TP. Hồ Chí Minh:

Hơn 300 hợp tác xã cam kết sản xuất thực phẩm sạch

Hữu Thông

Tính đến ngày 31/7, toàn TP. Hồ Chí Minh có 229 tổ hợp tác và 68 hợp tác xã đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như rau an toàn, hoa kiểng, bò sữa, nuôi tôm, chăn nuôi gia súc gia cầm...đáp ứng được một phần nhu cầu của người tiêu dùng thành phố.

Hội thảo vai trò Hội nông dân TP. Hồ Chí Minh tham gia phát triển kinh tế tập thể năm 2017-2018 sáng 17/8. Ảnh Financeplus.vn
Hội thảo vai trò Hội nông dân TP. Hồ Chí Minh tham gia phát triển kinh tế tập thể năm 2017-2018 sáng 17/8. Ảnh Financeplus.vn

Đó là thông tin cho biết tại hội thảo vai trò Hội nông dân TP. Hồ Chí Minh tham gia phát triển kinh tế tập thể năm 2017-2018 diễn ra sáng 17/8.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thống nhất, cần kiểm soát chặt chẽ các quy trình sản xuất của các hộ nông dân, tổ hợp tác và hợp tác xã nhằm đảm bảo cung cấp ra thị trường những sản phẩm xanh, sạch và an toàn.

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm các tổ sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân phải tuân thủ nguyên tắc trong quy trình sản xuất để làm ra sản phẩm có chứng nhận đảm bảo xanh, sạch và nguyên liệu thân thiện với môi trường. Hội nông dân các cấp sẽ hỗ trợ vay vốn, giới thiệu sản phẩm an toàn vào các kênh bán hàng như siêu thị, trường học, bếp ăn công nghiệp…để người sản xuất ổn định giá sản phẩm đầu ra.

Được biết, TP. Hồ Chí Minh đã thí điểm triển khai mô hình sử dụng tem điện tử để truy xuất nguồn gốc rau an toàn trên địa bàn thành phố. Người tiêu dùng có thể nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả trên thị trường tiêu thụ. Các sản phẩm rau tham gia thí điểm của 2 hợp tác xã sản xuất thương mại và dịch vụ Phước An và Phú Lộc như: cải ngọt, cải xanh, cải ngồng, cải thìa, mồng tơi, rau dền, rau muống, bồ ngót, rau lang, cần nước, khổ qua, bầu, bí xanh, dưa leo, cải xanh, cải ngọt...

Những loại rau, củ, quả này dù bà con nông dân sản xuất tại đâu, cũng được kiểm tra kỹ và dán tem truy nguồn gốc của từng loại. Phương tiện truy xuất có thể sử dụng ứng dụng Zalo trên Smartphone dùng hệ điều hành Android hoặc các phần mềm quét mã QR code trên điện thoại thông minh.

Khi các phần mềm này được áp dụng rộng rãi sẽ giúp người tiêu dùng kiểm tra được nguồn gốc sản phẩm nhanh chóng. Đồng thời cũng khuyến cáo được bà con nông dân, dù sản xuất loại sản phẩm rau, củ, quả khi đưa ra thị trường tiêu thụ nếu không tuân thủ nguyên tắc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thì cũng sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm.