Số dự án luật xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 là lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay
Sáng 22/02/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 30. Dự kiến phiên họp diễn ra trong thời gian 1 ngày, xem xét cho ý kiến quyết định 5 nội dung chính. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc.
Phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 30, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp thường kỳ tháng 2 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến quyết định 5 nội dung.
Một là, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đây là 1 trong 9 dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và dự kiến xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến đối với một số vấn đề quan trọng nhất của dự án Luật; bên cạnh vấn đề kỹ thuật cần rà soát kỹ lưỡng nội dung để bảo đảm tinh thần của dự thảo Luật thực hiện đúng các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật.
Ngoài việc kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng và các nghị quyết, kết luận liên quan đến lưu trữ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần tiếp rục rà soát để kế thừa, phát triển và hoàn thiện những quy định hiện hành vẫn còn giá trị, phù hợp. Đồng thời, sửa đổi những nội dung còn bất cập đã được chỉ ra trong quá trình thực hiện, bổ sung những vấn đề mới.
"Đặc biệt là những quy định liên quan đến thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong lĩnh vực lưu trữ nhưng vẫn bảo đảm tính tập trung, thống nhất; vấn đề chia sẻ, kết nối dữ liệu; đẩy mạnh phát huy, gia tăng giá trị tài liệu lưu trữ; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực lưu trữ. Cùng với đó là một nội dung mới và rất quan trọng là huy động, sử dụng, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực trong lưu trữ tư; đẩy mạnh xã hội hóa việc lưu trữ gắn với thúc đẩy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Hai là, cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Luật Cảnh vệ được ban hành năm 2017 nhưng cần sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, đồng thời cũng bổ sung và khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
Ba là, xem xét Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về giao bổ sung số lượng kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân. Đây là công việc thường xuyên thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bốn là, xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 1/2024, trong đó có kết hợp với công tác dân nguyện tháng 12/2023.
Năm là, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo Tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV để đánh giá ý nghĩa, tầm quan trọng của kỳ họp này khi Quốc hội đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng, đặc biệt là dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đồng thời cho ý kiến để tiếp tục có những nội dung cần phải phát huy và những nội dung cần tiếp tục rút kinh nghiệm để hoạt động của Quốc hội ngày càng phát huy được dân chủ, tăng tính pháp quyền và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong cả công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, khối lượng công việc trong thời gian tới để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 còn rất nặng khi dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và một số dự thảo nghị quyết có tính chất như luật, đồng thời cho ý kiến lần đầu đến khoảng 11-12 dự án luật khác.
Như vậy, số lượng dự án luật thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp tới đây sẽ lớn nhất trong từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Do đó, ngoài phiên họp thường kỳ của tháng 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đẩy mạnh công tác chuẩn bị để có thể tổ chức tốt 2 phiên họp trong tháng 3 để chuẩn bị cho kỳ họp.