Sử dụng phương pháp đối sánh để tính giá dịch vụ cho giáo dục đại học Việt Nam
Tính giá dịch vụ (hay có cách gọi khác là chi phí đơn vị) đúng và đủ cho giáo dục đại học nói riêng và giáo dục đào tạo nói chung là một nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội trong thời gian qua.
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm sáng tỏ sự cần thiết và vai trò của việc tính đúng và đủ giá dịch vụ trong thực thi chính sách ở Việt Nam. Đồng thời, hướng tới mục tiêu nhằm lấp khoảng trống nghiên cứu kể trên trong phạm vi giáo dục đại học.
Mục đích của việc tính chi phí đơn vị trong giáo dục đại học
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB (2009), tính toán chi phí đơn vị trong giáo dục đại học (GDĐH) là một bước quan trọng của quá trình đánh giá chi tiêu công. ADB cho rằng, cần ước tính chi phí đơn vị GDĐH đối với từng loại trường và chương trình khác nhau (Chương trình online có thể giúp giảm tới 60% chi phí so với chương trình dạy thông thường). Trong nghiên cứu về GDĐH tại Ấn Độ, Vanlalchhawna (2006) cũng có giải thích tương tự, đặc biệt trong bối cảnh GDĐH nước này mở rộng về quy mô, kéo theo sức ép chi tiêu công GDĐH cũng phải tăng theo.
Trong nghiên cứu của mình, lấy dữ liệu từ một chương trình ngành Môi trường xây dựng tại một đại học tư tại Uganda, Olweny (2011) cho rằng, việc tính toán chi phí đơn vị trong GDĐH là quan trọng nhằm tạo tiền đề cho sự bền vững tài chính tại GDĐH nói chung. Điều này xuất phát từ thực tiễn tại Uganda, vốn GDĐH là hoàn toàn miễn phí, nên khi xuất hiện các chương trình GDĐH tư hoặc GDĐH công có thu phí, mức thu được đưa ra mà không có sự tính toán chi tiết trong mối quan hệ với nhu cầu chi của nhà trường.
Tình hình bối cảnh tại Uganda trong nghiên cứu của Olweny (2011) có rất nhiều điểm tương đồng với tình hình GDĐH tại Việt Nam. Tại Việt Nam, vấn đề tính chi phí đơn vị trong GDĐH được đưa ra trong lộ trình chung của việc tính đúng và đủ giá thành dịch vụ công nói chung.
Theo Nguyễn Trường Giang (2016), vấn đề tính đúng và đủ giá thành dịch vụ có 3 ưu điểm:
Một là, Các nội dung đổi mới cơ bản của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp đã tiếp cận việc tính giá cung cấp dịch vụ công theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ thực sự trong việc tính toán các chi phí đầu vào, đầu ra, thu hồi chi phí để tái đầu tư, đảm bảo đời sống cho người lao động;
Bảng 1: So sánh mức chi phí đơn vị theo tính toán của nhóm tác giả với một số số trường đại học, chương trình đào tạo trong cả nước năm 2013 |
|||
Tên trường/chương trình |
Mức chi phí đơn vị |
Mức chi phí đơn vị/GDP đầu người |
Phân khúc |
Ðại học RMIT |
150 |
375% |
A+ |
Ðại học Anh quốc Việt Nam |
150 |
375% |
|
Ðại học Tài chính Marketing |
75 |
188% |
A |
Ðại học FPT |
62.5 |
156% |
|
Mức chi phí đơn vị hợp lý theo tính toán của nhóm tác giả |
55 |
140% |
|
Ðại học Hoa Sen |
43.75 |
109% |
|
Ðại học Quốc tế Sài Gòn |
43.75 |
109% |
|
Chương trình tiên tiến của Bộ Giáo dục & Ðào tạo |
40 |
100% |
|
Ðại học Văn Lang |
23 |
58% |
B |
Ðại học Quốc tế Miền đông |
20 |
50% |
|
Ðại học Kỹ thuật Công nghệ |
17.5 |
44% |
|
Ðại học Thăng Long |
17.5 |
44% |
|
Ðại học Ngoại ngữ Tin học TP. Hồ Chí Minh |
16 |
40% |
|
Ðại học Kiến Trúc Ðà Nẵng |
12.5 |
31% |
C |
Mức trung bình của các chương trình Ðại học công đại trà |
10 |
25% |
|
Ðại học Văn Hiến |
10 |
25% |
|
Ðại học Công nghệ Sài Gòn |
10 |
25% |
|
Ðại học Ðông Á Ðà Nẵng |
9 |
23% |
|
Hai là, các quy định của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP giúp tiết kiệm chi ngân sách nhà nước (NSNN) thông qua việc giảm chi hỗ trợ mang tính bình quân, cào bằng cho tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập, không gắn với kết quả hoạt động của đơn vị…;
Ba là, Nghị đinh số 16/2015/NĐ-CP yêu cầu các đơn vị sự nghiệp công lập phải đổi mới cơ chế tổ chức, hoạt động, cạnh tranh bình đẳng với các đơn vị cung cấp dịch vụ công ngoài công lập...
Tương tự, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó bao gồm các cơ sở GDĐH công) cũng coi việc tính đúng và đủ giá dịch vụ (chi phí đơn vị) là một phần trong giải pháp hoàn thiện cơ chế tài chính. Tóm lại, mặc dù cách thức diễn đạt tại các nước khác nhau có thể khác nhau, nhưng có thể tổng kết một số điểm chính về sự cần thiết và mục đích của việc tính giá thành đúng và đủ đối với dịch vụ GDĐH như sau:
Thứ nhất, GDĐH vốn có truyền thống được nhà nước bao cấp hoàn toàn, nên trong quá trình chuyển dịch sang cơ chế thị trường, việc quan tâm tính toán giá thành dịch vụ đơn vị (chi phí đơn vị) GDĐH vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Kết quả là, các việc phân bổ ngân sách cũng như mức thu học phí chưa được tính toán hợp lý; dựa trên các căn cứ thực chứng.
Thứ hai, việc tính đúng và đủ giá thành dịch vụ đơn vị (chi phí đơn vị) GDĐH sẽ là tiền để để đảm bảo chất lượng; làm căn cứ để Nhà nước có mức đầu tư thoả đáng; cũng như để các trường đưa ra mức học phí phù hợp.
Thứ ba, việc tính đúng và đủ giá thành dịch vụ đơn vị GDĐH cũng là tiền đề cho các ước tính liên quan đến chính sách đảm bảo công bằng trong tiếp cận cơ hội học tập như học bổng/tín dụng sinh viên.
Tính giá thành dịch vụ giáo dục đại học ở Việt Nam bằng phương pháp đối sánh
Phương pháp tính giá thành dịch vụ giáo dục đại học
Giá thành đơn vị dịch vụ GDĐH được tính bằng cách lấy tổng mức chi tiêu của cơ sở GDĐH trong một năm và chia cho tổng số sinh viên trong năm đó (Bowen, 1980, 1981). Có nhiều phương pháp tính giá thành đơn vị dịch vụ GDĐH.
Kalia (2010) cho rằng, giá thành đơn vị dịch vụ GDĐH bao gồm 2 cấu phần: Thường xuyên và không thường xuyên. Trong đó, cấu phần thường xuyên là các khoản chi mà tổ chức phải chi trả định kỳ và đều đặn trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình. Cấu phần thường xuyên của giá thành bao gồm: Lương, bào trì cơ sở vật chất, điện, nước, đồ dung/dụng cụ phục vụ giảng dạy, quản lý… Trong khi đó, cấu phần không thường xuyên bao gồm các chi phí phục vụ cho đất đai, nhà xưởng, thiết bị….
Hiện nay, cách tính giá thành đơn vị dịch vụ tại Việt Nam đang sử dụng cách tiếp cận của Kalia (2010). Cụ thể, lộ trình tính giá thành đơn vị dịch vụ công bao gồm 3 giai đoạn chính: “i) Đến năm 2016: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định); ii) Đến năm 2018: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); iii) Đến năm 2020: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.”
Tuy vậy, cách tiếp cận này còn tồn tại, hạn chế là chỉ giúp tính đúng những chi tiêu mà cơ sở GDĐH đang phải chi trả trong thực tế mà chưa giúp tính đủ theo khả năng chi trả từ phía bên cầu.
Tại Việt Nam, Phạm Phụ (2010) là một trong những tác giả đầu tiên đề cập đến việc cần tính toán chi phí đơn vị trong GDĐH. Tác giả Phạm Phụ đã sử dụng cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới để ước lượng chi phí đơn vị trong GDĐH tại Việt Nam trong năm 2009, trên cơ sở đối sánh với mức giá thành dịch vụ GDĐH và GDP đầu người của một số nước trên thế giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức chi phí đơn vị trong GDĐH Việt Nam phù hợp tại năm 2009 để đảm bảo mức cạnh tranh với mặt sàn chung của thế giới ước tính vào khoảng 120% so với GDP đầu người tại Việt Nam năm 2009 là 1.200 USD.
Dữ liệu nghiên cứu
Dữ liệu phục vụ cho tính toán giá thành đơn vị dịch vụ GDĐH được nhóm tác giả thu thập trong tháng 6/2018 gồm 3 tham số chính: GDP đầu người; Chi phí đầu tư trung bình trên đầu sinh viên; Học phí trung bình (tính theo năm) của sinh viên.
Nhóm tác giả đã thu thập được dữ liệu của 30 nước từ các nguồn dữ liệu khác nhau, đơn vị tính toán được quy đổi theo tỷ giá USD.
Kết quả ước tính chi phí đơn vị cho giáo dục đại học ở Việt Nam
Kết quả ước tính giá thành đơn vị dịch vụ GDĐH bằng hồi quy tuyến tính được thể hiện ở Hình 1 và theo phương trình sau:
Chi phí đơn vị GDÐH = 0.3013 * GDP đầu người + 2055
(F value = 60.55, p value < 0.0001, R square = 0.6838)
Theo kết quả phương trình kể trên, với mỗi 1 USD tăng thêm của GDP đầu người trong 1 năm sẽ tương ứng với mức giá thành đơn vị dịch vụ GDĐH tương ứng là 0,3009 USD. Như vậy, với ước tính này, chi phí đơn vị của GDĐH Việt Nam năm 2013 (GDP đầu người là 1900 USD) và 2018 (GDP đầu người 2.343 USD) sẽ lần lượt vào khoảng 2.627 USD (tương đương138% GDP đầu người) và 2.760 USD (tương đương 118% GDP đầu người). Tính theo tỷ giá quy đổi 21.000 VND/1USD vào năm 2013 và 22.000 VND/1USD năm 2018 thì mức chi phí đơn vị lần lượt vào 2 năm này sẽ vào khoảng 55 triệu VND và 61 triệu VND.
Thảo luận kết quả nghiên cứu
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tính đúng và đủ giá đơn vị dịch vụ trong GDĐH là cần thiết, nhằm làm căn cứ để nhà nước và nhà trường đưa ra mức đầu tư và học phí phù hợp nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, việc tính đúng, tính đủ này cũng là cơ sở để Nhà nước đưa ra các chính sách phù hợp để đảm bảo cơ hội học tập và tiếp cận GDĐH của người dân thông qua chính sách học bổng, tín dụng.
Liên quan đến việc ước tính chi phí đơn vị, sử dụng dữ liệu từ 30 nước và đối sánh với GDP tương ứng, nghiên cứu này đã ước tính được mức chi phí đơn vị đúng và đủ cho GDĐH ở Việt Nam vào năm 2013 vào khoảng 2.627 USD/sinh viên/năm (55 triệu VND, tỷ giá 1 USD = 21.000 VND), năm 2018 là vào khoảng 2.343 USD/sinh viên/năm(61 triệu VND, tỷ giá 1 USD = 22.000 VND). So với mức chi phí đơn vị trung bình tại cơ sở giáo dục đại học công thông thường (khoảng 10 triệu/sinh viên/năm) và chương trình đào tạo tiên tiến (khoảng 40 triệu/sinh viên/năm) vào năm 2013 (xem Bảng 1) thì khoảng cách giữa mức chi phí đơn vị phù hợp như ước tính ở trên (khoảng 55 triệu/sinh viên/năm) vẫn cao hơn khá nhiều.
So sánh với mức chi phí đơn vị tại các cơ sở giáo dục đại học tư nhân (nơi học phí không bị chặn trần, xem Bảng 1) thì cũng có thể thấy, chỉ có một số ít cơ sở giáo dục đại học tư nhân có mức chi phí đơn vị cao hơn mức chi phí đơn vị hợp lý được ước tính trong nghiên cứu này. Phần lớn các các chương trình đào tạo đại học ở Việt Nam đang được vận hành với mức chi phí đơn vị thấp hơn so với mức đúng và đủ như đã ước tính trong nghiên cứu.
Đề tài khoa học cấp Bộ “Sử dụng mô hình toán nghiên cứu, đánh giá một số khía cạnh tài chính trong giáo dục đại học và đề xuất chính sách” (mã số B2018-VNCCCT-01).
Tài liệu tham khảo:
- Trung ương Ðảng (2017), Nghị quyết số 19-NQ/TW về nâng cao chất lượng hiêụ quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập;
- Quốc hội (2012), Luật giá 2012;
- Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 25/2014/TT-BTC về phương pháp định giá chung đối với hang hoá, dịch vụ;
- Nguyễn Trường Giang (2016), Tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ chuyển từ phí sang giá, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2018-01-29/tinh-dung-tinh-du-chi-phi-dich-vu-chuyen-tu-phi-sang-gia-53225.aspx;
- Phạm Phụ (2010), Ðầu tư và chia sẻ chi phí trong giáo dục đại học ở Việt Nam, http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dau-tu-va-chia-se-chi-phi-trong-Giao-duc-Dai-hoc-post169522.gd;
- Nguyễn Bích Thuỷ (2015). Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế: Lợi cả 4 đường. https://baotintuc.vn/tin-tuc/tinh-dung-tinh-du-gia-dich-vu-y-te-loi-ca-4-duong-20151009175844758.htm.