Giảm chi phí cho chuỗi cung ứng nông sản sang Nhật Bản


Mô hình hợp tác Việt - Nhật trong chế biến nông sản được doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản hưởng ứng rộng rãi là do tính hiệu quả của nó: Các FTAs trong đó có CPTPP đã làm giảm chi phí chuỗi cung ứng nông sản từ Việt Nam sang Nhật Bản đáng kể.

Rào cản thuế

Chuỗi cung ứng nông sản là mỗi quan tâm lớn của Nhật Bản, vì quốc gia này không có lợi thế về nông nghiệp. Số liệu của Bộ Nông-Lâm-Thủy sản Nhật Bản cho thấy, trong vòng 50 năm trở lại đây, tỉ trọng đóng góp vào GDP của nông nghiệp nước này giảm 9 lần,  xuống 1%; tỉ trọng nhân lực cắt giảm hơn 9 lần, từ 28% xuống thấp hơn 3%; diện tích đất canh tác đã bị thu hẹp 25%...

Thế nhưng, Nhật Bản là cường quốc về công nghệ chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Chỉ riêng nguyên liệu cám gạo (hiện ở nước ta mới chỉ sử dụng làm thức ăn chăn nuôi) có thể chế biến ra trên 30 chế phẩm phục vụ các ngành hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, cơ khí (dầu bôi trơn động cơ), vật liệu sinh học, vi sinh, thuốc chữa bệnh...

Kỳ diệu hơn, từ cuống của quả cà tím (không có giá trị sử dụng ở Việt Nam) qua công nghệ Nhật Bản cho ra hơn 10 chế phẩm dùng trong công nghiệp dược phẩm, chăn nuôi (men thức ăn cho gia súc), hóa mỹ phẩm, nguyên liệu dệt may.

Việc đưa công nghệ chế biến đã đưa những phụ phẩm này thành các sản phẩm có giá trị gia tăng rất cao, giá bán 1 lít dầu ăn chiết xuất từ cám gạo tại siêu thị Nhật Bản là 250.000 đồng, 1 lọ kem dưỡng da 120g giá 600.000 đồng….

Ngược lại với Nhật Bản, nước ta được thiên nhiên ban tặng cho nhiều tài nguyên về đất đai, mặt nước, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Hiện có 80% diện tích đất được sử dụng trong ngành nông nghiệp và 70% dân số làm nông nghiệp.

Hơn thế nữa, số giờ nắng trong năm ở nước ta thuộc loại cao trên thế giới, khu vực miền Bắc vào khoảng 1500-1700 giờ trong khi ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, con số này vào khoảng 2000-2600 giờ mỗi năm. Hàng năm, có khoảng 100 ngày mưa với lượng mưa trung bình từ 1.500 đến 2.000mm; độ ẩm không khí trên dưới 80%; nhiệt bức xạ trung bình năm 100kcal/cm².

Vì thế, nông sản nước ta thuộc vào loại phong phú và có sản lượng thuộc loại cao nhất thế giới. Mặc dù vậy, việc xuất khẩu trái cây sang Nhật Bản chưa được như kỳ vọng. Một số loại trái cây Việt Nam như cam, quýt, nhãn, đu đủ, chôm chôm... bị Nhật đưa vào danh sách cấm nhập khẩu vì có dòi phương Đông. Xoài cát Hòa Lộc muốn xuất sang Nhật phải khử trùng, chiếu xạ kỹ lưỡng mới có “giấy thông hành”.

Ý tưởng kết hợp sự phong phú và dồi dào của nông sản nước ta cùng với công nghệ chế biến tiên tiến của Nhật Bản được các chuyên gia nông nghiệp đánh giá là một sự bổ xung hữu ích, hoàn hảo cho nhau. Thế nhưng, thuế nhập khẩu là một trong những rào cản. Chẳng hạn, người Nhật rất thích ăn chuối, nhưng trái chuối Việt Nam phải chịu thuế 3% khi xuất khẩu vào đất nước này.

Hình thành chuỗi cung ứng nông sản

Thuế là câu chuyện của những năm trước. Hiện nay, các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã đi vào thực thi với ưu đãi về thuế quan cũng tạo ra lợi thế cho Việt Nam hình thành chuỗi cung ứng nông sản và xuất khẩu sang Nhật Bản.

Bây giờ câu chuyện chính là công nghệ. Tính bổ xung đã thu hút sự hợp tác của hai nước, các doanh nghiệp Nhật Bản đã chủ động tìm kiếm chuỗi cung ứng nông sản từ nguồn nguyên liệu của Việt Nam. Công ty Tsuno, một doanh nghiệp đã tiến hành nghiên cứu và phát triển các sản phẩm cao cấp chiết xuất từ gạo, cám gạo trong 60 năm qua cho biết, đang lên kế hoạch cụ thể để đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến tại Long An để vừa tận dụng máy móc, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm của chuyên gia Nhật Bản, vừa sử dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có tại địa phương. Công ty sẽ đem công nghệ chế biến cám gạo thành dầu ăn, axit phytic, inositol (Vitamin B8), Gamma - Oryzanol… làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm cho chăn nuôi…cung cấp cho thị trường nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả thị trường Nhật Bản.

Về phía nhà nước, Việt Nam - Nhật Bản đã ký kết chương trình Tầm nhìn chung và dài hạn trong hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nông sản từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản thông qua sự đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản. Sau đó là một loạt các dự án chế biến, bảo quản, xây dựng chuỗi cung ứng nông sản được triển khai ở Nghệ An, Lâm Đồng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ.

Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản cũng đã ký biên bản hợp tác với TP. Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực: gia tăng sản lượng và chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; cải thiện mức độ an toàn của các sản phẩm nông nghiệp; kỹ thuật chế biến và bảo quản sau thu hoạch; chọn lọc và lai giống các loại gia súc, hoa màu và hoa; sản xuất các sản phẩm nông sản chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn của Nhật Bản.

Một địa phương khác là Lâm Đồng, với sự tham gia của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), UBND tỉnh Lâm Đồng, 30 doanh nghiệp Nhật Bản và 60 doanh nghiệp tại Việt Nam, các bên đã thống nhất cùng tham gia vào việc mở Khu công nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt. Khu liên hợp này có diện tích khoảng 300 ha, trong đó có các nhà máy chế biến nông sản các loại, phát triển công nghệ sau thu hoạch và tổ chức chuỗi cung ứng. Toàn bộ nông sản sẽ được xuất sang Nhật Bản, khoảng 20.000 tấn/năm.

Tháng 9/2021, Nhật Bản đã xây dựng và tài trợ cho Dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Dự án kéo dài trong 4 năm, các địa phương thực hiện bao gồm Thành phố Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định và Sơn La.

Các nhóm đối tượng chính của Dự án sẽ là các hợp tác xã nông nghiệp. Vì Dự án nhằm mục đích thúc đẩy GAP cơ bản/VietGAP tại vùng mục tiêu, nên Việt Nam và Nhật Bản nhất trí rằng các hợp tác xã mục tiêu sẽ được lựa chọn từ những tổ chức đã có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm từ chính quyền địa phương hoặc từ các tổ chức chứng nhận khác.

Mặc dù nhóm mục tiêu chính là hợp tác xã, các nhóm nông dân có thể được đưa vào nếu họ có năng lực nhất định để sản xuất cây trồng an toàn như một nhóm và đã được chính quyền địa phương hoặc các tổ chức chứng nhận khác cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Đến nay, mô hình hợp tác Việt - Nhật trong chế biến nông sản được đánh giá là toàn diện, do có sự tham gia đầy đủ các đối tác của hai phía: bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, địa phương, các trường, viện nghiên cứu. Sở dĩ mô hình hợp tác Việt - Nhật trong chế biến nông sản được doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản hưởng ứng rộng rãi là do tính hiệu quả của nó: Các FTAs trong đó có CPTPP đã làm giảm chi phí chuỗi cung ứng nông sản từ Việt Nam sang Nhật Bản đáng kể.

Theo Tạp chí Công thương