Sốt đất “đặc khu”

Theo Chi An/daibieunhandan.vn

Chưa trở thành đặc khu kinh tế, nhưng thị trường bất động sản tại Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) đã phải hứng chịu cơn sốt đất. Nhiều chuyên gia cảnh báo, đây là những cơn sốt ảo, hoàn toàn do giới đầu cơ tạo ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại Bắc Vân Phong, thông tin mà nhiều sàn giao dịch bất động sản đưa ra liên quan đến các quy hoạch, dự án sắp triển khai đều không rõ ràng, chủ yếu là khu vực nào đang sốt, giá cả lên như thế nào, số lượng giao dịch chốt từng ngày ra sao... 

Các chuyên gia đều cho rằng, sốt đất ảo sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch của khu vực, môi trường đầu tư, kinh doanh bị ảnh hưởng. Khi giá đất tăng quá cao sẽ dẫn đến suất đầu tư tăng và thời gian thu hồi vốn kéo dài dẫn đến dự án không còn khả thi, khó thu hút các nhà đầu tư.

Chúng ta đã có bài học kinh nghiệm về các cơn sốt đất do quy hoạch như từng xảy ra ở Ba Vì và một số huyện thuộc Hà Tây cũ khi Chính phủ thông qua Quy hoạch Hà Nội mở rộng năm 2009, hay các cơn sốt đất nền một số quận, huyện ngoại thành TP. Hồ Chí Minh đầu năm 2017. Hậu quả là hàng nghìn tỷ đồng đang “đóng băng” ở những phân khúc không có nhu cầu thực tế đến giờ chưa thể giải quyết được.

Thực tế trên cho thấy, đang thiếu công cụ hữu hiệu quản lý thông tin về thị trường bất động sản. Tình trạng các doanh nghiệp công bố thông tin thiếu chính xác, tác động tiêu cực đến thị trường vẫn còn xảy ra. Các báo cáo hay dự báo về thị trường bất động sản được công bố từ khảo sát của các đơn vị tư vấn vẫn “vênh” nhau. Thị trường bất động sản vốn rất nhạy cảm, dễ bị những thông tin giả, thông tin ảo tác động sẽ trở nên rối ren nếu các cơ quan quản lý nhà nước không đưa ra thông tin chính thống nào.

Mặc dù Nghị định số 117/2015/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản xác định sẽ khai thác thông tin, công bố thông tin chính xác các chỉ số đánh giá theo định kỳ để phục vụ hoạch định chính sách, quản lý nhà nước và định hướng thị trường nhằm ngăn ngừa tình trạng sốt ảo, tuy nhiên, sau 3 năm hệ thống này vẫn chưa thành hình.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, rừng, môi trường. Phải bảo đảm trật tự xã hội, không để “cò đất”, xã hội đen mua bán đất lộng hành tại các đặc khu kinh tế.

Để ngăn ngừa, trị tận gốc tình trạng sốt đất ảo, thiết nghĩ cách giải quyết căn cơ nhất vẫn là phải sớm cho ra đời hệ thống thông tin chính thống về thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, sớm đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản vì không theo kịp sự phát triển của thị trường.

Trước mắt, để bình ổn thị trường bất động sản tại Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, phải nhanh chóng hoàn thành việc lập và phê duyệt quy hoạch chung của cả khu vực, công khai quy hoạch, khung giá đất để mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư tham khảo, nghiên cứu.

Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng đất đai; thực hiện nghiêm việc chuyển nhượng các loại đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất vườn có một phần đất ở theo quy định của pháp luật, vì đây là loại đất chuyển nhượng phức tạp nhất tại những khu vực chưa có quy hoạch ổn định.