Sử dụng hiệu quả kinh phí phát triển nguồn lợi thủy sản
(Tài chính) Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020, gồm: Ngân sách nhà nước, theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Thông tư áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020.
Thông tư quy định, các khoản chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế do ngân sách trung ương đảm bảo, gồm: Rà soát, lập hồ sơ thành lập các khu bảo tồn biển, các khu bảo tồn vùng nước nội địa do trung ương quản lý; Thả bổ sung một số loài thủy sản bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao vào một số lưu vực sông và hồ chính thuộc khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ thành lập.
Ngoài ra, các khoản cho để duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản (bao gồm thu thập, xử lý và trao đổi thông tin) trên quy mô toàn quốc; Hoạt động của các Ban Quản lý khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa do trung ương quản lý... cũng được trích từ nguồn kinh phí trung ương đảm bảo.
Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, gồm: Điều tra nguồn lợi hải sản tại các vùng biển xa bờ, trong đó ưu tiên điều tra nguồn lợi một số nhóm đối tượng khai thác chủ lực, có giá trị kinh tế, có sản lượng lớn; Điều tra nguồn lợi hải sản vùng ven biển, khả năng cho phép khai thác bền vững; trong đó ưu tiên điều tra khu vực tập trung các bãi giống, bãi đẻ của các loài hải sản...
Các nhiệm vụ, dự án do ngân sách địa phương bảo đảm, gồm: Rà soát, lập hồ sơ thành lập các khu bảo tồn biển, các khu bảo tồn vùng nước nội địa do địa phương quản lý; Thả bổ sung một số loài thủy sản bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao vào một số thủy vực tự nhiên có điều kiện thuộc khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa và một số lưu vực sông và hồ chính do địa phương quản lý...
Mức chi cụ thể theo quy định của pháp luật cũng được Liên Bộ hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này.
Kết thúc năm ngân sách, các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ, dự án có trách nhiệm báo cáo bộ, cơ quan trung ương (đối với nhiệm vụ, dự án do Bộ, cơ quan trung ương chủ trì) và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đối với nhiệm vụ, dự án do địa phương chủ trì). Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tổng hợp tình hình thực hiện các nhiệm vụ, dự án được giao chủ trì theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương được giao thực hiện nhiệm vụ, dự án có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ, dự án và kinh phí bảo đảm sử dụng kinh phí đúng mục đích và có hiệu quả.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/8/2014.