Sự biến động giá cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán

PGS., TS. HÀ THANH VIệT

Trong đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán, Chính phủ xác định rõ việc tái cấu trúc toàn diện thị trường nhằm phấn đấu đến năm 2020 đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự đồng biến động giá cổ phiếu của các công ty niêm yết đang có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường. Thông qua việc phân tích các nghiên cứu trên thế giới, bài viết đề xuất các giải pháp nhằm góp phần hạn chế tình trạng này, qua đó làm tăng tính hiệu quả của thị trường chứng khoán.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tác động xu hướng đồng biến động giá cổ phiếu đến thị trường

Theo nghiên cứu của Morck (2003), Djankov, Qian, Roland và Zhuravskaya (2006), khái niệm sự đồng biến động giá cổ phiếu được sử dụng để đo lường mức độ hiệu quả của sự phản ánh thông tin trong giá chứng khoán hoặc phản ánh mức độ nhiễu các thông tin trên thị trường đối với giá chứng khoán.

Giá cổ phiếu chịu tác động bởi nhiều nhân tố khác nhau bao gồm cả nhân tố bên trong doanh nghiệp (DN) (hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, kỹ năng quản trị…) và bên ngoài DN (lãi suất, lạm phát, chính sách…).

Trong nền kinh tế với sự bùng nổ thông tin như hiện nay, giá cổ phiếu chịu tác động mạnh từ thông tin của thị trường, những thông tin không chính xác làm sai lệch về giá trị thực của cổ phiếu ảnh hưởng đến việc mua bán cổ phiếu của các nhà đầu tư (NĐT).

Đặc biệt trên thị trường chứng khoán (TTCK) còn xuất hiện tâm lý bầy đàn khiến cho giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị thực của nó và việc tăng hay giảm giá lại phụ thuộc vào cổ phiếu của công ty khác, dẫn đến hiện tượng giá cổ phiếu cùng tăng hoặc cùng giảm (sự đồng biến động giá cổ phiếu).

Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, hiện tượng đồng biến động giá cổ phiếu có xu hướng tăng ở TTCK các nước đang phát triển, và được coi là một trong các dấu hiệu cho thấy mức độ hiệu quả của thị trường đó.

Theo lý thuyết thị trường hiệu quả (Euge Fama, 1970), có 3 dạng hiệu quả của thị trường: Dạng yếu (thị trường mà giá chứng khoán phản ánh đầy đủ các thông tin trong quá khứ), dạng trung bình (thị trường mà giá chứng khoán phản ánh đầy đủ các thông tin trong quá khứ, hiện tại) và dạng mạnh (thị trường mà giá chứng khoán không chỉ phản ánh đầy đủ thông tin trong quá khứ, hiện tại mà cả các thông tin nội bộ).

Mức độ hiệu quả của thị trường sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự biến động của các cổ phiếu và qua đó ảnh hưởng đến sự đồng biến động của tất cả cổ phiếu niêm yết trên thị trường.

Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu khác nhau về hiện tượng đồng biến động giá cổ phiếu ở các TTCK.

Các nghiên cứu của Parrino, Sias và Starks (2003), Gillan và Starks (2003) cho thấy, các nhân tố ảnh hưởng đến sự đồng biến động giá cổ phiếu gồm: môi trường thông tin (hoạt động công bố thông tin, vấn đề bất công xứng thông tin), sự phát triển của thể chế chính trị, cấu trúc sở hữu của các công ty niêm yết, các vấn đề liên quan đến quản trị DN, nguy cơ xung đột về mặt lợi ích giữa chủ sở hữu và nhà quản lý, cơ cấu các NĐT, quy mô của DN, số lượng cổ phiếu giao dịch...

Ngoài ra, có một số nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm khác trên thế giới chứng minh rằng sự đồng biến động của giá cổ phiếu chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố cả ở cấp độ vĩ mô của nền kinh tế, và cấp độ vi mô của chính bản thân các DN niêm yết.

Cụ thể, ở cấp độ vĩ mô cho thấy, giá cổ phiếu có xu hướng đồng biến động với mức độ cao ở các nước đang phát triển, ở các nước có môi trường thông tin không minh bạch, hoặc môi trường thể chế yếu, hoặc ở các nước có sự hội nhập thấp về mặt kinh tế, tài chính vào nền kinh tế thế giới (Morck, Yeung, và Yu, 2000; Jin và Myers, 2006; Fernandes và Ferreira, 2009).

Ở cấp độ vi mô, các yếu tố liên quan đến vấn đề quản trị DN, môi trường thông tin (theo nghĩa lượng thông tin tin cậy được cung cấp cho thị trường) đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng hay giảm sự đồng biến động giá cổ phiếu của công ty so với sự biến động chung của thị trường (Piotroski và Roulstone, 2004; Hutton, Marcus, và Tehranian, 2009; Gul, Kim, và Qiu, 2010).

Nghiên cứu sự đồng biến động giá cổ phiếu tại các thị trường mới nổi (Kalok Chan và Allaudeen Hameedk, 2005) lại chỉ ra rằng đồng biến động giá cổ phiếu có thể chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như: Quyền sở hữu tài sản (quyền sở hữu tài sản cao thì sẽ làm cho mức độ đồng biến động giá cổ phiếu sẽ thấp hơn và ngược lại); Các quy định của pháp luật (các quy định của pháp luật càng đầy đủ và chặt chẽ thì thị trường sẽ hoạt động hiệu quả cao hơn, khiến sự biến động về giá chứng khoán sẽ thấp); Sở hữu chính phủ và sở hữu nước ngoài (Tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước và NĐT nước ngoài có ảnh hưởng đến sự biến động giá cổ phiếu); Tăng trưởng GDP, tỷ lệ GDP/vốn (GDP tăng trưởng càng cao thì sự đồng bộ hóa có thể sẽ chậm hơn hoặc thấp hơn); Khối lượng giao dịch (số cổ phiếu được giao dịch hàng năm trên cho tổng số cổ phiếu vào cuối năm tài chính); Thay đổi về thu nhập (mức độ biến động thu nhập của các DN)...

Thực tế tại thị trường chứng khoán Việt Nam

Sự đồng biến động giá cổ phiếu không chỉ xảy ra trên TTCK toàn cầu mà cả Việt Nam. Nhìn lại giai đoạn từ 2004-2015 cho thấy, đã có không ít thời điểm, giá cổ phiếu của các DN niêm yết cùng ngành nghề, thậm chí toàn thị trường cùng tăng hoặc cùng giảm mạnh, bất chấp cổ phiếu đó tốt hay xấu. Chẳng hạn, năm 2006 là thời điểm “sốt chứng khoán” bộc lộ rõ rệt nhất.

Việt Nam trở thành một trong những TTCK có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới với Vn-Index đạt gần 600 điểm vào đầu tháng 4/2006. Thời điểm đó, NĐT đủ mọi tầng lớp liên tục mua chứng khoán với suy nghĩ “cứ mua là thắng” mà không cần biết nội tại DN tốt hay xấu. Làn sóng này khiến giá cổ phiếu tăng cao, bất chấp nhiều cảnh báo của các chuyên gia về một đợt giảm sâu.

Sau đà tăng nóng, từ nửa cuối tháng 4/2006, TTCK bước vào xu thế giảm. Ngày 12/6/2006, Vn-Index mất 2,81 điểm (0,51%), suốt 7 phiên liên tiếp sau đó, chỉ số này cũng lao dốc và giảm tổng cộng hơn 60 điểm (11,6%), xuống còn 487,86 điểm.

Ngày 12/3/2007, VN-Index xác lập mức đỉnh kỷ lục 1170,67 điểm với hơn 10 triệu cổ phiếu giao dịch, đạt tổng giá trị 1.057 tỷ đồng trên toàn thị trường, hầu hết các mã chứng khoán đều tăng giá. Kết thúc phiên giao dịch cuối năm 2007, VN- Index đạt 927,02 điểm, Hastc-Index dừng ở mức 323,55 điểm, giá trị vốn hóa toàn thị trường lên tới 43,7% GDP.

Sau thời kỳ phục hồi và hoàng kim năm 2007, đến năm 2008 đối với nhiều NĐT vẫn chưa hết cảm giác sợ hãi khi TTCK liên tiếp giảm điểm. Một trong những chuỗi giảm nổi bật nhất phải kể đến 7 phiên liên tiếp khiến Vn-Index mất 88,58 điểm (20,99%), bắt đầu từ ngày 3/10/2008. Nguyên nhân chính là bất ổn kinh tế vĩ mô thế giới tác động lên tâm lý khối ngoại, gây ảnh hưởng đến NĐT nội.

NĐT phải đối diện việc thị giá giảm hàng ngày nên càng tìm mọi cách bán tháo cổ phiếu để giữ tiền mặt. Năm 2008, xu thế chính của các NĐT ngoại cũng là bán ròng. Hơn 320 tỷ đồng trên sàn HSX đã bị khối ngoại rút ròng khỏi sàn trong giai đoạn Vn-Index giảm trên 88 điểm…

Năm 2009 cũng chứng kiến sự đồng biến động giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam rõ ràng nhất. Ngày 24/02/2009, VN-Index lập đáy thấp nhất ở mốc 234,66 điểm nhưng đến ngày 23/10/2009 lại tăng lên mức 633,21 điểm, còn HNX-Index cũng từ mức đáy thấp nhất 78,06 điểm đã bùng nổ trở lại với mức cao nhất trong năm với 218,38 điểm.

Năm 2011, Vn-Index cũng chứng kiến sự khởi đầu tốt đẹp khi xác lập đỉnh vào ngày 9/2 với 522,59 điểm, song suốt 9 phiên sau đó, chỉ số này giảm dần và tuột mốc 500. Ngày 21/2/2011, Vn-Index mất 20,24 điểm, đóng cửa tại 483,68 điểm trong khi HNX-Index giảm 5,73 điểm (5,6%), mà nguyên nhân chính là việc thắt chặt tín dụng. Thị trường liên tục rớt điểm gây ra áp lực giải chấp tại các công ty chứng khoán cùng nguồn cung hàng lớn.

Năm 2011 cũng được xem là mở đầu cho giai đoạn hiện tượng giải chấp margin sử dụng phổ biến...

Ngày 21/8/2012, sự kiện bầu Kiên bị bắt đã gây đợt giảm điểm diện rộng trên TTCK ngay từ khi thị trường mở cửa. Hai chỉ số Vn-Index và HNX-Index phủ sắc đỏ, nhiều cổ phiếu đột ngột bị bán mạnh từ đầu phiên như ACB, EIB. Ngoài hai mã trên, toàn bộ các cổ phiếu ngân hàng hay những lĩnh vực sản xuất khác cũng gặp ảnh hưởng.

NĐT khi đó đã bán quá mạnh tay khiến cả những cổ phiếu tốt nhưng không liên quan đến sự kiện bầu Kiên cũng bị ảnh hưởng theo xu thế chung. Vào cuối ngày, Vn-Index mất 20,44 điểm, lùi về 416,84 điểm, còn HNX-Index giảm 3,7 điểm, đóng cửa ở mức 66,95 điểm. Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 23/8, chỉ số này tiếp tục bay hơi thêm 17,41 điểm và mất mốc 400.

Giai đoạn này cũng được xem là mở đầu cho chuyện tin đồn gây ảnh đến TTCK ngày một phổ biến. Hay như mới đây, trước tình hình suy giảm của TTCK Trung Quốc và việc phá giá đồng NDT cũng đã tác động tiêu cực lên TTCK Việt Nam, khiến thị trường chứng kiến nhiều phiên giảm điểm.

Tuy nhiên, từ ngày 25/8 đến ngày 28/8 sau phiên họp thường kỳ Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô, cùng với các thông tin tốt về nền tảng kinh tế, thị trường đã có xu hướng hồi phục với 4 phiên tăng điểm liên tiếp, trong đó có 3 phiên tăng điểm mạnh, tính chung, chỉ số VN-Index tăng 8,11%, HNX-Index tăng 7%,..

Để thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động lành mạnh, ổn định

Trong thời gian tới, để hiện tượng sự đồng biến động không ảnh hưởng nhiều đến thị trường và nhằm mục tiêu đảm bảo cho TTCK hoạt động một cách lành mạnh, ổn định, vững chắc để thực sự trở thành một kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế cũng như là một kênh đầu tư đáng tin cậy cho các NĐT, cần chú ý các giải pháp trọng tâm sau:

Một là, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Thực tế TTCK Việt Nam cho thấy, sự biến động đồng giá cổ phiếu có nguyên nhân rất nhiều từ ổn định kinh tế vĩ mô.

Vĩ mô ổn định sẽ góp phần giúp TTCK phát triển ổn định, chuyên nghiệp, từ đó sẽ hạn chế được tình trạng giá cổ phiếu “cùng giảm, cùng tăng”, bất chấp giá trị cổ phiếu đó có tốt hay không.

Thời gian qua, Chính phủ tiếp tục kiên trì thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thận trọng, linh hoạt và hiệu quả, nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định và tiếp tục được củng cố vững chắc hơn.

Tới đây, cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho DN. Chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững.

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo kế hoạch được duyệt…

Hai là, tiếp tục tái cấu trúc TTCK. Tính đến ngày 25/10/2015, chỉ số Vn-Index đạt mức 601,74 điểm tăng 10,2% so với cuối năm 2014 (ngày 31/12/2014); mức vốn hoá toàn thị trường là khoảng 1,33 triệu tỷ đồng (ước đạt 34% GDP năm 2014). Đây chính là kết quả đáng kể sau nỗ lực tái cấu trúc TTCK của Bộ Tài chính.

Để tiếp tục nâng cao vai trò của TTCK, phấn đấu đến năm 2020 đưa TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo, tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc TTCK, Bộ Tài chính cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; Tiếp tục tái cấu trúc cơ sở hàng hóa theo hướng nâng cao chất lượng; Hoàn thiện hệ thống giao dịch, gắn cổ phần hóa với giao dịch trên thị trường tổ chức; Triển khai giải pháp nhằm nâng hạng TTCK Việt Nam; Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm nâng cao chất lượng, giảm bớt số lượng; Đẩy mạnh thu hút các NĐT nước ngoài, các NĐT tổ chức. Tăng cường kiểm tra giám sát thị trường, tránh tình trạng thao túng giá, bưng bít thông tin…

Ba là, cần nâng tiêu chuẩn niêm yết trên sàn nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết, tránh ảnh hưởng đến uy tín chung của thị trường. Trong thời gian qua, các tiêu chuẩn được niêm yết trên sàn ngày càng được nâng cao theo hướng ngày càng thắt chặt.

Bên cạnh đó, việc thực hiện minh bạch, công bố thông tin ngày càng được các DN niêm yết quan tâm và cũng được các cơ quan quản lý yêu cầu cao hơn. Theo các chuyên gia tài chính, nhằm giúp TTCK phát triển ổn định, bền vững, trong thời gian tới, các tiêu chí để niêm yết đối với DN cần tiếp tục được rà soát và nâng cao hơn.