Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính):
Sẽ xem xét “nghi án” chuyển giá sữa
(Tài chính) "Chúng tôi đang đặt ra 2 trường hợp. Trường hợp các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu đưa giá sữa nhập lên cao, tạo ra lỗ giả để tránh thuế thu nhập DN. Trường hợp còn lại là hạ giá nhập khẩu xuống để tránh thuế nhập khẩu. Cả hai trường hợp đều mang lợi cho DN nhưng người tiêu dùng lẫn nhà nước đều thiệt” - Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn trao đổi với phóng viên về vấn đề sữa vô tư tăng giá.
Phóng viên: Thưa ông, theo Tổ chức Y tế thế giới, giá sữa ở Việt Nam đã bị đẩy lên mức cao nhất thế giới, giá bán lẻ trung bình tại Việt Nam là 1,4 USD/lít, trong khi Trung Quốc 1,1 USD/lít, Ấn Độ 0,5 USD/lít, các nước Âu-Mỹ 0,5 - 0,9 USD/lít. Tổng cục Hải quan cũng đưa ra thông tin, một hộp sữa bị đội giá đến 5-7 lần. Thị trường Việt Nam cũng có đến 200 nhà nhập khẩu nhưng lần nào các hãng sữa cũng rủ nhau tăng cùng thời điểm. Quan điểm của Cục Giá về vấn đề này?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta phải lấy mặt bằng giá để kiểm tra. Bản thân Tổng cục Hải quan khi xây bảng giá phải hạch toán lại bảng giá, quan trọng nhất là phải xác minh được giá bên ngoài thế nào, chứ nếu lấy giá thị trường áp đặt bảng giá thì khó biết giá nào chính xác.
Theo Thông tư 30 của Bộ Y tế từ ngày 20/11/2013, các sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 36 tháng tuổi; sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa động vật dưới dạng bột hoặc dạng lỏng có công bố sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ thuộc danh mục hàng bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.
Thế nhưng trong tháng 12, và ngay trong tháng 1 này đã có đến 3 hãng sữa tăng giá, với mức tăng 7-15%. Dường như thông tư cũng bị vô hiệu hóa?
Về bản chất Bộ Y tế chỉ ban hành danh mục tên hàng, vì nếu không có Thông tư 30 làm sao chúng ta quản lý được giá các sản phẩm "công thức dinh dưỡng” , "sản phẩm dinh dưỡng”.
Như vậy là Bộ Y tế chỉ chuẩn hóa tên gọi. Còn việc kiểm soát giá sữa tăng phi mã?
Đúng vậy, Bộ Y tế chỉ chuẩn hóa tên gọi còn quản lý thế nào là do luật. Trước đây tên gọi rất khác nhau, giờ phải chuẩn hóa lại, vì nếu sản phẩm không nằm trong danh mục, không nằm trong đối tượng quản lý giá thì sẽ không thể quản lý được việc DN tăng giá. Lúc đó họ kê khai giá ra sao, giá biến động do mặt bằng đầu vào như thế nào… chúng ta cũng không nắm được. Hoặc là khi có yếu tố chuyển giá, chúng ta cũng không rõ. Chỉ có kê khai mới nắm được DN làm đúng hay không.
Bản thân Tổng cục Hải quan cũng đang đặt ra nghi vấn sữa chuyển giá. Quan điểm của Cục quản lý giá về vấn đề này ra sao?
Chúng tôi cũng đặt vấn đề nghi vấn, chờ điều tra.
Có hai hướng cần điều tra. Hướng thứ nhất là DN nhập khẩu muốn đưa giá sản phẩm nhập khẩu lên cao. Vì qua nắm bắt tình hình, chúng tôi thấy DN vẫn báo lỗ, và trở thành cái cớ để cho DN vin vào tiếp tục điều chỉnh giá. Trong khi giá nhập khẩu ở nước ngoài về là đã đủ mang lãi cho DN. Vấn đề này rất nguy hiểm.
Hướng thứ hai, DN hạ giá nhập khẩu xuống để tránh thuế nhập khẩu.
Vậy làm sao để đưa sữa vào guồng quản lý?
Một trong những biện pháp quan trọng nhất là chống chuyển giá. Chuyển giá sữa như tôi đã nói ở trên có 2 góc độ: chuyển giá cao và chuyển giá thấp. Chuyển giá cao tạo ra lỗ giả để tránh thuế TNDN, chuyển giá xuống là để tránh thuế nhập khẩu. Tùy từng mục đích cái nào có lợi nhất, thì sẽ làm. Và đa phần các DN bị điểm danh thời gian qua đều là chuyển giá lên thông qua góp vốn, cứ báo lỗ triền miên nhưng thị phần thì cứ tăng lên.
Theo quy định của Luật Giá, nếu người ta làm đúng thì mình không thể phạt người ta được, vì nếu phạt là vi phạm các yếu tố thị trường. Trong khi Việt Nam đang đề nghị được công nhận là kinh tế thị trường, ta không thể hành chính hóa được. Chính vì thế phải kiểm tra chặt chẽ ở tất cả các khâu thì mới có thể có được giá sữa phù hợp.
Trân trọng cảm ơn ông!