Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo
Số lượng doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp sáng tạo (startup) ở nước ta tăng theo thời gian. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần có chính sách cụ thể để thúc đẩy cộng đồng startup phát triển vững mạnh và có sức bật mạnh mẽ hơn.
Nhiều rào cản chính sách
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm 2016, có khoảng 1.500 startup đang hoạt động, trong đó lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm tỷ trọng lớn.
Theo trang Tech in Asia có trụ sở tại Singapore, chuyên đưa tin về cộng đồng khởi nghiệp ở châu Á, so với số dân, tỷ lệ này cao hơn cả ở Indonesia với 2.100 startup, Trung Quốc với 2.300 và Ấn Độ với 7.500.
Cũng dễ hiểu, vì Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới trong nhóm nước đang phát triển có số người sử dụng internet lớn hơn một nửa dân số (trên 60 triệu người).
Ngoài ra, theo Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh cấp cao Việt Nam Đại học Hawaii (VEMBA) Bùi Xuân Tùng, Việt Nam được đánh giá mạnh ở các chỉ số thuộc nhóm đầu ra của đổi mới sáng tạo gồm sản phẩm của tri thức và công nghệ; sản phẩm sáng tạo. Việt Nam tăng 12 bậc thứ hạng, từ vị trí 59/128 năm 2016 lên vị trí 47/127 năm 2017 về đổi mới sáng tạo.
Tuy vậy, số doanh nghiệp khởi nghiệp từ công nghệ thông tin thành công vẫn còn khá thấp so với kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân là thiếu và yếu về nguồn nhân lực. TS. Phạm Văn Hải, Trường Đại học Bách Khoa cho rằng, nhân lực đóng vai trò quan trọng trong sự thành, bại của doanh nghiệp.
Hiện nay, nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin rất thiếu. Nhân lực đào tạo trong các trường đại học tuy đông nhưng lượng “dùng được” chỉ chiếm 15%. Thêm vào đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động còn rời rạc, chưa có cơ chế thống nhất trong việc kết nối với nhau, chưa tạo được hiệu ứng tích cực cho hoạt động khởi nghiệp.
Đặc biệt, còn nhiều rào cản về chính sách, thủ tục hành chính và khó khăn trong tiếp cận vốn. Việt Nam chưa có chính sách về hỗ trợ khởi nghiệp, nhiều chính sách tương đồng như hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế về điều kiện tiếp cận, thủ tục hành chính.
Cần có ưu đãi về thuế
Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đặt ra mục tiêu đến năm 2020 mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, song lại thiếu hụt định hướng, chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ các doanh nghiệp startup thành công trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, doanh nghiệp khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về vốn và nhân lực.
Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn quản lý Việt, Chủ tịch nhóm công tác khởi nghiệp sáng tạo của Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) Trương Minh Giang cho biết, hiện nay lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo chưa có hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển, đặc biệt đối với các nhà đầu tư cho các công ty khởi nghiệp.
Trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực này rủi ro rất lớn, vì vậy, cần sớm ban hành Nghị định về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Moca Trần Thanh Nam cho biết thêm, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không thể phát hành trái phiếu vì chưa có luật.
Do đó, để nhận vốn đầu tư buộc các doanh nghiệp phải “lách”. Để thu hút vốn, có 90% xác suất là nhận vốn nước ngoài, chỉ 10% là vốn từ Việt Nam. Nhưng khi nhận vốn đầu tư nước ngoài, phải xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương.
Do đó, ông Nam cho rằng, nên gỡ vướng cơ chế, thủ tục để có thể nhận khoản vay chuyển đổi, trái phiếu chuyển đổi cho các doanh nghiệp startup. Ngoài ra, việc thu hút nguồn lao động đến với chủ đầu tư startup rất khó khăn do quan niệm người Việt Nam vẫn là “thận trọng” và muốn vào biên chế nhà nước hơn.
Vì vậy, ông Nam đề xuất ngoài việc ưu đãi về thuế doanh nghiệp, Nhà nước cần có chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động làm việc cho doanh nghiệp startup. Khuyến khích tinh thần startup cần phải có hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể hơn như đưa ra ý tưởng hoặc dự án hỗ trợ vốn, cố vấn đồng hành để các bạn trẻ thực hiện, thử sức mình.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Chính phủ không nhất thiết phải tài trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Vai trò của Chính phủ là tạo hành lang pháp lý để điều hòa và thúc đẩy các quan hệ trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Các quy định phải khuyến khích sự cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng để bảo đảm công bằng, cũng như tinh thần kinh doanh bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, startup.
Đây mới chính là cơ sở để có thể cạnh tranh dựa trên ý tưởng, chất lượng hàng hóa dịch vụ. Còn tài trợ vốn chỉ nên là công việc của các nhà đầu tư, những người có chuyên môn đánh giá startup.
Về đào tạo nguồn nhân lực, TS. Phạm Văn Hải cho rằng, cần phải thay đổi cách đào tạo tại các trường đại học. Thay vì đào tạo theo cách truyền thống, buộc sinh viên phải ngồi trên ghế nhà trường 4 kỳ học thì sinh viên công nghệ thông tin có thể 2 năm ngồi trong trường đại học, còn 2 năm còn lại ngồi làm việc ở doanh nghiệp. Đào tạo theo xu hướng này rất cần sự phối hợp của doanh nghiệp.