So kè nội - ngoại trong cuộc đua bán lẻ
Những con số thống kê gần nhất cho thấy các ngân hàng ngoại đang phát triển mạnh ở Việt Nam với mạng lưới ngày càng mở rộng. Giới phân tích cho rằng, ngân hàng bán lẻ chính là mảng dịch vụ ghi nhận cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng ngoại với ngân hàng trong nước.
Theo thống kê mới nhất của NHNN tính đến nay, thị trường tiền tệ Việt Nam đã có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài gồm ANZ, HSBC, Standard Chartered, Shinhan Bank, Hong Leong Bank, CIMB Bank, Public Bank Berhad, Wooribank và mới đây nhất là United Overseas Bank Limited Việt Nam (UOB Việt Nam). Cùng với đó là 49 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hàng chục văn phòng đại diện của các TCTD nước ngoài và nhiều công ty tài chính 100% vốn nước ngoài.
Nhìn thấy tiềm năng kinh doanh lớn ở thị trường Việt Nam, những năm gần đây các ngân hàng ngoại liên tục mở rộng mạng lưới các chi nhánh. Mới đây nhất vào ngày 22/8, UOB Việt Nam khai trương thêm chi nhánh tại Hà Nội. WooriBank dù là gương mặt khá mới nhưng đã kịp mở chi nhánh thứ 7 tại Việt Nam. Với những ngân hàng ngoại đã thành “lão làng” như Shinhan Bank đã có tất cả 36 chi nhánh, phòng giao dịch; Hong Leong có 3 chi nhánh và một phòng tại TP.Hồ Chí Minh.
Theo các chuyên gia đánh giá, chắc chắn các con số này vẫn chưa dừng lại khi mà hiện nhiều định chế tài chính lớn của nước ngoài vẫn đang bày tỏ mong muốn được góp mặt trên thị trường tiền tệ của Việt Nam.
Thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn có các chỉ số về tài chính vĩ mô tốt, GDP tăng trưởng tốt, dân số trẻ… vì vậy nhu cầu về các dịch vụ tài chính vô cùng lớn, TS - LS. Bùi Quang Tín - chuyên gia kinh tế cho biết. Do đó sức ép cạnh tranh đối với ngân hàng nội là rất lớn, đặc biệt ở mảng bán lẻ. Trong khi các ngân hàng trong nước đang ở giai đoạn chuyển dịch cơ cấu nguồn thu sang tăng thu từ dịch vụ thì từ lâu các ngân hàng ngoại đã có thế mạnh ở mảng bán lẻ.
Đặc biệt, nếu như trước đây các ngân hàng ngoại chủ yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp của chính nước mình sang làm ăn tại Việt Nam thì giờ không hiếm khách hàng Việt Nam đã tiếp cận và sử dụng dịch vụ của ngân hàng ngoại. Thậm chí, trong xu hướng ngân hàng không biên giới HSBC cung cấp dịch vụ “Chuyển khoản toàn cầu” cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản HSBC trên toàn thế giới được hiển thị qua dịch vụ Tổng quan toàn cầu.
Hiệu quả hoạt động của các ngân hàng ngoại cũng được khẳng định qua các chỉ số kinh doanh. Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến hết quý III/2018, khả năng sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của các ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài đạt 0,88% cao hơn khối NHTMCP phần và NHTM Nhà nước. Tốc độ tăng trưởng trên vốn tự có của khối các ngân hàng liên doanh, nước ngoài là 8,7%, cao hơn khối NHTMCP phần và NHTM Nhà nước. Những số liệu trên cho thấy ngân hàng ngoại đang có những ưu thế nhất định trong cuộc đua giành thị phần với ngân hàng nội.
TS. Bùi Quang Tín cho rằng, nguồn thu chủ yếu của các ngân hàng ngoại đến từ dịch vụ. Họ có nhiều cách thức để phát triển dịch vụ ngân hàng tốt, có kinh nghiệm, đa dạng hóa sản phẩm cách thức làm tốt, nhiều khi còn nhỉnh hơn một số ngân hàng nội. Đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, thường xuyên được tiếp cận các công nghệ mới nên sẽ dễ chiếm thị phần, đặc biệt là ở phân khúc khách hàng cao cấp.
Tuy nhiên, lợi thế “sân nhà” cùng những ưu thế nhất định, ngân hàng nội cũng không hề bị động trong cuộc đua này. Tuy nhiều ngân hàng ngoại tích cực mở rộng mạng lưới chi nhánh, nhưng hầu hết các ngân hàng ngoại chỉ tập trung ở một số thành phố lớn, mạng lưới chưa phủ sóng rộng rãi như các ngân hàng nội. Việc am hiểu thị trường trong nước, nắm bắt tâm lý phần đông người tiêu dùng cũng là một trong những thế mạnh của ngân hàng nội. Đồng thời, phân khúc khách hàng nhỏ lẻ, vùng nông thôn… vô cùng tiềm năng với các ngân hàng nội.
Để “không thua trên sân nhà”, các ngân hàng nội phải tiếp tục phát triển dịch vụ, đào tạo huấn luyện đội ngũ cán bộ nhân viên, hỗ trợ khách hàng, đưa ra các giải pháp tài chính toàn diện để tăng tiếp cận được phân khúc khách hàng cao cấp, doanh nghiệp lớn. Còn doanh nghiệp nhỏ thì tiếp tục phát triển dịch vụ, giảm lãi suất cho vay để đáp ứng nhu cầu của khách hàng - ông Tín cho biết.