Singapore: Chính sách tạo nên sự khác biệt

Theo daibieunhandan.vn

Từng là quốc gia nhỏ và nghèo tài nguyên nhất khu vực, Singapore đã vươn lên thành quốc gia thịnh vượng nhờ hoạch định chính sách phát triển một cách cẩn trọng nhưng minh bạch, thực dụng, không khoan dung với tham nhũng, lãng phí dưới sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Liên tục thích ứng với thực tiễn

Ngay sau khi độc lập hoàn toàn vào năm 1965, Singapore đã bước vào công cuộc công nghiệp hóa lần thứ nhất, dựa trên nền công nghiệp thâm dụng lao động, để rồi 10 năm sau, vào những năm 1970, chuyển nhanh sang phát triển công nghiệp dựa trên lao động được đào tạo, có kỹ năng.

Công cuộc công nghiệp hóa thứ hai được thực hiện trong những năm 1980 với nền công nghiệp hiện đại dựa trên khoa học và công nghệ, kỹ năng và tri thức, chuyển hẳn sang công nghiệp hóa dựa trên toàn cầu hóa vào những năm 1990, hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu vào những năm 2000. Có thể thấy, mỗi một giai đoạn 10 năm, kinh tế Singapore đã có những bước chuyển sang “nấc thang” giá trị cao hơn một cách ấn tượng.

Nền kinh tế mở dù nhỏ của Singapore chịu nhiều ảnh hưởng từ những biến động của kinh tế toàn cầu. Để có được vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, Singapore phải luôn duy trì năng lực cạnh tranh quốc gia trên thị trường thế giới.

Do đó, Chính phủ Singapore thường xuyên rà soát và điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế, nhằm liên tục thích ứng với những thay đổi của thực tiễn, liên tục đổi mới để thúc đẩy phát triển. Khác với nhiều quốc gia giàu tài nguyên thiên, quốc đảo này xác định lợi thế cạnh tranh quốc gia nằm ở khả năng hoạch định chiến lược phát triển dài hạn với những bước đi táo bạo, sáng tạo, phi truyền thống; với hệ thống cơ quan công quyền vận hành tốt, tập trung, hướng tới kết quả cuối cùng.

Đầu tư cho con người

Singapore luôn coi đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng và giáo dục chính là sự hỗ trợ trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, quốc gia này không ngừng đầu tư vào giáo dục và coi cho đây là con đường để cải thiện mức sống của người dân.

Theo kết quả khảo sát năm 2016 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD, Singapore đứng đầu bảng xếp hạng giáo dục quốc tế PISA và có xu hướng ngày càng bỏ xa các nước khác. Được Nhà nước quan tâm đầu tư, Singapore đang hướng tới hệ thống giáo dục linh hoạt và đa dạng hơn, với mục tiêu giúp học sinh khám phá tài năng, tiềm năng của mình làm nền tảng cho sự hăng say học tập, tạo cho sinh viên cơ hội lựa chọn tốt hơn để đáp ứng các năng khiếu, sở thích, phương pháp học tập khác nhau của sinh viên.

Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, “Ở Singapore, chúng tôi cố gắng đào tạo mọi nguời cho công việc mà họ có khả năng làm được. Do đó, khi sinh viên của chúng tôi tốt nghiệp, họ tìm được việc làm ngay”. Thanh niên Singapore luôn tự đặt câu hỏi cho mình và tìm kiếm câu trả lời, sẵn sàng suy nghĩ theo cách mới, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo để mở ra cơ hội mới cho tương lai.

Nhà ở là một nội dung quan trọng của chính sách xã hội. 3/4 số căn hộ ở Singapore do Hội đồng Quản lý và phát triển nhà ở (HDB) xây dựng với hơn 1 triệu căn hộ, trong đó 80% là người dân Singapore với khoảng 90% trong số đó sở hữu căn hộ của mình. Chất lượng dịch vụ nhà ở luôn được duy trì và cải thiện qua các năm.

Chính phủ cũng có các chương trình trợ cấp, hỗ trợ cho các gia đình trẻ, gia đình có thu nhập thấp. Chi phí mua nhà thường chiếm khoảng một phần tư thu nhập hàng tháng của người dân. Chính phủ luôn can thiệp để tránh các cơ sốt nóng, chống đầu cơ, hạn chế những rủi ro bong bóng của thị trường nhà ở.

Sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa chiến lược phát triển kinh tế và bảo đảm phúc lợi xã hội là định hướng nhất quán trong mọi chính sách. Các chính sách xã hội như giáo dục, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh đã bảo đảm ổn định xã hội, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng và năng suất cao hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Sự kết hợp giữa kinh tế và phúc lợi xã hội là nền tảng cho mối quan hệ và hợp đồng xã hội giữa Chính phủ và người dân. Singapore quan niệm, phát triển kinh tế đã khó, nhưng để có một xã hội trật tự, an toàn và chính trị ổn định, vốn là nền tảng của sự phát triển, còn khó khăn hơn.

Chủ động ứng phó

Năm ngoái, Singapore đã thành lập Ủy ban Kinh tế Tương lai (CFE) nhằm xây dựng chiến lược phát triển kinh tế cho thập kỷ tiếp theo.

Singapore đã huy động hơn 9.000 cơ quan, từ các hiệp hội ngành nghề, phòng thương mại và công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu, giám đốc điều hành các doanh nghiệp, người làm công, sinh viên… tham gia tư vấn trong quá trình xây dựng chiến lược.

Mới đây, CFE đã đưa ra chiến lược đối phó với những thách thức bên ngoài như tăng trưởng toàn cầu chững lại, thay đổi nhanh chóng về công nghệ, bất ổn chính trị và chống toàn cầu hóa gia tăng.

Để chủ động đối phó với các thách thức trong tương lai, một lần nữa Singapore lại điều chỉnh hệ thống giáo dục với việc giới thiệu chương trình “Kỹ năng tương lai”, phát triển kỹ năng chuyên sâu hơn cho người lao động, tích hợp đào tạo kỹ năng với các trình độ khác nhau, khuyến khích chủ lao động tự đầu tư đào tạo nghề và kỹ năng cho người lao động để không ngừng cải thiện năng suất lao động.

Trước viễn cảnh tương lai không chắc chắn do những bất ổn khó lường của kinh tế toàn cầu, thay vì chỉ dừng lại ở việc dự báo chính xác các xu hướng, thách thức, Singapore đã chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó nhanh chóng, linh hoạt và hiệu quả với các tình huống bất lợi có thể xảy ra.