Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt tới 1 tỷ đồng

PV.

Theo Bộ luật Hình sự 2015 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị áp dụng mức phạt 20 năm tù, bị phạt tiền tới 1 tỷ đồng và bị cấm sản xuất, kinh doanh thay vì chỉ bị xử phạt hành chính như trước đây.

Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị áp dụng mức phạt 20 năm tù
Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị áp dụng mức phạt 20 năm tù

Trao đổi với báo chí về giải pháp đột phá trong việc xử lý trường hợp sử dụng chất trong chăn nuôi, mới đây, ông Nguyễn Văn Việt, chánh thanh tra Bộ NN&PTNT khẳng định, với những biện pháp quyết liệt trên, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ được giải quyết dứt điểm trong năm 2016.

Ông Việt cho biết, năm 2016 Bộ tiếp tục lựa chọn là năm trọng tâm công tác về bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó nổi cộm là giải quyết dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Vì vậy, hình phạt theo Bộ luật Hình sự 2015 chắc chắn sẽ đủ sức răn đe các đối tượng buôn bán và sử dụng chất cấm, góp phần ngăn chặn và giải quyết dứt điểm tình trạng này. Đồng thời, heo có chất cấm sẽ bị tiêu hủy tức người chăn nuôi sẽ có nguy cơ mất trắng sản nghiệp.

Được biết, thực tế để có được các quy định phù hợp với thực tế như thế này, các bộ ngành đã phải phối hợp rất nhanh và chặt chẽ để bổ sung việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vào các điều khoản trong Bộ luật Hình sự và kịp trình Quốc hội thông qua vào cuối tháng 11/2015.

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt tới 1 tỷ đồng - Ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Việt


Trong đợt hành động cao điểm (từ tháng 11/2015 - 2/2016), Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan phối hợp cơ quan chức năng đã thanh tra 32 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở 11 tỉnh thành trên cả nước, phát hiện xử phạt nhiều trường hợp sử dụng các loại chất cấm như Salbutamol, Vàng O trộn vào thức ăn chăn nuôi với số lượng lên tới hàng trăm nghìn tấn, thu nộp ngân sách khoảng 1,3 tỷ đồng.

Trước khi trình Quốc hội để kịp thời có những điều chỉnh trong Bộ luật Hình sự, Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành có liên quan cũng đã kịp thời ban hành các thông tư phù hợp với thực tế như Thông tư quy định tiêu hủy, thông tư điều chỉnh mức xét nghiệm để dễ dàng phát hiện chất cấm, các bộ kit cho kết quả ngay tại thời điểm thanh tra thay vì phải gửi về phòng xét nghiệm như trước.

Song song đó, ngành nông nghiệp đã bắt tay xây dựng những mô hình cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn./.