỷ đồng mà giao miếng đất 2.000 tỷ đồng".

Tránh tình trạng điều chỉnh tùy tiện giá trị dự án

Nghị định nêu rõ, giá trị dự án BT ghi tại hợp đồng BT để thanh toán được xác định theo kết quả đấu thầu và không thay đổi kể từ ngày hợp đồng BT được ký kết, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy mô, thiết kế kỹ thuật, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án BT, khoản lãi vay trong phương án tài chính của hợp đồng BT theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến thay đổi giá trị dự án BT. Giá trị dự án BT để thanh toán là giá trị dự án BT được quyết toán theo quy định của pháp luật.

Quy định việc xác định giá trị dự án BT phải căn cứ vào kết quả đấu thầu đã làm rõ thêm nguyên tắc giá thị trường trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng, tránh tình trạng điều chỉnh tùy tiện giá trị dự án. Qua đó, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Thanh toán bằng "đất sạch", trụ sở phải được Thủ tướng chấp thuận

Nghị định số 69/2019/NĐ-CP quy định, trường hợp sử dụng quỹ đất "sạch" có nghĩa đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án BT thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi quyết định chủ trương đầu tư Dự án.

Cũng giống như việc sử dụng "đất sạch" để thanh toán dự án BT, Nghị định cũng quy định việc sử dụng trụ sở làm việc để thanh toán dự án BT phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Quy định này sẽ đảm bảo chặt chẽ trong thẩm quyền quyết định thanh toán dự án BT bằng hai loại tài sản trên so với quy định Ủy ban Nhân dân tình được tự quyết như trước đây. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt đối với các loại tài sản công có giá trị lớn như trụ sở làm việc; phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Chỉ thanh toán khi dự án hoàn thành theo tiến độ 

Về thời điểm sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT, theo quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg, việc thanh toán quỹ đất được thực hiện đồng thời hoặc sau khi hoàn thành dự án BT. Quy định này chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng các dự án BT triển khai rất chậm hoặc không thực hiện, trong khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có quyết định giao đất, cho thuê đất đối với quỹ đất thanh toán và nhà đầu tư chỉ chú tâm thực hiện dự án khác trên quỹ đất được thanh toán để bán tạo lợi nhuận.

Để khắc phục tình trạng trên, Nghị định số 69/2019/NĐ-CP đã bổ sung quy định việc giao tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư được thực hiện sau khi dự án BT hoàn thành hoặc đồng thời tương ứng với khối lượng xây dựng công trình dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng...

Cục trưởng Cục Quản lý công sản La Văn Thịnh khẳng định, Nghị định sẽ khắc phục triệt để những tồn tại trước đây, phù hợp với nền kinh tế thị trường, tôn trọng những cam kết của nhà đầu tư nhưng phải đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với các văn bản pháp luật liên quan. "Những bất cập sẽ không có cơ hội phát sinh" - ông Thịnh nhấn mạnh.