Sớm đưa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào cuộc sống
Hiện nay, khu vực DNNVV có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, DNNVV được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế.
Ở Việt Nam, có khoảng hơn 700.000 doanh nghiệp, trong đó DNNVV chiếm 98%, đóng góp 48% GDP của cả nước, tạo ra hơn 50% việc làm cho xã hội.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của khu vực DNNVV, thời gian qua, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm phát triển khu vực kinh tế tư nhân mà trong đó chủ yếu là các DNNVV. Bên cạnh những nỗ lực thiết lập và duy trì một môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ DNNVV.
Đặc biệt, ngày 12/06/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Đây là đạo Luật đầu tiên về hỗ trợ DNNVV nên đòi hỏi sự vào cuộc của toàn hệ thống để có thể triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các nội dung hỗ trợ.
Phát biểu tại hội nghị Hội nghị quán triệt triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cấp Trung ương do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức sáng ngày 19/09/2018, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Hội nghị quán triệt triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV cấp Trung ương nhằm cập nhật tiến độ kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tại Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 15/06/2018 về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV, đồng thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật. Từ đó đề xuất kiến nghị, giải pháp để giúp đẩy mạnh tiến độ và nâng cao hiệu quả công tác triển khai Luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn hỗ trợ phát triển DNNVV.
Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, Luật Hỗ trợ DNNVV thể hiện rõ ý nghĩa và chủ trương hỗ trợ DNNVV một cách thiết thực, thực chất và phù hợp với yêu cầu phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế của Chính phủ.
Luật đã hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời từ lúc tham gia đến lúc rút khỏi thị trường và hướng tới mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Do vậy, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, địa phương để Luật gấp rút đi vào cuộc sống và thể hiện được hiệu quả, hiệu lực.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết, hai năm gần đây, hoạt động đăng ký thành lập doanh nghiệp tăng nhanh, từng bước hình thành làn sóng khởi nghiệp trên diện rộng, khai thác tốt hơn nguồn vốn trong dân chúng. Báo cáo tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2018 đã có hơn 87.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Ông Nguyễn Hoa Cương khẳng định, Luật Hỗ trợ DNNVV đặc biệt quan tâm, khuyến khích thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; trong đó, DNNVV là một động lực quan trọng.
Đồng thời, Chính phủ tiếp tục kêu gọi, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, các hỗ trợ sẽ tập trung vào những nội dung thiết thực, như: phí thuế, hỗ trợ tư vấn, pháp lý, sở hữu trí tuệ, bản quyền, đào tạo nhân lực.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp cũng thông tin, trong quá trình triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV đã gặp phải một số vướng mắc.
Cụ thể như: Chưa có quy định cụ thể về hỗ trợ thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và chế độ kế toán đơn giản cho doanh nghiệp siêu nhỏ nên chưa triển khai được thực tế.
Ngoài ra, chưa có khung khổ pháp lý cụ thể để các địa phương có căn cứ triển khai; chưa có hướng dẫn việc thành lập cơ sở ươm tạo DNNVV; chưa có hướng dẫn các địa phương về hình thành quỹ đất để hình thành phát triển cụm công nghiệp, khu chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung cho DNNVV…
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hiện nay còn hoạt động manh mún, thiếu liên kết giữa các đơn vị, chậm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt là tâm lý chưa sẵn sàng chuyển đổi thành doanh nghiệp của các hộ kinh doanh do lo ngại các thủ tục về thuế cũng như sự phức tạp do tuân thủ quy định pháp luật khi đã trở thành doanh nghiệp.
Bàn thêm về vấn đề này, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực hội DNNVV Việt Nam cho rằng, cùng với việc khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, nếu không có những giải pháp và hành động cụ thể để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp sẽ rất khó đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Đồng thời, ông Nam cũng cho rằng, thời gian tới, cần phải có cái nhìn bình đẳng giữa doanh nghiệp với hộ kinh doanh, nhiều hộ kinh doanh có doanh thu rất lớn, sử dụng rất nhiều lao động, nhưng không bị điều chỉnh bởi luật pháp tương đương so với doanh nghiệp cùng quy mô.
Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực hội DNNVV Việt Nam đề xuất, thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên tuyền chính sách đến các doanh nghiệp; mở các lớp tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp biết đến các đề án; đặc biệt, hỗ trợ về cơ sở vật chất hạ tầng, như: cho thuê văn phòng, địa điểm làm việc cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhất là ở các địa phương quỹ đất đai còn nhiều, trụ sở còn có thể bố trí được.
Ông Nguyễn Hoa Cương cũng cho biết, trong thời gian tới, nhằm tăng cường hiệu quả, đưa Luật đi vào cuộc sống trên diện rộng và gia tăng mức độ thụ hưởng của DNNVV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình để hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất, ngày càng hiệu quả hơn.
Theo đó, Bộ sẽ khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV. Bộ cũng sẽ chủ động phối hợp cùng các bộ khác trong kết nối thông tin, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật trong thu nhận xử lý thông tin, bảo đảm thông tin đầu vào chính xác, kịp thời qua các công đoạn, cơ quan liên quan... Một số thông tư, hướng dẫn thi hành Luật chưa ban hành sẽ được tăng tốc soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền để đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện khung khổ pháp lý, hỗ trợ DNNVV hiệu quả hơn.