Sinh tử với “tái thiết doanh nghiệp”

Theo dddn.vn

(Tài chính) “Tái thiết doanh nghiệp (DN)” là cuộc chiến sinh tồn mà không phải DN nào cũng thành công như kỳ vọng.

Sinh tử với “tái thiết doanh nghiệp”
Sacom tuyên bố khoản lợi nhuận của mình đạt 153,69 tỉ đồng sau khi tuyên bố đổi tên công ty và chuyển chiến lược kinh doanh sau 1 năm. Nguồn: internet

Đầu năm 2012, với tuyên bố đổi tên công ty và chuyển chiến lược kinh doanh, công ty cổ phần đầu tư và phát triển Sacom đã chuyển đổi mô hình hoạt động.

Cơ hội

Đến cuối năm, công ty này tuyên bố khoản lợi nhuận của mình đạt 153,69 tỉ đồng. Tương tự, với việc tập trung các hoạt động kinh doanh truyền thống và cốt lõi, thu hẹp và chấm dứt những hoạt động kém hiệu quả... Quý 3/2012, lợi nhuận của công ty cổ phần Gemadept đạt 40,26 tỉ đồng, tăng mạnh so với mức 2,44 tỉ đồng cùng kỳ. Đây là hai trong số những DN bắt tay vào công cuộc tái thiết kịp thời và thành công để đón đầu cơ hội khi thị trường đang có những dấu hiệu phục hồi. 

Sau những năm tháng triền miên trong khủng hoảng, giờ đây những tín hiệu của sự phục hồi kinh tế đã xuất hiện khắp các quốc gia, châu lục trên thế giới. Nhiều chuyên gia nhận định sự phục hồi này tuy còn chậm chạp và yếu ớt nhưng nó cũng phần nào chứng tỏ “cơn địa chấn kinh hoàng” từ năm 2008 đang dần đi qua. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này khi tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý I/2013 là 4,5%, thì đến quý II đã lên 5%. Sự tăng trưởng này mang lại nhiều kỳ vọng cho các DN của Việt Nam. Đặc biệt, một tín hiệu đáng mừng là trong 8 tháng qua, đã có 11.000 DN của ta quay trở lại hoạt động.

Và tận dụng cơ hội

Lúc này, câu hỏi lớn đặt ra cho những DN này là làm thế nào để tái thiết thành công và đứng vững trước sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ khi quay trở lại với thị trường. Bởi sau gần 6 năm mọi yếu tố trên thị trường giờ đây đã thay đổi, việc lựa chọn sản phẩm chiến lược, phân khúc thị trường, khách hàng… như thế nào để phù hợp với nội lực và thực tế thị trường là điều không đơn giản.

Như trường hợp của một DN hoạt động trong lĩnh vực taxi nọ là một ví dụ. Mấy năm trước khi làm ăn thuận lợi DN đã đầu tư mở ba công ty con hoạt động trong các lĩnh vực Phân phối, Du lịch, Bất động sản. Nhưng, trải qua nhiều năm tháng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, hiện  cả ba công ty con đều làm ăn thua lỗ khiến cho công ty mẹ lâm vào khủng hoảng tài chính trầm trọng do phải bù lỗ cho các công ty con. Lúc này, nhiều ý kiến cho rằng, DN cần phải cho phá sản ba công ty con để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là taxi. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, taxi đang cạnh tranh gay gắt vì vậy DN nên cơ cấu lại công ty Phân phối hoặc Du lịch để tìm cơ hội sống sót. Đây thực sự là bài toán hóc búa đối với bất kì CEO nào và trong chương trình Chìa khóa thành công – CEO số 29 với chủ đề “Tái khởi nghiệp thời khủng hoảng – Lựa chọn sản phẩm chiến lược” phát sóng vào lúc 10 h sáng, ngày 15/9/2013 trên sóng VTV1  các CEO đã tìm lời giải cho bài toán này.

Các thành viên trong Ban Giám đốc có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Thành viên thứ nhất cho rằng nên cho phá sản công ty bất động sản và Phân phối, giữ lại công ty Du lịch. Hai thành viên còn lại đều đồng ý giữ vững lĩnh vực kinh doanh taxi, rà soát lại hoạt động kinh doanh của công ty mẹ và cho đóng cửa công ty BĐS nhưng có người muốn giữ lại công ty Du lịch, có người muốn giữ lại công ty Phân phối. Ngoài ra Ban Giám đốc còn đưa ra nhiều ý kiến khác như thanh lý những xe taxi cũ kết hợp đàm phán với các tổ chức tín dụng để giãn nợ...

Trước những ý kiến này, CEO của chương trình tán thành một vài ý kiến của thành viên Ban Giám đốc đồng thời đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn, đó là: Cắt bỏ cả ba công ty con, tập trung vào kinh doanh taxi; Tiến hành tái cấu trúc công ty mẹ; Rà soát, cắt giảm chi phí và thay đổi chiến lược tập trung vào thị trường trọng điểm. Những ý kiến này nhận được sự đồng tình ủng hộ của Hội đồng quản trị, nhất là việc cho phá sản các công ty con. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị lưu ý việc cắt bỏ các công ty con phải có lộ trình. Đồng thời, tìm cách tận dụng nguồn lực của các công ty con này bổ sung cho công ty mẹ. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng chiến lược tái cấu trúc toàn diện cho công ty mẹ, đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh theo chiều dọc. Bên cạnh đó CEO phải phân tích thị trường ngành và đối thủ để từ đó xây dựng phương án cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh taxi.