Siết chặt quản lý khoáng sản xuất khẩu


Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu các Cục Hải quan địa phương lưu ý thực hiện kiểm tra khi giải quyết thủ tục hải quan đối với mặt hàng khoáng sản xuất khẩu. Theo đó, cơ quan hải quan chỉ thực hiện đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu đối với khoáng sản được khai thác từ các mỏ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác theo quy định.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực tế hiện nay, nguồn tài nguyên khoáng sản ngày càng khan hiếm, lợi nhuận mang lại cao, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ tái diễn khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh khoáng sản trái phép.

Trước tình hình đó, ngày 29/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 38/CT-TTg chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng khoáng sản.

Cụ thể, cơ quan Hải quan chỉ thực hiện đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu đối với khoảng sản được khai thác từ các mỏ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác theo quy định tại Điều 82 Luật Khoáng sản, đáp ứng điều kiện, có nguồn gốc hợp pháp theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP của Chính phủ và có tên trong danh mục được phép xuất khẩu do bộ quản lý chuyên ngành ban hành theo từng thời kỳ hoặc trường hợp cá biệt đã được Thủ tướng Chính phủ, bộ quản lý chuyên ngành có văn bản đồng ý, cho phép xuất khẩu.

Cơ quan hải quan cần kiểm tra thực tế đối với tất cả các lô hàng khoáng sản xuất khẩu. Trong đó, mức độ kiểm tra thực tế thực hiện theo chỉ dẫn rủi ro trên Hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử. Khi kiểm tra thực tế hàng hóa cần đối chiếu thực tế hàng hóa với danh mục, quy cách, chỉ tiêu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng do Bộ quản lý chuyên ngành quy định để xác định hàng hóa có đủ điều kiện xuất khẩu hay không.

Các cục Hải quan tỉnh, thành phố tiến hành thu thập, phân tích thông tin và thực hiện kiểm tra sau thông quan để đánh giá tuân thủ đối với doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản có trụ sở trên địa bàn quản lý... Có trách nhiệm xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các lô hàng khoáng sản xuất khẩu có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc khai thác...

Đối với hồ sơ hải quan, người khai hải quan nộp cho cơ quan Hải quan các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT- BTC) và chứng từ theo quy định của pháp luật quản lý chuyên ngành.

Ngoài ra, để có cơ sở đối chiếu, xác định nguồn gốc khoáng sản xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật, người khai hải quan nộp bổ sung cho cơ quan Hải quan bản sao giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan có thẩm quyền cấp; bản sao văn bản đồng ý cho phép xuất khẩu của Thủ tướng Chính phủ hoặc bộ quản lý chuyên ngành (trong trường hợp xuất khẩu cá biệt); bản sao hóa đơn, hợp đồng mua bán nội địa (đối với trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu không trực tiếp khai thác) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của khoáng sản.