Siết tín dụng ngoại tệ

Theo enternews.vn

Việc Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện lộ trình chuyển quan hệ vay mượn sang mua bán ngoại tệ sẽ khiến tín dụng ngoại tệ ngày càng giảm.

Sau ngày 30/9 tới, các ngân hàng sẽ ngừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước.
Sau ngày 30/9 tới, các ngân hàng sẽ ngừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước.

Đối với những khoản cho vay ngoại tệ trung hạn và dài hạn để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước, khách hàng được vay ngoại tệ đến hết ngày 30/9/2019.

Doanh nghiệp lo khó mua ngoại tệ

Ông Trần Ngọc Bích, Giám đốc Công ty tiêu dùng chuyên nhập khẩu bánh kẹo ngoại về phân phối tại Việt Nam cho biết, sau ngày 31/3/2019 khi các ngân hàng ngừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn để nhập khẩu hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước, Công ty ông ban đầu có chút khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngoại tệ.

Ông Bích cho biết, một ngân hàng đã “gợi ý” cho ông chuyển khoản vay dự kiến kỳ hạn 1-3 tháng thành kỳ hạn 6 tháng, nhưng lãi suất USD trên kỳ hạn vay mới tăng gấp đôi, khoảng 5% - ông không có lựa chọn nào khác phải chấp nhận chi phí vốn cao hơn để đảm bảo có nguồn thanh toán hàng hóa.

Trước khi tới 30/9/2019, chúng tôi vẫn còn được vay ngoại tệ dù lãi suất cao hơn. Khi không được vay ngoại tệ nữa, chúng tôi sẽ chuyển sang quan hệ mua bán ngoại tệ với các ngân hàng. Chi phí mua ngoại tệ dự kiến có thể cao hơn lãi vay. Tuy nhiên, chi phí vốn cao có thể cũng chưa phải là vấn đề lớn, mà lo ngại nhất là ở những thời điểm cung ngoại tệ khan hiếm, ngân hàng không có nhu cầu bán số lượng ngoại tệ nhỏ cho doanh nghiệp nhỏ hoặc “ra giá” cao, thì lúc đó doanh nghiệp mới đáng lo”, ông Bích chia sẻ.

Cung ngoại tệ không khan hiếm

Với những diễn biến trên thị trường ngoại hối thời gian qua, nhiều chuyên gia đánh giá các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không phải chịu áp lực lớn mua ngoại tệ khi chuyển dịch từ quan hệ vay mượn sang mua bán theo quy định.

Dù chiến tranh thương mại đang có nhiều biến động mới tác động đến nhiều nền kinh tế và đồng nội tệ của nhiều quốc gia trên toàn cầu, song với Việt Nam, áp lực tăng tỷ giá không quá lớn, chỉ xoay quanh 23.500VND/USD. Với mức này, thì người nắm giữ VND sẽ có lợi hơn USD, qua đó nhu cầu găm giữ USD sẽ giảm.

Đối với các doanh nghiệp có nguồn tiền VND lớn trong kinh doanh, cần có chiến lược quản lý dòng tiền, như gửi tiền trong ngân hàng để có lợi thế ưu tiên khi có nhu cầu mua ngoại tệ ở ngân hàng...

Một điểm đặc biệt là trong những tháng vừa qua, NHNN đã có những đợt mua vào ngoại tệ với quy mô mua gấp nhiều lần so với mức thặng dư thương mại của Việt Nam đạt được trong gần 2 quý đầu năm nay, góp phần tăng dự trữ ngoại hối. Điều này sẽ giúp NHNN chủ động hơn trong điều hành chính sách tiền tệ và ổn định tỷ giá.

Trong năm nay, nguồn thu ngoại tệ trực tiếp từ vốn FDI vẫn đang tăng khi các nhà đầu tư tháo chạy khỏi Trung Quốc sang Việt Nam. Các khoản vốn đăng ký cấp mới và giải ngân cũng tăng trưởng mạnh. Ở mục vốn đầu tư gián tiếp, Việt Nam sẽ khó có đột biến với các khoản thu lớn, nhưng cơ hội bán các ngân hàng 0 có thể sẽ mang đến nguồn vốn ngoại tệ hứa hẹn.

Ngoài ra, một số ngân hàng cũng đang có kế hoạch huy động vốn qua phát hành công cụ nợ hoặc bán vốn cổ phần cho nhà đầu tư để giải quyết nhu cầu vốn trong giai đoạn mới, cũng hứa hẹn nguồn ngoại tệ dồi dào cho 6 tháng cuối năm 2019.

Cần quản lý dòng tiền hiệu quả

Sau ngày 30/9, các ngân hàng sẽ dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn – các khoản vay của khách hàng có nguồn thu ngoại tệ sẽ phải tất toán dần khi đến hạn.

“Trong quý IV/2019, các ngân hàng sẽ có một lượng ngoại tệ lớn dư thừa từ tất toán các khoản vay ngoại tệ của khách hàng và có thể bán lại cho NHNN, nếu không cân đối với nhu cầu vay của các nhóm doanh nghiệp xuất khẩu –nhóm vay chính trong cơ cấu tín dụng ngoại tệ hiện nay”, chuyên gia ngân hàng Huỳnh Trung Minh nhận định và cho biết, bản thân các doanh nghiệp cũng đã khá có kinh nghiệm ứng phó với các rủi ro về biến động tỷ giá thông qua các công cụ phái sinh, nên việc thực hiện quan hệ mua-bán ngoại tệ với ngân hàng cũng không phải quá khó.

Theo ông Minh, việc NHNN áp quy định ngừng cho vay ngoại tệ đã có lộ trình, các doanh nghiệp làm ăn bài bản hẳn cũng đã có kịch bản ứng phó với việc này. Đối với các doanh nghiệp có nguồn tiền VND lớn, cần có chiến lược quản lý dòng tiền, như gửi tiền trong ngân hàng để có lợi thế ưu tiên từ ngân hàng khi có nhu cầu mua ngoại tệ…