Tháo gỡ những rào cản thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển
Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đặt ra mục tiêu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP, đến năm 2020 đạt khoảng 50%; bình quân giai đoạn 2016-2025, năng suất lao động tăng khoảng 4-5%/năm; khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4 được thu hẹp… Để đạt được các mục tiêu này, việc tiếp tục tháo gỡ những rào cản nhằm giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển là nhiệm vụ cấp bách đặt ra hiện nay.
Những rào cản kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân (DNTN) phát triển. Nổi bật là Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Cùng với đó, Quốc hội cũng đã thông qua nhiều dự luật hỗ trợ DN, đặc biệt là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị quyết nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, qua đó, cải thiện xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhờ đó, DNTN phát triển ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, các vùng, miền với số lượng tăng lên nhanh chóng, tạo cơ sở vững chắc để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN.
Bên cạnh những kết quả tích cực của khối DNTN, hiện đang còn nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cả nước hiện nay có hơn 600 nghìn DNTN đang hoạt động, đa số là DN nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, xây dựng và công nghiệp.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2018, cả nước có 12.222 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2017; có 8.115 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong 3 tháng đầu năm 2018 của cả nước là 3.321 DN, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Tình trạng DNTN có quy mô nhỏ, hoạt động chưa hiệu quả, số lượng DNTN giải thể, tạm ngừng kinh doanh vẫn tăng cao hàng năm... được các chuyên gia kinh tế lý giải là do hiện nay có nhiều rào cản đối với sự phát triển của các DN này.
Cụ thể, theo Báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017 do trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố, có 4 rào cản chủ yếu tác động, ngăn cản sự phát triển của DN, cụ thể:
Thứ nhất, khả năng tiếp cận vốn vay tín dụng của các DN hạn chế: Đây là rào cản lớn đối với các DN nói chung, đặc biệt là DNNVV. Số liệu của Ban Kinh tế Trung ương cho thấy, nguồn vốn cho khu vực tư nhân chủ yếu là nguồn tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, tỷ trọng tín dụng dành cho DNTN đang giảm dần, từ mức 60% tổng dư nợ năm 2011 xuống còn khoảng 51% năm 2015 và ở mức 41% năm 2017. Trong khi đó, theo kết quả điều tra của Ngân hàng Thế giới, có 24,7% DN Việt Nam năm 2015 coi tiếp cận tín dụng là trở ngại lớn nhất khiến cho DN không phát triển được.
Các DN Việt Nam hiện vẫn phải tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất hơn 7%/năm, trong khi nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới chỉ phải trả mức lãi suất từ 3-4%/năm.
Bên cạnh đó, các DN đã từng bị ngân hàng từ chối hoặc chỉ được giải ngân một phần thì nguyên nhân lớn nhất chính là do tài sản thế chấp không đủ điều kiện. Đặc biệt là đối với các DNNVV, các DN này càng khó có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay chính thức, vì phần lớn mặt bằng sản xuất, máy móc trang thiết bị cơ bản là đi thuê…
Thứ hai, rào cản gia tăng chi phí lao động của các DN: Theo Báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017, chi phí sử dụng lao động trong các DN Việt Nam có chiều hướng tăng lên trong thời gian qua. Tỷ trọng của chi phí cho bảo hiểm xã hội (BHXH), y tế, thất nghiệp và kinh phí công đoàn có xu hướng tăng đáng kể.
Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng dự kiến của việc tăng tiền lương tính BHXH từ tổng lương và các khoản phụ cấp theo hợp đồng tính lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác cho thấy, chi phí lao động của DN có thể sẽ tăng lên 6,8%.
Mức tăng chi phí như vậy sẽ làm lợi nhuận DN giảm 11,4%. Tỷ lệ DN có lợi nhuận giảm đáng kể từ 63,2% xuống 40,6% DN. Các DN có mức lợi nhuận thấp như DNTN sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tỷ lệ lợi nhuận của các DN trong ngành Dệt may và Xây dựng chịu ảnh hưởng lớn lần lượt là 41,9% và 30%...
Thứ ba, rào cản gia tăng chi phí cơ sở hạ tầng logistics của DN: Tỷ lệ chi phí logistics/GDP của Việt Nam đứng ở mức 20,9% năm 2017, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc (14,5%), Singapore (8,5%), Malaysia và Philippines (13%)… khiến DN Việt Nam “vất vả” trong kiểm soát chi phí. Có tới 44% DN được hỏi nhận định chi phí vận tải đường bộ ở mức cao và rất cao; 17% DN thường xuyên phải trả các khoản phí không chính thức.
Thứ tư, rào cản gia tăng chi phí thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước: Trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách cải cách hệ thống thuế theo hướng đơn giản và giảm bớt áp lực về thuế cho DN, qua đó chi phí chính thức về thuế đối với DN đã cơ bản được cắt giảm.
Tuy nhiên, chi phí phi chính thức gây ra bởi thủ tục hành chính vẫn còn là rào cản lớn đối với DN. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính thuế, phí, lệ phí, đất đai, quản lý thị trường rườm rà và cũng gây ra không ít khó khăn cho DNTN.
Để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển
Nhằm khắc phục những rào cản, giúp DNTN phát triển, thời gian tới cần tập trung triển khai các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay tín dụng của cộng đồng DN nói chung và DNTN nói riêng; Nới lỏng các ràng buộc liên quan đến tài sản thế chấp, đơn giản hóa và cải tiến các thủ tục cho vay; Giảm chi phí tiếp cận nguồn vốn tín dụng thông qua việc cân đối các nguồn vốn vay với lãi suất và kỳ hạn phù hợp hơn đối với các DN, kể cả các nguồn vay ưu đãi; Mở rộng các hình thức thuê mua, cung cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi hơn với các dự án khởi nghiệp khả thi và có khả năng sinh lời tốt...
Thứ hai, nâng cao năng lực cho DN, cải thiện năng lực quản lý tài chính cho các chủ DN thông qua các khóa bồi dưỡng, tập huấn các kiến thức về quản lý, tài chính, kế toán, thị trường; Cải thiện năng lực kinh doanh của DN thông qua công tác xây dựng cơ sở dữ liệu hoạt động của DN, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị...
Bản thân mỗi DN cần không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư cho đào tạo nhân lực, máy móc thiết bị và quản trị DN theo hướng chuyên nghiệp...
Thứ ba, giảm thiểu các yêu cầu chồng chéo hoặc mâu thuẫn của các đơn vị hành chính, gây lãng phí tài chính; Dỡ bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tạo điều kiện phát triển một cách hài hòa giữa các khu vực trong nền kinh tế; Cải cách thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép thành lập đăng ký kinh doanh, thủ tục thuê đất, thủ tục cấp tín dụng.
Thứ tư, cải thiện chi phí lao động cho DN: Chính phủ cần có chính sách đẩy mạnh sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các DNTN để chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp. Việc này sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động.
Các chính sách vĩ mô liên quan đến tiền lương cần được giữ ở mức ổn định. Bảo hiểm Xã hội (BHXH) nên tập trung vào thu đủ và tăng mức độ tham gia BHXH của người lao động ở các DNTN, DN có mức độ tham gia BHXH thấp.
Thứ năm, giảm thiểu chi phí thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước: Cần tập trung cải cách bộ máy thực thi các chính sách, pháp luật thuế hiện hành theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường áp dụng thuế điện tử, giảm bớt các hoạt động thanh tra, kiểm tra không cần thiết; Tăng cường công khai, minh bạch thông tin cho DN; Đẩy nhanh quá trình cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, minh bạch hóa thủ tục và giảm việc tiếp xúc trực tiếp giữa DN và cán bộ, công chức; Cần có những biện pháp quyết liệt để giảm các khoản chi phí không chính thức đối với các DN, đặc biệt là DNNVV...
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Số liệu thống kê về đăng ký DN năm 2018;
2. Đại học Kinh tế Quốc dân (2018), Tài liệu Hội thảo khoa học quốc gia về kinh tế Việt Nam năm 2017 và triển vọng năm 2018;
3. Minh Hương (2018), Tháo rào cản thúc đẩy DN phát triển, Báo Đại biểu nhân dân;
4. Việt Hải, Minh Dũng (2017), Gỡ rào cản, mở đường cho DN,
Báo Nhân dân điện tử;
5. Một số website: mpi.gov.vn, kinhtetrunguong.vn, gso.gov.vn…