Thực tiễn quản trị công ty niêm yết tại Việt Nam và một số đề xuất
Trong những năm qua, dù đã có những bước tiến dài, song quản trị công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán của Việt Nam vẫn còn có những hạn chế so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Thực tế này đòi hỏi, cần tiếp tục cải thiện chất lượng quản trị công ty nhằm mang lại giá trị bền vững cho doanh nghiệp.
Vẫn còn thách thức
Theo các chuyên gia tài chính, quản trị công ty là một vấn đề hết sức quan trọng, được đặt ra ở nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đối với Việt Nam, quản trị công ty tốt sẽ giúp cải thiện hoạt động DN, tăng cường khả năng chống đỡ với rủi ro, đặc biệt khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam tuân thủ khung quản trị công ty theo Luật DN năm 2014, các quy định về quản trị công ty do Bộ Tài chính quy định như quy định về niêm yết và giám sát niêm yết của các Sở Giao dịch Chứng khoán. Theo các chuyên gia tài chính, quản trị công ty là một vấn đề hết sức quan trọng, được đặt ra ở nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đối với Việt Nam, quản trị công ty tốt sẽ giúp cải thiện hoạt động DN, tăng cường khả năng chống đỡ với rủi ro, đặc biệt khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Với sự khuyến khích của các cơ quan quản lý, trong vài năm gần đây, dù đã được quan tâm nhiều hơn, song quản trị công ty niêm yết vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Theo Công ty Tài chính quốc tế (IFC), quản trị công ty ở Việt Nam hiện có khoảng 80% DN tuân thủ. Số DN tự nguyện thực hiện chỉ chiếm 20% trong khi tại các nước tỷ lệ này khoảng 50%. Ngay tại những DN niêm yết lớn trên thị trường chứng khoán được xem là đi đầu về quản trị công ty ở Việt Nam thì việc thực hiện quản trị công ty tốt theo thông lệ quốc tế mới chỉ ở bước đầu.
Thực trạng quản trị công ty tại Việt Nam chưa tốt phần nào cũng được thể hiện tại Lễ Vinh danh các DN quản trị công ty tốt nhất khu vực ASEAN năm 2015 khi Việt Nam không có đại diện trong Top 50 DN niêm yết có chất lượng quản trị công ty tốt nhất. Phần lớn trong số này là các DN của Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines. Trong số DN niêm yết có chất lượng quản trị công ty tốt nhất tại mỗi quốc gia được vinh danh, Việt Nam có 3 đại diện: Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí, Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và CTCP Sữa Việt Nam. 2 DN khác của Việt Nam được ghi nhận có chất lượng quản trị công ty cải thiện nhiều nhất trong 3 năm 2012-2015 là: CTCP Hoàng Anh Gia Lai và CTCP Cơ điện lạnh.
Dù các DN được vinh danh về quản trị công ty đều có cải thiện tích cực về điểm số trong những năm gần đây, nhưng thực tế mức điểm trung bình của các DN Việt Nam còn kém xa so với các quốc gia trong khu vực. Điều này cũng cho thấy thực hành quản trị công ty tại Việt Nam còn thấp và chưa đạt được các chuẩn mực mà ASEAN hướng tới.
Thực tế cho thấy, tình trạng quản trị công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán yếu có khá nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, phải kể đến ý thức nâng cao quản trị trong Ban lãnh đạo nhiều DN niêm yết chưa cao. Quản trị công ty theo kiểu “gia đình trị” cũng cản trở việc thực hành quản trị công ty hiệu quả khi HĐQT công ty chủ yếu là thành viên trong gia đình và đảm nhận luôn các chức vụ điều hành DN. Tình trạng vi phạm quản trị công ty cổ phần xảy ra cũng không dễ kiện cho dù được luật pháp cho phép. Chẳng hạn, Luật DN đã quy định rõ một số trường hợp cổ đông có thể khởi kiện ra tòa án gồm khởi kiện hủy bỏ Nghị quyết ĐHCĐ; khởi kiện đối với thành viên HĐQT, tổng giám đốc…
Thậm chí, khi cổ đông nhân danh công ty khởi kiện và được Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện, chi phí khởi kiện sẽ được tính vào chi phí của công ty, giúp các cổ đông nhỏ có đủ chi phí để theo đuổi vụ kiện, thì việc theo kiện cũng không hề đơn giản. Thêm vào đó, hiện nay, các quy định pháp luật về quản trị công ty mới mang tính chất khuyến khích. Thông tư số 121/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính tuy có phân lớp thành công ty đại chúng quy mô lớn và DN niêm yết để định ra chuẩn cao hơn về quản trị công ty, nhưng các quy định này chủ yếu mang tính khuyến nghị, khuyến khích DN áp dụng, chứ không mang tính áp đặt hoặc có chế tài xử lý.
Một số đề xuất
Thực tế chứng minh qua khảo sát mới đây về quản trị công ty của 100 DN trên 2 sàn niêm yết Việt Nam cho thấy, DN nào thực hiện quản trị công ty tốt thì kết quả hoạt động kinh doanh tốt hơn, sinh lời cao hơn và ngược lại. Bên cạnh đó, quản trị công ty tốt giúp DN tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, chi phí vốn thấp hơn, ưu đãi từ phía các nhà đầu tư, đem lại vị thế của DN tốt hơn, giá trị cổ phiếu và giá trị DN tăng, quy trình ra quyết định hiệu quả hơn, giảm rủi ro khủng hoảng. Do vậy, trong thời gian tới, để tối đa hóa hiệu quả hoạt động và giá trị của DN, nâng cao năng lực quản trị theo thông lệ quốc tế, đảm bảo khai thác các nguồn lực hiệu quả, tạo ra giá trị bền vững trong dài hạn, quản trị công ty cần chú trọng một số giải pháp sau:
Một là, các nhà quản trị phải nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc nâng cao quản trị công ty. Việc thay đổi và nâng cao nhận thức về quản trị công ty phải được khởi nguồn từ cấp lãnh đạo cao nhất trong DN niêm yết mà ở đây chính là HĐQT và tổng giám đốc. Tinh thần cải cách quản trị công ty từ các lãnh đạo DN sẽ làm cơ sở và nền tảng cho quá trình thực hành quản trị. Các DN phải thực sự nhận thức rõ về sự cần thiết trong việc xây dựng lộ trình quản trị công ty để có thể thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư dài hạn trong bối cảnh dòng vốn đầu tư liên tục dịch chuyển và yêu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư quốc tế. Khi nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò và các nguyên tắc quản trị, các nhà lãnh đạo sẽ tự nguyện hướng DN đi theo những nguyên tắc quản trị tốt nhất để tối đa hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường vốn, và thực hiện tốt hơn việc tuân thủ và giảm xung đột lợi ích giữa các bên có quyền lợi liên quan.
Hai là, đưa ra các quy định mang tính áp đặt, buộc DN phải thực hiện nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng quản trị công ty. Để các DN Việt Nam thoát khỏi tình trạng “đội sổ” về quản trị công ty trong ASEAN, nên chăng các cơ quan quản lý cần gia tăng các quy định mang tính bắt buộc DN phải áp dụng, thay vì quy định chỉ dừng ở khuyến khích DN tự giác áp dụng như hiện tại. Thực tế cho thấy, cơ chế luật pháp có vai trò thúc đẩy quản trị tốt, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi, nơi mà mức độ minh bạch còn thấp. Nếu không gia tăng liều lượng các quy định mang tính bắt buộc DN phải tuân thủ về quản trị công ty, mà quá trông chờ và sự tự giác tuân thủ của các DN thì tính khả thi và tốc độ của nỗ lực cải thiện chất lượng quản trị công ty sẽ thấp.
Ba là, cần khuyến khích các thành viên thị trường, trao quyền nhiều hơn cho các cổ đông trong việc gây sức ép lên ban lãnh đạo DN nhằm thúc đẩy cải thiện chất lượng quản trị công ty. Chính yếu tố thị trường sẽ thúc đẩy quản trị tự nguyện, giúp quản trị nâng lên tầm cao mới, đáp ứng thực sự nhu cầu của nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, ở những nước mà các thành viên thị trường có nhiều hoạt động tích cực, năng động, luôn tạo ra áp lực tốt đối với các DN về nâng cao chất lượng quản trị công ty thì chất lượng quản trị công ty ở mức tiến bộ cao và ngược lại.
Bốn là, để cải thiện quản trị công ty tại Việt Nam, cần thay đổi những khiếm khuyết về quản trị công ty hiện nay như: Báo cáo tài chính chất lượng kém, chưa phản ánh đúng thực trạng, thậm chí có gian lận, năng lực giám sát tài chính kém; Cam kết của HĐQT về quản trị công ty chưa đủ mạnh; Các giao dịch cổ phiếu của HĐQT chưa minh bạch, giao dịch với các bên liên quan chưa minh bạch; Đối xử với các cổ đông kém; Có sự sở hữu chéo và thống lĩnh sở hữu…
Tài liệu tham khảo:
1. ThS. Đào Đình Thi: Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản trị của DN niêm yết tại Việt Nam (2016), Tạp chí Tài chính;
2. Quản trị công ty: Thay đổi để minh bạch và bền vững, “khoảng hở” trong quản trị công ty, Tin nhanh Chứng khoán (2015);
3. Một số website: ndh.vn; thesaigontimes.vn, ndh.vn…