Siết chặt thực hiện nghiêm kỷ cương tài chính

Việt Hoàng

Kết luận nội dung thảo luận, cho ý kiến về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong phiên thảo luận chiều ngày 2/6, đã có 24 ý kiến phát biểu, cho ý kiến. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có trao đổi giải trình, tiếp thu, làm rõ các vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung thảo luận cho ý kiến về Phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung thảo luận cho ý kiến về Phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, nội dung thảo luận đã tập trung toàn diện, các ý kiến phong phú, thẳng thắn, sâu sắc, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với các vấn đề trọng tâm của việc phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Đại biểu cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ, báo cáo của cơ quan thẩm tra. Các báo cáo được xây dựng công phu, có đổi mới, có số liệu, dẫn chứng, lập luận phản biện tốt, nêu được các tồn tại, một số nguyên nhân và các giải pháp khắc phục.

Về quyết toán NSNN năm 2020, các đại biểu đánh giá cao việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức, song dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đạt kết quả tích cực: Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt...

Tuy nhiên, thu ngân sách trung ương không đạt dự toán, kỷ luật kỷ cương tài chính có tiến bộ nhưng chưa nghiêm, quản lý chi tiêu ngân sách còn tồn tại hạn chế chưa được khắc phục triệt để. Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp nâng cao chất lượng quản lý điều hành ngân sách, quản lý chặt chẽ các khoản chuyển nguồn, tạm ứng sử dụng, kết dư ngân sách… 

Nêu ý kiến về tồn tại, hạn chế trong báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà - Đoàn đại biểu tỉnh Hòa Bình đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần có chính kiến rõ ràng trong việc xử lý các khoản thu, chi NSNN không đúng quy định để các bộ, ngành, địa phương kịp thời điều chỉnh các khoản sai phạm, vi phạm, tránh đưa vào kết luận, kiến nghị, sau đó lại chậm được thực hiện, gây thất thu, lãng phí nguồn lực.

Bên cạnh đó, về nội dung số chi chuyển nguồn năm sau tăng cao hơn năm trước, quy mô ngày càng lớn, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục rà soát toàn bộ số chuyển nguồn này, trong đó kịp thời thu hồi các khoản chuyển nguồn tạm ứng không đúng quy định.

Bên cạnh đó, việc xử lý các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các trường hợp vi phạm kéo dài 2-3 năm, thậm chí nhiều năm sau khi đã kết thúc niên độ NSNN và quyết toán NSNN chưa được xử lý dứt điểm cũng gây thất thu, lãng phí nguồn lực, cần có giải pháp khắc phục...

Quan tâm cho ý kiến về quyết toán NSNN năm 2020, đại biểu Phạm Đình Toản – Đoàn đại biểu tỉnh Hưng Yên cho rằng, hạn chế cần khắc phục đối với một số nội dung như: Số vượt thu vẫn chủ yếu từ tiền sử dụng đất; tình trạng trốn thuế vẫn diễn ra phức tạp dẫn đến giảm thu NSNN; kế hoạch vốn đầu tư công phải điều chỉnh nhiều lần, phải hủy dự toán vốn ngoài nước; phân bổ kế hoạch vốn, giao kế hoạch vốn chậm; các khoản chi thường xuyên đạt tỷ lệ thấp; tình trạng chi NSNN chưa đủ chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chi sai nguồn chi tiêu, chi tiết kiệm, lãng phí vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Đại biểu Phạm Đình Toản đề nghị Chính phủ siết chặt thực hiện nghiêm kỷ cương tài chính; tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nguồn thu và xử lý nợ đọng thuế, nhất là ở các địa phương có số thuế lớn, nợ đọng, thuế tăng cao, số nợ thuế quá hạn lớn để tăng nguồn thu cho NSNN, phân tích xác định rõ giới hạn nợ đọng thuế trong từng giai đoạn, giảm nợ đọng thuế, tăng cường kiểm tra hoàn thuế, chống chuyển giá.

Đại biểu cũng cho rằng Chính phủ cần sớm nghiên cứu để khắc phục những tồn tại, tránh lặp lại trong chỉ đạo xây dựng dự toán NSNN năm 2023; xem xét kỹ việc quyết toán vốn ngoài nước và số chi chuyển nguồn, xác định lại giới hạn số chuyển nguồn để giảm số phải chuyển nguồn hàng năm.

Tại phiên thảo luận, tiếp thu ý kiến đại biểu nêu về quyết toán ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo lãnh đạo các địa phương, các bộ, ngành và các đơn vị khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Giải trình vì sao lập dự toán ngân sách, đặc biệt dự toán thu ngân sách không sát với thực tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo niên độ tài khóa đến ngày 31/12 dương lịch, khi lập ngân sách, lập dự toán theo Luật NSNN là khoảng tháng 9 và tháng 10, nghĩa là khoảng 4 tháng nữa mới hết năm ngân sách nên ước thực hiện chưa chính xác. Bộ trưởng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu và khắc phục vấn đề này. 

Tham gia làm rõ nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua công tác theo dõi và giám sát tổng hợp và phân loại cho thấy có nhiều nhóm nguyên nhân như: Nhóm nguyên nhân về pháp luật; nguyên nhân mang tính thời điểm; nguyên nhân chủ quan; nguyên nhân khách quan cũng có những đặc thù, đặc điểm riêng, tính chất riêng.

Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, các tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, không thể chỉ được quan tâm giải quyết trước mắt mà cần phải được giải quyết căn cơ lâu dài thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế và thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn và phù hợp với cả yêu cầu phát triển. Không chỉ giải quyết bằng Luật Đầu tư công mà còn phải giải quyết thông qua việc sửa đổi các luật khác thuộc các ngành, lĩnh vực liên quan...