Số liệu xuất – nhập khẩu giữa các bộ: Chênh vì sao?

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Chuyện “hoa mắt” với số liệu, hoặc hôm nay Tổng cục Thống kê công bố một con số, mai Tổng cục Hải quan lại công bố một con số khác là chuyện không hiếm tại Việt Nam. Nhưng, tại sao lại có hiện tượng này, thì câu trả lời hình như không quá khó: Do phương thức tính khác nhau.

Vệc ước tính số liệu tháng không đơn giản. Nguồn: internet
Vệc ước tính số liệu tháng không đơn giản. Nguồn: internet

Bất đồng về số liệu: Chuyện tại cuộc họp

Tại hội nghị giao ban của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sáng 25/3/2014, ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương nói: “Số liệu thống kê luôn được ước trong khoảng 10-15 ngày. Điều này sẽ làm cho bức tranh xuất nhập khẩu không chuẩn xác!”

Cụ thể, cuối năm 2013, Tổng Cục thống kê ước xuất siêu tới 863 triệu USD, nhưng rốt cục, con số chính thức từ Tổng cục Hải quan hồi tháng 1/2014 cho thấy chỉ xuất siêu 10 triệu USD.

Tháng 2/2014, Tổng cục Thống kê ước cả nước xuất siêu 600 triệu USD nhưng con số từ Hải quan tổng hợp đã tăng lên 1,3 tỷ USD...

Để khắc phục ông Thắng yêu cầu, sau 1 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải có thông báo chỉ số kinh tế chính thức. Nếu không làm như vậy, bức tranh tổng thể kinh tế sẽ bị méo mó. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không biết con số thực sự, cứ đi lờ mờ dự đoán.

Thực tế, chuyện chênh lệch số liệu giữa các bộ, ngành đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” tại Việt Nam. Thế nhưng, sự khúc mắc đó nếu rơi vào những người dân thường, thì có thể là bình thường. Song, việc đại diện một bộ lớn là Bộ Công Thương “lớn tiếng chê” số liệu của Tổng cục Thống kê, thì lại là một chuyện khác. Bởi, theo quy định, số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê có sự góp mặt của đại diện Bộ Công Thương.

Vậy, sự thật thế nào?

Bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, cho biết thực tế vào ngày 20 hằng tháng, tổ liên bộ bao gồm Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tổng cục Hải quan và Bộ Công Thương đều có số liệu ước tính về con số xuất nhập khẩu cho cả tháng. Tuy nhiên, khoảng ngày 12 - 14 tháng sau, Tổng cục Hải quan sẽ công bố số liệu thống kê cuối cùng dựa trên đơn hàng xuất nhập khẩu thực tế. Do vậy, con số công bố của Bộ Công Thương chỉ là số liệu ước tính còn con số của Tổng cục Hải quan là số liệu thực tế đã được điều chỉnh.

Giải thích thêm về điều này, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại - Tổng cục Thống kê Lê Thị Minh Thủy cho biết số liệu ước tính là số liệu dựa trên tổng hợp tình hình xuất -nhập khẩu có tham khảo từ Tổng cục Hải quan, các hiệp hội của 15 ngày đầu tháng và dùng để ước tính cho xu hướng nửa tháng sau, trong khi nhiều trường hợp diễn biến bất ngờ lại rơi vào những ngày cuối tháng.

Làm rõ hơn về vấn đề nay, vừa qua Tổng cục Thống kê đã có văn bản chính thức lên tiếng lý giải vì sao có sự chênh lệch về số liệu thống kê xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan.

Cụ thể, theo Luật Thống kê, Tổng cục Thống kê là cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp và công bố các số liệu thống kê về tình hình kinh tế, xã hội vào cuối các tháng -  trong đó có số liệu thống kê xuất/nhập khẩu, phục vụ Chính phủ, các đối tượng sử dụng số liệu. Gắn với thời điểm công bố, số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Tổng cục Thống kê chia làm 3 loại: số liệu ước tính, số liệu thực hiện sơ bộ và số liệu thực hiện chính thức.

Theo đó, số liệu ước tính: được công bố vào cuối tháng ước tính, do nhóm chuyên viên liên Bộ của Tổng cục Thống kê, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp tính toán dựa trên số sơ bộ thực hiện 15 ngày đầu tháng của Tổng cục Hải quan, quy luật kỳ/tháng của hoạt động xuất nhập khẩu, số liệu và tình hình của một số hiệp hội, ngành hàng, báo cáo của doanh nghiệp xuất khẩu dầu thô, đánh giá về tác động của chính sách... để dự báo cho cả tháng, cộng dồn đến hết tháng.

“Số liệu ước tính của tháng và số liệu thực hiện công bố sau đó không thể tránh khỏi chênh lệch nhưng nhìn chung các tháng mức chênh không lớn. Trong điều kiện hiện nay, chưa có cơ chế tốt hơn để thực hiện ước tính số liệu tháng”, văn bản cho biết.

Còn số liệu thực hiện sơ bộ được công bố hàng tháng cùng với số liệu ước tính, gồm số thực hiện tháng trước và số liệu cộng dồn đến hết tháng trước. Nguồn số liệu là báo cáo tháng của Tổng cục Hải quan cung cấp cho Tổng cục Thống kê sau khi kết thúc tháng từ 10 - 15 ngày.

Số liệu thực hiện chính thức được công bố hàng năm trong Niên giám thống kê, Báo cáo chính thức xuất, nhập khẩu hàng hóa và ấn phẩm “Xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam”. Số liệu này có độ chính xác cao, chi tiết theo nhiều phân tổ, phân loại hàng hóa, phục vụ rất tốt cho công tác phân tích và so sánh quốc tế.

Tổng cục Thống kê cũng lý giải, mặc dù số liệu thực hiện có độ chính xác cao hơn, nhưng chỉ có thể công bố sau khi đã kết thúc tháng/năm. Do đặc thù của cơ chế quản lý, điều hành từ Trung ương đến địa phương ở nước ta, cơ quan thống kê các cấp được giao nhiệm vụ phối hợp với các ngành liên quan ước tính số liệu hàng tháng phục vụ công tác quản lý.

Tổng cục Thống kê cũng nhấn mạnh, việc ước tính số liệu xuất – nhập khẩu tháng căn cứ vào số thực hiện sơ bộ 15 ngày đầu tháng của Tổng cục Hải quan, ước tính số liệu của 15 ngày còn lại.

Số liệu này được Tổng cục Thống kê công bố vào cuối của tháng ước tính, đồng thời công bố số liệu sơ bộ thực hiện tháng trước, cộng dồn đến hết tháng trước – các con số này hoàn toàn thống nhất với số liệu của Tổng cục Hải quan để người sử dụng biết được nội dung điều chỉnh số ước tính tháng trước.

“Thực tế cho thấy trong nền kinh tế thị trường, việc ước tính số liệu tháng không đơn giản, đặc biệt khi tình hình kinh tế, thương mại thế giới và sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, biến động thời gian gần đây. Hơn nữa nguồn thông tin để ước tính còn hạn chế, khó có thể lượng hóa hết các yếu tố bất thường, nên thực tế có sự chênh lệch khá lớn giữa số ước tính và thực hiện ở một số tháng, đặc biệt là tháng 12 các năm và tháng có ngày Tết nguyên đán”, Tổng cục Thống kê trần tình.