Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng - cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam


Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn từ xu hướng chuyển dịch sản xuất để tham gia sâu vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam cần phải chủ động nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật và tái cấu trúc sản xuất.
Các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam cần phải chủ động nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật và tái cấu trúc sản xuất.

Theo Bộ Công Thương, sự tiến bộ của công nghiệp chế biến chế tạo giúp Việt Nam trở thành công xưởng mới của thế giới. Dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, đến năm 2025, Việt Nam sẽ vượt qua Philippines và Singapore vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP hơn 571 tỷ USD.

Dòng vốn chảy vào công nghiệp chế biến chế tạo tăng

Việt Nam đã thực sự trở thành công xưởng sản xuất đang lên của thế giới. Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 28/7/2023 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách mới được kỳ vọng sẽ tạo ra sự kích thích mạnh mẽ cho công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới…

Phát biểu tại Toạ đàm "Chuỗi cung ứng bền vững: Cách tiếp cận mới cho doanh nghiệp" diễn ra ngày 16/11 trong khuôn khổ diễn ra triển lãm Quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam -VIMEXPO 2023, ông Phạm Thanh Tùng - Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết. nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng chuyển dịch vào Việt Nam trong thời gian gần đây.

"10 tháng năm 2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 25 tỉ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Trong đó hơn 73% dòng vốn chảy vào công nghiệp chế biến chế tạo, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Các dự án đầu tư mới tập trung tại các tỉnh thành đặt trọng tâm công nghiệp, hướng tới chuỗi cũng ứng toàn cầu như Quảng Ninh, Hải Phòng...Có thể nói, Việt Nam hiện là điểm đến yêu thích của nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ngay trên sân nhà" - ông Phạm Thanh Tùng nhìn nhận.

Phan tích cụ thể hơn, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho rằng, trong quá trình phát triển, Nhật Bản, Hàn Quốc… luôn có những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn dẫn dắt sự phát triển của các doanh nghiệp khác. Bộ Công Thương đã đề xuất những chính sách hỗ trợ hình thành các tập đoàn lớn sản xuất lớn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, chính sách này không dàn trải mà tập trung vào những ngành và lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên. Đây sẽ là một trong những chuyển biến quan trọng trong xây dựng chính sách xây dựng một nền công nghiệp tự chủ. Qua đó, giúp Việt Nam trở thành công xưởng mới của thế giới, một điểm đầu tư hấp dẫn các tập đoàn lớn thế giới vào đầu tư tại Việt Nam.

Doanh nghiệp phải chủ động

Ông Phạm Tuấn Anh nhìn nhận, với sự đồng lòng và quyết tâm của Chính phủ, các tổ chức, các hiệp hội và các doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ được phát triển mạnh mẽ. Việt Nam sẽ từng bước gia tăng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, giúp ngành công công nghiệp hỗ trợ nói riêng và công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung phát triển vượt bậc.

Tại buổi toạ đàm, các diễn giả đã có những chia sẻ, thảo luận về chủ đề chuỗi cung ứng bền vững. Đại diện Công ty Toyota Việt Nam đã có tham luận về nỗ lực của Toyota Việt Nam trong việc phát triển chuỗi cung ứng bền vững. Bên cạnh việc đưa ra những đánh giá và nhận xét về thị trường ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó tổng trưởng ban Kế hoạch kinh doanh, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam cũng chia sẻ về những hoạt động của Toyota Việt Nam với những nỗ lực phát triển công nghiệp hỗ trợ, góp phần bảo vệ môi trường, cùng những nỗ lực trong đối thoại chính sách với Chính phủ, đồng thời đề xuất các ý kiến để phát triển chuỗi cung ứng bền vững cho ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Nhận định về xu hướng hiện nay cũng những yêu cầu đối với nhà cung cấp, Bà Đỗ Quỳnh Chi, Liên minh các doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm (RBA) nêu, các quốc gia EU, Mỹ và sắp tới là Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đều theo xu hướng rà soát trách nhiệm về quyền con người. Các doanh nghiệp đầu chuỗi hiện cũng đang tiến hành vẽ sơ đồ chuỗi một cách toàn diện, sau đó sẽ là xác định mức độ rủi ro ở các tầng lớp và bộ phận của chuỗi”.

Đối với xu hướng phát triển bền vững cùng những yêu cầu như hiện nay, ông cho rằng, với nền kinh tế có độ mở cao, tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu như hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam phải chủ động nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật và tái cấu trúc sản xuất dựa trên chuyển đổi số, cải thiện kỹ năng, trình độ nguồn nhân lực. Có như vậy mới đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các tập đoàn đa quốc gia trong việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại diện Cục Công nghiệp cũng cho rằng, trên thực tế, mức độ hiểu biết, sự nắm bắt thông tin của một bộ phận doanh nghiệp Việt mà đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa về kinh doanh có trách nhiệm vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, khái niệm về trách nhiệm thẩm định trong chuỗi cung ứng vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

Bà Trần Thị Hồng Liên - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, từng bước thực hiện tốt những điều trên sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội được nhà đầu tư, khách hàng quan tâm, từ đó tăng vị thế trong bối cảnh cạnh tranh cao. Đây cũng là một điểm cộng lớn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, lâu dài hơn.

Theo Báo Công Thương