Chất lượng hoạt động khoa học và công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam
Bài viết đánh giá hiện trạng chất lượng hoạt động khoa học và công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam thời gian qua. Trên cơ sở đó, các giải pháp được đề xuất để đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ. Đồng thời, xây dựng, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tạo động lực phát triển khoa học công nghệ nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Hiện trạng chất lượng nhân lực khoa học công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học
Chất lượng hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) tại các cơ sở giáo dục đại học thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau trong các hoạt động như: Thực hiện các chương trình, đề án, dự án, đề tài KHCN, phát triển công nghệ; Tham gia các hội đồng tư vấn, nghiệm thu các chương trình, đề án, dự án, đề tài KHCN, giáo trình, bài giảng, tài liệu khoa học; Hướng dẫn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tham gia nghiên cứu khoa học; Viết bài công bố công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, viết bài tham luận tại các hội thảo khoa học, báo cáo chuyên đề khoa học...
Tuy nhiên, một thước đo chính xác và uy tín về giá trị, chất lượng của các công trình nghiên cứu KHCN là công bố kết quả nghiên cứu tại các tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện thông tin khoa học - ISI.
Giai đoạn 1991 – 2010, có 6 nước ASEAN công bố 165.020 bài báo nguyên thuỷ trên tạp chí trong danh mục ISI. Trong đó, Singapore dẫn đầu, chiếm 45% tổng số bài báo khoa học của 10 nước ASEAN, kế tiếp Thái Lan (21%), Malaysia (16%), Việt Nam (7%), Indonesia (5%), Philippines (5%), tổng số bài của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Brunei gần 1.000 bài.
Nếu chia giai đoạn trên thành hai thập niên 1991 – 2000 và 2001 – 2010 thì số bài báo của Thái Lan thập niên sau cao gấp 4,2 lần thập niên trước, trong khi Malaysia là 3,9 lần, Việt Nam 3,4 lần, Singapore 3,1 lần và Philippines là 1,9 lần (Phạm Chí Trung, 2013, trang 132 – 134).
Theo Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, 10 lĩnh vực có số bài báo nguyên thuỷ công bố quốc tế nhiều nhất giai đoạn 2006 – 2011 gồm có: Vật lý, Toán học, Hoá học, Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường, Kỹ thuật, Khoa học vật liệu, Khoa học môi trường và sinh thái, Bệnh truyền nhiễm, Nông nghiệp, Dược học.
Trong đó, lĩnh vực chủ yếu là Vật lý, Toán học và Hoá học đạt gần 1.000 bài cho mỗi lĩnh vực, thấp nhất trong nhóm 10 là Dược học có gần 300 bài. Điều này cho thấy, Việt Nam có năng lực nghiên cứu khoa học, nhất là các lĩnh vực hàn lâm, cơ bản.
Trong giai đoạn 2008 – 2012, số lượng bài báo công bố quốc tế của Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng bình quân 13,03%/năm, đạt tổng cộng 6.356 bài, gấp 03 lần thập niên 1991 – 2000 và gần bằng cả thập niên 2001 – 2010. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ tư về số lượng công bố quốc tế (6.356), sau Singapore (43.779), Malaysia (28.799), Thái Lan (25.965). Cùng với đó, Việt Nam đứng thứ ba về tăng trưởng bình quân hàng năm sau Malaysia (23,48%) và Lào (21,58%).
So sánh với các nước phát triển, tổng lượng bài của Việt Nam chỉ bằng 1/30 Australia, 1/6 New Zealand, 1/58 Nhật Bản, 1/256 Mỹ nhưng tỷ lệ tăng trưởng bình quân gấp 2,2 lần Australia, 2,7 lần New Zealand và 7,3 lần Mỹ. Điều này cho thấy, các nỗ lực đáng ghi nhận của đội ngũ KHCN trong việc công bố quốc tế. Nếu xét riêng trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, số lượng bài báo công bố quốc tế của Việt Nam có nhiều bước tiến trong giai đoạn 2008 – 2012 với 665 bài trong danh mục SSCI (Social Science Citation Index).
Tuy nhiên, so sánh với các nước Đông Nam Á, Việt Nam chỉ xếp thứ 3 về tỷ lệ tăng trưởng và đứng thứ 5 về số lượng bài sau Singapore (5.791), Malaysia (2.436), Thái Lan (2.018) và Philippines (680). Nếu so sánh với các nước phát triển, tổng lượng bài của Việt Nam chỉ bằng 1/58 Australia, 1/22 New Zealand, 1/28 Nhật Bản và 1/473 Mỹ, đồng thời tỷ lệ tăng trưởng kém hơn Australia và New Zealand 4,2 lần Nhật Bản là 1,2 lần, cao hơn Mỹ 4,1 lần. Nhìn chung, trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, lượng bài công bố quốc tế của Việt Nam còn nhiều khiêm tốn, khoảng 1/10 tổng lượng bài và lĩnh vực đã tham gia.
Thực trạng trên cho thấy bức tranh tổng thể về công bố quốc tế của Việt Nam giai đoạn 1991 – 2012 với điểm nhấn về sự gia tăng liên tục các bài báo trong danh mục ISI. Tuy nhiên, phần lớn công bố quốc tế cho đến nay thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, nhất là toán học và vật lý.
Một số giải pháp, đề xuất
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như hoạt động KHCN tại Việt Nam nói chung và trong các cơ sở giáo dục đại học nói riêng, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trên cần quan tâm đến một số vấn đề sau:
Một là, rà soát, đánh giá chính sách đào tạo, sử dụng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KHCN để kịp thời chỉnh sửa, khắc phục các thiếu sót trong việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực KHCN. Xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi và điều kiện vật chất để cán bộ khoa học phát huy tài năng cũng như hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo mà họ đóng góp.
Hai là, tăng cường khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học bằng các ưu đãi về thu nhập từ hợp đồng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Thưởng tiền tương xứng với giá trị lao động trong việc công bố bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong danh mục ISI, SCI, SCIE; Hỗ trợ phí đăng ký bảo hộ quyền tác giả; Quy đổi các công bố quốc tế và trong nước thành giờ chuẩn giảm trừ giảng dạy.
Đồng thời, cần có cơ chế đãi ngộ phải gắn liền cơ chế cạnh tranh để cán bộ KHCN không ngừng hoàn thiện, đổi mới. Đặc biệt, việc tuyển dụng và đề bạt các chức vụ lãnh đạo chuyên môn, trưởng nhóm nghiên cứu ưu tiên dựa vào thành tích khoa học, trong đó các công bố trong nước và quốc tế có giá trị là tiêu chí đầu tiên được lựa chọn xem xét.
Ba là, thành lập các nhóm nghiên cứu trong các Khoa, Bộ môn và hổ trợ kinh phí, điều kiện vật chất cho hoạt động của các nhóm nghiên cứu. Ưu tiên giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN trọng điểm cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc; Hỗ trợ kinh phí tổ chức hoặc tham gia các hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế của các nhóm nghiên cứu thuộc lĩnh vực chuyên môn của họ. Khuyến khích và hổ trợ các nhóm nghiên cứu triển khai các công bố quốc tế và trong nước, trong đó chú trọng các công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín...
Bốn là, tăng cường triển khai các chính sách khuyến khích và hỗ trợ giảng viên, cán bộ khoa học trẻ nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, tạo mọi điều kiện để giảng viên, cán bộ khoa học trẻ tham gia nghiên cứu khoa học nhằm phát huy, phát triển định hướng chuyên môn nghiên cứu; Thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ khoa học trẻ tiếp xúc, học tập với các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế về phương pháp nghiên cứu và các yêu cầu, điều kiện để có thể công bố bài báo khoa học trong các danh mục uy tín.
Năm là, triển khai tốt công tác quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng số lượng cán bộ khoa học hợp lý, hiệu quả trong từng giai đoạn phát triển của cơ sở giáo dục. Trong đó, việc tuyển dụng cán bộ khoa học nên chú trọng thành tích và năng lực nghiên cứu khoa học nhằm tránh các nhược điểm của giáo dục đại học ở Việt Nam trong việc đào tạo ra hàng loạt cử nhân loại khá, loại giỏi nhưng không có khả năng phát triển khoa học.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ, Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 về quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KHCN trong các cơ sở giáo dục đại học;
2. Hoàng Mạnh Thắng, (2013), So sánh số lượng bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế của Việt Nam và các nước trong khu vực trong 5 năm gần đây (2008 – 2012), www.hdcdgsnn.gov.vn;
3. Phạm Chí Trung, (2013), Đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam, NXB Khoa học xã hội;
4. Phạm Duy Hiển, (2013), So sánh năng lực nghiên cứu khoa học của 11 nước Đông Á dựa trên các công bố quốc tế và bài học rút ra cho Việt Nam, www.hdcdgsnn.gov.vn.