Sự cần thiết sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường
Tại buổi Họp báo thường kỳ quý I/2017 do Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 10/4,. ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính đã giải đáp nhiều nội dung quan trọng xoay quanh liên quan đến sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường.
Tại buổi Họp báo, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính khẳng định, điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu là có cơ sở. Bộ Tài chính có các đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế đến nền kinh tế trong nước để bảo đảm sẽ không làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu; chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới; thực hiện các mục tiêu, giải pháp về hoàn thiện thể chế, cơ chế tài chính.
Ông Phạm Đình Thi cho biết: Trong thời gian gần đây, bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc: hình thành các khu vực thương mại tự do, toàn cầu hóa là một xu thế, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều nước đã có những cải cách mạnh mẽ hệ thống chính sách thuế của mình theo hướng tăng dần tỷ trọng thu từ các sắc thuế gián thu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, các khoản thuế nhằm mục đích bảo vệ môi trường...), giảm dần tỷ trọng thuế trực thu, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư để đảm bảo nguồn thu và bền vững cho ngân sách quốc gia.
Trước bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng, phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế (Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đã sử dụng chính sách thuế nội địa để thay thế cho thuế nhập khẩu phải cắt giảm theo các cam kết quốc tế; Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến nghị các nước sử dụng thuế nội địa để thực hiện các phương án cắt, giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế); Đồng thời, trước diễn biến khó lường của giá dầu trên thị trường thế giới trong thời gian gần đây (Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi giá dầu thế giới giảm và duy trì ở mức thấp, nhiều nước đã nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế theo hướng tăng và mở rộng đối tượng để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước), để đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập và chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới thì việc sử dụng các chính sách thuế nội địa, trong đó có chính sách thuế bảo vệ môi trường (BVMT) là một trong những công cụ tài chính hiệu quả và khả thi.
Tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã đề ra một trong các mục tiêu cần thực hiện là: “tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế và cơ chế tài chính quốc gia; huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; từng bước cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước”; đồng thời đưa ra một trong các giải pháp thực hiện là: “thực hiện các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng; rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế”.
Tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đã đề ra một trong các mục tiêu thực hiện là: “cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”; đồng thời đề ra một trong các giải pháp thực hiện là: “tập trung cơ cấu lại nguồn thu; hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, BVMT”.
Tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì nội dung cải cách thuế BVMT là: “bổ sung đối tượng thu, điều chỉnh mức điều tiết nhằm góp phần hạn chế sử dụng những hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường sinh thái”.
Mặt khác, sau khi tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện cho thấy Luật thuế BVMT đã bộc lộ những vướng mắc, hạn chế (về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, thời điểm tính thuế, khung mức thuế, hoàn thuế) cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.
Như vậy, để đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu; chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới; thực hiện các mục tiêu, giải pháp về hoàn thiện thể chế, cơ chế tài chính, cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 và Nghị quyết số 07-NQ/TW nêu trên; đồng thời tháo gỡ những vướng mắc của chính sách thuế BVMT hiện hành, ngày 14/2/2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội.
Ngày 10/3/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ ký Tờ trình số 78/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội (dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2017).
Tại đề xuất đề nghị xây dựng dự án Luật đã đề xuất sửa đổi nhiều nội dung của Luật thuế BVMT, trong đó có đề xuất điều chỉnh khung thuế đối với một số hàng hóa như xăng dầu, túi ni lông thuộc diện chịu thuế, dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC).
Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Luật thuế BVMT theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Chính phủ, trình UBTVQH, trình Quốc hội quyết định.