“Startup Việt cần hướng tới việc giải quyết các vấn đề của cuộc sống”
Để khởi nghiệp thành công, các startup Việt Nam khi phát triển các mô hình cần nghĩ đến việc ý tưởng đó sẽ giải quyết được những vấn đề xã hội nào ngoài những quyền lợi liên quan trực tiếp đến kinh tế.
Xu hướng khởi nghiệp công nghệ là phổ biến
Với khoảng 3.000 doanh nghiệp startup, Việt Nam đang bước vào thời kỳ bùng nổ khởi nghiệp tương tự Châu Âu những năm 2010-2011, ông Max Scheichenost - đồng sáng lập hơn 15 startup tại Việt Nam và toàn cầu đưa ra nhận định tại buổi Start-up talk: “Hướng đi cho Start-up Việt Nam trên đấu trường quốc tế”, diễn ra mới đây tại Dreamplex Coworking space, TP. Hồ Chí Minh
“Việt Nam đang sở hữu rất nhiều tài năng công nghệ nhưng đó cũng chính là rào cản, vì các startup đang tập trung quá nhiều vào công nghệ thay vì các vấn đề cuộc sống. Các bạn trẻ cần đi ra ngoài nhiều hơn, để nhìn thấy các vấn đề đó và nghĩ đến việc sử dụng công nghệ để giải quyết chúng. Càng nhiều vấn đề thì càng nhiều cơ hội cho các startup”, ông Max Scheichenost nói.
Còn theo ông Edward Jung - đồng sáng lập Window NT, Office and Microsoft Research, top 12 nhà phát minh trong lịch sử thế giới với hơn 1.000 bằng sáng chế, cho rằng công nghệ sẽ là xu hướng chủ đạo tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Edward Jung cũng chia sẻ một số ngành nghề có thể là cơ hội lớn tại Việt Nam như: công nghệ về camera, phim ảnh, radio, bóng đèn, y tế, games, xe, hàng không, điện thoại, vac-xin, quy trình công nghiệp, tia laser, máy tính, tài chính…
Theo ông Edward Jung thế giới đang ở thời kỳ công nghệ và một số người nghĩ rằng thế giới đang bị chi phối bởi các tập đoàn công nghệ lâu đời nhưng điều đó chưa chính xác.
“Đối với Việt Nam công nghệ bán dẫn dây tóc bóng đèn là một lĩnh vực mới có thể khởi nghiệp thuận lợi. Chúng ta nên đi từ những lĩnh vực ngách của thị trường để khởi nghiệp sẽ thành công hơn. Các công ty đa quốc gia chỉ sợ những doanh nghiệp nhỏ có sự sáng tạo khác biệt. Chẳng hạn, uber đã làm thay đổi cả ngành công nghiệp taxi thế giới bằng cách ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực này”, ông Edward Jung nói.
Về xu hướng công nghệ, bà Mai Hương - Người sáng lập các thương hiệu Coco Sin, Fibér, 8870 Link, chia sẻ: “Tôi cũng có sự quan tâm đặc biệt đến big data. Với những dữ liệu khổng lồ về hành vi người dùng, bạn sẽ phải sử dụng big data để hiểu khách hàng. Big data sẽ giải quyết được rất nhiều bài toán: ví dụ cần sản xuất bao nhiêu sản phẩm, vòng đời của 1 mùa sản phẩm…”.
Không thiếu cơ hội cho các startup
Đến từ Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, ông Vũ Chí Kiên, Phó trưởng phòng Quản lý thực hiện quy hoạch – pháp chế, cho biết chính quyền các cấp đang mong muốn biến TP.HCM thành một đô thị thông minh, nếu mục đích của startup là ứng dụng công nghệ để giải quyết vấn đề cho xã hội, kinh tế thì luôn được khuyến khích. Ví dụ, ngân sách để đầu từ công nghệ thông tin từ 5 triệu USD trong năm 2016 đã lên đến 15 triệu USD trong năm 2017.
Ông Kiên cũng cho biết thêm Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM có riêng một website những dự án cần đấu thầu và các startup hoàn toàn có thể liên hệ để thực hiện.
“Hiện có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân làm việc với nhà nước. Chúng tôi rất cần những chuyên gia tư vấn đến từ các bạn và rất mong đợi sự giúp đỡ từ các startup”, ông Kiên nói.
Là một người từng làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau, ông Edward Jung cho rằng mỗi quốc gia có một hành lang pháp lý khác nhau nên các doanh nghiệp phải cực kỳ lưu ý đến vấn đề này trước khi bắt đầu hay mở rộng phạm vi hoạt động của mình.
“Một số startup khởi nghiệp họ nghĩ đến lợi nhuận hoặc những thị trường tỷ đô nhưng có rất nhiều thị trường ngách có thể tận dụng và phát triển tại địa phương đó. Chúng ta có thể bắt đầu bằng những ý tưởng nhỏ, tại những thị trường nhỏ sau đó phát triển lớn hơn và am hiểu pháp lý là một điều bắt buộc để phát triển”, ông Edward Jung chia sẻ.
Còn bà Mai Hương cũng cho rằng để mang sản phẩm của Việt Nam ra thế giới, hoặc muốn thực hiện hợp đồng trực tiếp với các quốc gia khác, ngoài yếu tố đầu tiên là chất lượng và giá trị văn hóa của sản phẩm, các doanh nghiệp phải thật sự am hiểu thị trường để tránh các rủi ro về pháp lý.
Về các cơ hội của Việt Nam trên đấu trường quốc tế, ông Edward Jung đánh giá: “Việt Nam dù có sự phát triển thấp hơn một số quốc gia trên thế giới nhưng lại là sự phát triển bền vững. Các mối quan hệ song phương quốc tế của Việt Nam tương đương Singapore, đây chính là một lợi thế cạnh tranh”.
Qua khảo sát, ông Edward Jung cũng phân tích, thời gian trung bình để mở một công ty tại Việt Nam ngày càng giảm dần so với nhiều nước trên thế giới, tạo điều kiện để các startup phát triển.
“Các bạn có những lợi thế và điểm mạnh khác nhau khi so sánh với các quốc gia khác. Ví dụ, tại các nước lớn mạnh hơn và đông dân, khi bạn có 1 ý tưởng đột phá bạn có thể bị trùng với 4.000 người khác, điều này cũng xảy ra tương tự như ở Thung lũng silicon. Độc đáo và khác biệt hoàn toàn là điều khó có thể thực hiện ở các nước lớn nhưng tại Việt Nam với thị phần nhỏ hơn, các bạn hoàn toàn có thể”, ông Edward Jung nói.
Khi được hỏi về điều quan tâm nhất khi đầu tư vào Startup Việt Nam, tất cả các diễn giả đều cho biết họ rất chú trọng vào đội ngũ điều hành doanh nghiệp.
Họ cho rằng: Tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo rất quan trọng. Nhà đầu tư mong muốn nhìn thấy những khả năng khác nhau của những người trong một nhóm chứ không phải là sự tương đồng giữa họ.
"Kế hoạch kinh doanh rất quan trọng nhưng đội ngũ lãnh đạo sẽ quyết định nó đi về đâu", hầu hết các diễn giả đều đồng tình về ý kiến này.