Sự kiện kinh tế-tài chính thế giới tuần từ 2-7/11/2015

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Chú thích

PMI

Eurozone: PMI lĩnh vưc chế tạo của khu vực Eurozone trong tháng 10/2015 là 52,3 điểm, giảm so với mức 53,9 điểm trong tháng 9 do gói kích thích kinh tế QE của ECB được kỳ vọng sẽ kích cầu tiêu dùng, tăng lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng của Eurozone, từ đó tăng động lực cho khu vực chế tạo.

(Theo Công ty cung cấp Thông tin tài chính Markit).

Mỹ: Chỉ số hoạt động chế tạo của nước này trong tháng 10/2015 đã giảm xuống 50,1 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2013 và gần sát ngưỡng 50 điểm (mức phân định chiều hướng tăng trưởng hay suy giảm). Tuy nhiên, chỉ số đơn hàng mới có xu hướng tăng, từ 50,1 điểm trong tháng 9/2015 lên 52,9 điểm trong tháng 10, khiến thị trường kỳ vọng lĩnh vực chế tạo sẽ được cải thiện trong tháng tới. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp lĩnh vực chế tạo đang phải đối mặt với: (i) Đồng USD tăng giá; (ii) Giá dầu thấp khiến các công ty năng lượng cắt giảm đầu tư.

(Theo Viện Quản lý Nguồn cung của Mỹ - ISM).

Trung Quốc: Trong tháng 10/2015, PMI ngành chế tạo của Trung Quốc đạt 48,3 điểm, cao hơn so với 47,2 điểm trong tháng 9/2015, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 6/2015. Mặc dù tăng, nhưng đây vẫn là tháng thứ 8 liên tiếp PMI ngành chế tạo của Trung Quốc ở dưới mức 50 điểm (ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm), trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm (chỉ đạt 6,9% trong quý 3/2015 - mức thấp nhất từ năm 2009).

(Theo Công ty cung cấp Thông tin tài chính Markit).

Xuất nhập khẩu

Mỹ: Trong tháng 9/2015, cán cân xuất nhập khẩu của Mỹ thâm hụt 40,8 tỷ USD, giảm 15% so với tháng 8/2015 (48,2 tỷ USD). Đây là mức thâm hụt thương mại thấp nhất của Mỹ trong vòng 7 tháng qua (Theo Bộ Thương mại Mỹ), cụ thể:

+ Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 187,9 tỷ USD, tăng khoảng 3 tỷ USD (+1,6%).

+ Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 228,7 tỷ USD, giảm 4,2 tỷ USD (-1,8%).

Tính chung 9 tháng năm 2015, tổng thâm hụt thương mại của Mỹ là 508,3 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2014.

Hàn Quốc: Trong tháng 10/2015, thặng dư thương mại của nước này giảm xuống còn 6,7 tỷ USD so với mức 8,9 tỷ USD của tháng 9/2015. Nguyên nhân chủ yếu do xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu giảm mạnh cho thấy nhu cầu toàn cầu đang có xu hướng giảm. (Theo Bộ Thương mại Hàn Quốc). Trong đó:

- Kim ngạch xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2014, ghi nhận tháng giảm thứ 10 liên tiếp, đồng thời là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2009;

- Kim ngạch nhập khẩu đạt 36,8 tỷ USD, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Mỹ và Triều Tiên: Giao dịch thương mại giữa Mỹ và Triều Tiên trong 9 tháng năm 2015 đạt gần 5 triệu USD, giảm gần 79,5% so với cùng kỳ năm 2014 (đạt gần 22 triệu USD). Nguyên nhân: Do Chính phủ Mỹ hiện đang thực hiện các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, theo đó cấm tất cả các hoạt động xuất nhập khẩu với nước này đối với tất cả các vật phẩm, ngoại trừ một số vật phẩm theo chương trình nhân đạo như thuốc men hoặc lương thực.

(Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc).

Giá dầu

Phiên ngày 6/11, giá dầu giao kỳ hạn tháng 12/2015 diễn biến như sau:

+ WTI giao tại New York giảm 91 cent, tương đương giảm 2%, xuống 44,29 USD/thùng;

+ Brent giao tại London giảm 56 cent, tương đương 1,2%, xuống 47,42 USD/thùng.

Như vậy, tính chung cả tuần, WTI giảm 5% và Brent giảm 4,2 %.

Giá lương thực

Chỉ số giá các sản phẩm lương thực trong tháng 10/2015 là 162 điểm, tăng 3,9% so với 155,9 điểm trong tháng 9 (mức tăng theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 7/2012), nhưng vẫn thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó:

- Chỉ số giá ngũ cốc: đạt 157,4 điểm, tăng 1,7% so với tháng 9;

- Chỉ số giá đường: đạt 197,4 điểm, tăng cao nhất với mức tăng 17,2% so với tháng 9;

- Chỉ số giá dầu thực vật: đạt 142,6 điểm, tăng 6,2% so với tháng 9;

- Chỉ số giá sữa: đạt 155,6 điểm, tăng 9,4% so với tháng 9;

- Chỉ số giá thịt: Đạt 168,8 điểm, gần như không đổi so với tháng 9.

FAO hạ dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới trong năm 2015 xuống còn 2.530 tỷ tấn, giảm 1,1% so với mức kỷ lục của năm 2014 và so với mức ước tính 2.534 tỷ tấn đưa ra tháng 9.

(Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc - FAO)

Chứng khoán

Trong tuần, chứng khoán Mỹ tăng điểm do báo cáo việc làm trong tháng 10 của Mỹ được dự báo là sẽ tốt lên. Cụ thể:

+ Dow Jones tăng 1%, lên 17,910.33 điểm;

+ S&P 500 tăng 1%, lên 2,099.2 điểm;

+ Nasdaq Composite cũng tăng 1%, lên 5,147.12 điểm.

Trong tuần qua, chứng khoán châu Á có tuần giảm điểm, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,55%, xuống 133,70 điểm. Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 2,21%, lên 19.265,60 điểm;

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 5,24%, lên 3.590,03 điểm;

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 2,48%, lên 22.867,33 điểm;

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 1,36%, lên 5.215,008 điểm;

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,6%, xuống 2.041,07 điểm.

Châu Âu

Thị trường nhà ở tại 11/15 thành phố lớn nhất của Canada đang có nhiều dấu hiệu bất ổn, như: Tình trạng quá nhiều nhà được xây dựng, giá nhà đất cao và tăng quá nhanh, tình trạng bong bóng bất động sản. Các thành phố đứng đầu danh sách gồm Saskatoon, Regina, Winnipeg và Toronto. Ngoài ra, 7 thành phố khác cũng bị xếp vào diện có nhiều vấn đề về thị trường nhà ở gồm: Ottawa, Vancouver, Montreal, Quebec, Calgary, Edmonton và Halifax. (Theo Báo cáo đánh giá thị trường nhà ở của Công ty Nhà ở và Thế chấp Canada - CMHC).

Theo báo cáo tháng 10/2015 của Hiệp hội Bất động sản Canada, giá nhà ở trung bình tại Canada trong tháng 9/2015 là gần 434.000 CAD/căn (tương đương 332.000 USD/căn), tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Hàng loạt các ngân hàng lớn ở châu Âu bao gồm Standard Chartered, Deutsche Bank và Citigroup đều thông báo cắt giảm số lượng lớn nhân viên, tương ứng với 31.600 việc làm. (Theo Bloomberg). Trong đó:

+ Standard Chartered là ngân hàng cắt giảm nhiều nhất là 15.000 việc làm, tương đương 17% tổng số nhân viên đang làm việc tại đây, chủ yếu do nợ xấu tăng cao tại các thị trường mới nổi làm giảm doanh thu.

+ Deutsche Bank cắt giảm 11.000 nhân viên.

+ Credit Suisse cắt giảm 5.600 nhân viên, tập trung tại các chi nhánh ở Mỹ, Anh và Thụy Sĩ.

+ UniCredit - ngân hàng có trụ sở ở Milan và là ngân hàng lớn nhất nước Ý cũng đang xem xét cắt giảm khoảng 12.000 việc làm trong nỗ lực củng cố vốn và lợi nhuận.

Cơ quan kiểm soát thị trường tài chính Thụy Sỹ (FINMA) đã cấp phép cung cấp dịch vụ ngân hàng cho Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), đây là ngân hàng đầu tiên được phép cung cấp dịch vụ ngân hàng thương mại và các giao dịch bằng đồng NDT ở Thụy Sỹ, là một bước tiến của Thụy Sỹ trong việc chính thức trở thành trung tâm giao dịch đồng NDT đầy tiềm năng.

CCB có văn phòng chi nhánh tại Zurich (Thụy Sỹ), hiện có 17 nhân viên và dự kiến sẽ tăng lên 50 nhân viên trong năm 2016, mục tiêu là cung cấp các dịch vụ ngân hàng truyền thống như tiền gửi, cho vay vốn và cung cấp tài chính cho các khách hàng doanh nghiệp. Trong dài hạn, CCB nỗ lực thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng NDT, tăng cường quan hệ thương mại và tài chính giữa Trung Quốc và Thụy Sỹ.

Châu Á

Ngành công nghiệp hàng không Indonesia (gồm các hãng hàng không như Citilink Indonesia, Lion Air, AirAsia…) đang phải chịu thiệt hại nghiêm trọng do khói bụi từ các vụ cháy rừng và đất tại một số địa phương trong cả nước, khiến lượng hành khách giảm mạnh; đồng thời, phát sinh nhiều khoản chi do hoãn, hủy chuyến, khách sạn cho phi hành đoàn và đền bù... Trong đó, Hãng hàng không Citilink Indonesia tổn thất ước tính lên đến 25 tỷ rupia (tương đương 2 triệu USD).

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 4/11 đã khởi động cơ chế “tiền tệ hóa” vàng, bao gồm: Tiền tệ hóa vàng, trái phiếu vàng và tiền xu bằng vàng. Kế hoạch nhằm huy động và tập trung nguồn vàng nhàn rỗi trong dân của Ấn Độ vào hệ thống ngân hàng (ước tính hiện Ấn Độ có khoảng 20.000 tấn vàng, tương đương 800 tỷ USD chưa được lưu thông); giảm sự phụ thuộc vào vàng nhập khẩu từ các nước khác và giúp mang lại quyền lực cho phụ nữ Ấn Độ. Theo đó:

- Người dân Ấn Độ có thể gửi vàng cho Chính phủ (thông qua hệ thống ngân hàng) và nhận lãi suất;

- Chính phủ sẽ cho thợ kim hoàn vay hoặc bán đấu giá số vàng trên để sinh lời;

- Kỳ hạn tối đa lên đến 15 năm, lãi suất khoảng 2,25 - 2,5%/năm.

Trong tháng 8/2015, Indonesia đã xuất khẩu 45.692,03 tấn cà phê. Dự báo, sản lượng cà phê của Indonesia trong năm 2015 sẽ giảm xuống 500.000 tấn so với ước tính 600.000 - 650.000 tấn đưa ra trước đó, do bị ảnh hưởng bởi thời tiết khô hạn gây ra từ hiện tượng El Nino. (Theo báo cáo của Chính phủ Indonesia). Bên cạnh đó, Việt Nam, Brazil và Indonesia là 3 nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh sản lượng của Indonesia sụt giảm, cà phê robusta của Việt Nam sẽ là một giải pháp thay thế, do đó nhiều khả năng các nhà buôn sẽ chuyển sang mua robusta của Việt Nam.

Ngày 05/11, Chính phủ Thái Lan đã thông qua các khoản trợ cấp nông nghiệp trị giá khoảng 1,3 tỷ USD nhằm hỗ trợ ngành lúa gạo và cao su.

Trước đó, Chính phủ Thái Lan đã thông qua các biện pháp trị giá 1 tỷ USD để giúp người trồng lúa và gói trợ cấp trị giá 365 triệu USD giúp người trồng cao su.

Myanmar đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Năm tài khóa 2014, Myanmar đã thu hút 8 tỷ USD vốn nước ngoài, tăng gấp đôi so với tài khoá trước đó. Tuy nhiên, một số lĩnh vực (khách sạn, bến cảng và khai khoáng) vẫn chưa được mở cửa do các nhà tài phiệt vẫn thống trị, với sự ưu đãi của Chính phủ. (Theo WB).

Xuất khẩu quặng sắt của Iran đã giảm từ 20 triệu tấn mỗi năm xuống còn 10 triệu tấn trong 2 năm qua do nhu cầu của Trung Quốc yếu đi. Dự kiến xuất khẩu quặng sắt của Iran ​​sẽ giảm xuống còn 7 triệu tấn, hoặc thậm chí chỉ còn 5 triệu tấn/năm vào năm 2018. (Theo ông Bahador Ehramian - thành viên của Phòng Thương mại, Khai mỏ và Thương mại Iran).

Nhu cầu của Trung Quốc về quặng sắt đã giảm trong vài tháng qua do những vấn đề kinh tế riêng của quốc gia này.

Ngày 2/11, hãng hàng không Ryanair của Ireland cho biết, trong 6 tháng đầu năm tài khóa 2015:

- Lợi nhuận sau thuế của hãng đạt 1,09 tỷ euro (1,2 tỷ USD), tăng 37% so với 795 triệu euro của cùng kỳ tài khóa 2014;

- Lượng hành khách tăng 13% lên 58,1 triệu lượt;

- Doanh thu tăng 14% lên 4,04 tỷ euro.

Dự kiến, lợi nhuận cả tài khóa 2015 của hãng sẽ đạt khoảng 1,175 - 1,225 tỷ euro và lượng hành khách đạt kỷ lục 105 triệu lượt.

Lợi nhuận của hãng tăng nhờ: (i) Nhu cầu lớn; (ii) Đồng bảng Anh tăng giá trị; (iii) Giá dầu rẻ giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu; (iv) Điều kiện thời tiết thuận lợi ở Bắc Âu.

Hoa Kỳ

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 2/11 đã ký ban hành Dự luật ngân sách 2 năm tới (đến năm 2017), đã được Quốc hội Mỹ thông qua tuần trước, qua đó giúp Chính phủ Mỹ thoát khỏi nguy cơ mất khả năng thanh toán nợ.

Luật ngân sách này bổ sung 50 tỷ USD cho tài khóa 2016 và 30 tỷ USD cho tài khóa 2017. Các khoản ngân sách này sẽ được chia đều cho các chương trình chi tiêu quân sự và chi tiêu trong nước.

Tập đoàn General Electric (Mỹ) đã hoàn tất thỏa thuận mua lại các tài sản năng lượng của Tập đoàn Pháp Alstom với giá 9,7 tỷ euro (10,7 tỷ USD), bao gồm: Chi phí thành lập 3 liên doanh mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, mạng lưới điện và nhà máy năng lượng hạt nhân… Đồng thời, GE đã bán mảng kinh doanh tín hiệu đường sắt cho Alstom với giá 800 triệu USD. Động thái này là một phần trong nỗ lực của GE để tập trung hơn vào mảng năng lượng, trong khi, Alstom sẽ tập trung hơn vào mảng tàu cao tốc.

Trong tháng 10/2015, các hãng chế tạo ôtô tại Mỹ đã bán ra gần 1,46 triệu chiếc, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2014. Lũy kế 10 tháng, doanh số ôtô đạt 14,5 triệu chiếc.Dự báo, nền công nghiệp sản xuất ôtô của Mỹ nhiều khả năng sẽ vượt qua con số kỷ lục 17,4 triệu chiếc bán ra năm 2000,ghi nhận năm thứ 6 liên tiếp, doanh số ôtô bán ra tại thị trường nước này duy trì được đà tăng trưởng mạnh. (Theo thông tin từ hãng theo dõi thị trường xe ôtô Autodata).

Trung Quốc

Trong 9 tháng đầu năm 2015, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc là lĩnh vực gánh chịu nhiều thiệt hại nhất bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này sụt giảm. Cả 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc (Ngân hàng Trung Quốc - BOC, Ngân hàng Công Thương Trung Quốc - ICBC, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc - ABC và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc - CCB) đều trong tình trạng: (i) Có mức tăng trưởng lợi nhuận dưới 1%, so với cùng kỳ năm 2014; (ii) Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng. Tính đến cuối tháng 9/2015, tỷ lệ nợ xấu của ABC ở mức 2,02%; 3 ngân hàng còn lại là BOC, ICBC và CCB là 1,45%.

Trong tháng 10/2015:

+ Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 3,6% (tính theo NDT), giảm mạnh so với mức giảm 1,1% trong tháng 9.

+ Nhập khẩu giảm 16% (tính theo NDT) sau khi giảm 17,7% trong tháng 9 và là tháng giảm thứ 12 liên tiếp.

Tuy nhiên, thặng dư thương mại của Trung Quốc vẫn đạt 393,2 tỷ NDT (61,9 tỷ USD) trong tháng 10/2015.

(Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc).

Thâm hụt thương mại hàng hóa của Ấn Độ với Trung Quốc đã tăng từ 1,1 tỷ USD trong tài khóa 2003 - 2004 lên tới 48 tỷ USD trong tài khóa 2014 - 2015. Nguyên nhân là do hàng hóa của Ấn Độ đang bị Trung Quốc ngăn cản xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, nhất là trong một số lĩnh vực trọng tâm như dược phẩm, công nghệ thông tin, đá quý, đồ trang sức, dệt may, trái cây, rau củ quả và thịt. (Theo Bộ Thương mại Ấn Độ).

Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã phê chuẩn thỏa thuận thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Đây là một bước đi quan trọng tiến tới chính thức thành lập AIIB, dự kiến vào cuối năm 2015, trong đó Trung Quốc là cổ đông lớn nhất và giành được 25 - 30% quyền biểu quyết, Trung Quốc đóng góp gần 30 tỷ USD trong 100 tỷ USD vốn cơ bản của AIIB. (Theo Tân Hoa xã).

Tính đến ngày 27/10, trong tổng số 57 quốc gia dự kiến là thành viên sáng lập AIIB, 54 quốc gia đã ký thỏa thuận thành lập ngân hàng này, 3 nước còn lại dự kiến sẽ ký trước cuối năm .

Trung Quốc đã đệ đơn xin gia nhập Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD).Theo đó, trong vài ngày tới, hội đồng quản trị ngân hàng này sẽ xem xét lời đề nghị trên của Trung Quốc trước khi tìm hiểu quan điểm của các cổ đông.(Theo hãng tin AFP).

Trung Quốc đang lên kế hoạch mở kênh liên kết giao dịch giữa 2 sàn chứng khoán Hong Kong và Thâm Quyến trong năm 2015 nhằm nối tiếp chương trình “Kết nối chứng khoán” đã được Trung Quốc khởi động từ cuối năm 2014 với sự kết hợp giữa 2 sàn Thượng Hải và Hong Kong. Cụ thể, cho phép giới đầu tư nước ngoài giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán Thâm Quyến thông qua các công ty môi giới ở Hong Kong. Ngược lại, giới đầu tư Trung Quốc cũng có thể đầu tư vào thị trường chứng khoán Hong Kong thông qua các công ty môi giới ở Thâm Quyến.

Liên kết giao dịch sẽ tạo điều kiện thuận lợi để giới đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường chứng khoán của Trung Quốc, đặc biệt là đối với những công ty không được niêm yết tại những sàn chứng khoán bên ngoài nước này. Tuy nhiên, tác động này sẽ không kéo dài, mà chỉ mang tính ngắn hạn. (Theo Thống đốc NHTW Trung Quốc).

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, giới thương gia nước này đang chuyển tiền ra nước ngoài với tốc độ rất cao để tìm kiếm những khoản đầu tư an toàn hơn. Theo đó, dòng vốn này đẩy giá bất động sản ở Sydney, New York, Hồng Kông và Vancouver tăng mạnh. (Theo hãng tin Bloomberg). Cụ thể, tính từ tháng 3/2014 - tháng 3/2015:

+ Người Trung Quốc đã đầu tư 30 tỷ USD vào thị trường địa ốc Mỹ, trở thành nhóm khách hàng ngoại quốc mua nhà nhiều nhất ở Mỹ.

+ Tại Sydney, 1/4 số nhà mới xây được bán cho khách Trung Quốc.

+ Tại Vancouver, người Trung Quốc góp phần đẩy giá nhà tăng gấp đôi trong 10 năm qua.

+ Tại Hồng Kông, một phần vì khách Trung Quốc đại lục mà giá nhà tăng 60% kể từ năm 2010.

NHTW Trung Quốc sẽ cân nhắc áp dụng một chương trình thử nghiệm ở khu mậu dịch tự do Thượng Hải, với mục tiêu không để lượng vốn ròng kỷ lục rút khỏi nước này trong năm 2015 cản trở các cải cách thị trường vốn. (Theo hãng tin Bloomberg). Theo đó:

- Cho phép người dân trực tiếp mua tài sản ở nước ngoài và mở cửa giao dịch trái phiếu bằng NDT cho các công ty nước ngoài.

- Cho phép các công ty Trung Quốc giao dịch các sản phẩm phái sinh và mở công ty chứng khoán liên doanh với đối tác nước ngoài.

Động thái này sẽ hỗ trợ mạnh cho nỗ lực nhằm đưa đồng NDT vào giỏ tiền tệ quyền rút vốn đặc biệt (SDR) và giúp cho các công ty Trung Quốc tiếp cận dễ dàng hơn với các dòng vốn nước ngoài.

Nhật Bản

Trong tháng 9/2015, doanh số bán lẻ tại Nhật Bản là -0,2%, so với dự báo 0,4% đưa ra trước đó, ghi nhận tháng giảm đầu tiên sau 5 tháng tăng liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng đối với mặt hàng ô tô và nhiên liệu giảm mạnh. (Theo Bộ Công nghiệp, Thương mại và Kinh tế Nhật Bản).

Để đạt mục tiêu GDP 2%, tương đương 600 nghìn tỷ yên (4,98 nghìn tỷ USD) mà của Thủ tướng Shinzo Abe đề ra, Nhật Bản cần tăng cường nhiều giải pháp, (Theo Hội đồng kinh tế và tài chính Nhật Bản - CEFP), trong đó:

- Khuyến khích các công ty tăng đầu tư trong nước để nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng.

- Tăng độ tuổi lao động bằng cách tăng số lượng công ty thuê nhân công trên tuổi nghỉ hưu chính thức (65 tuổi).

Algeria

Doanh thu từ bán khí đốt và dầu của Algeria (chiếm khoảng 97% thu nhập ngoại hối của nước này) đã giảm hơn 43% xuống 18,1 tỷ USD vào cuối tháng 6/2015, so với con số 32 tỷ USD của cùng kỳ năm 2014. (Theo Bộ trưởng Năng lượng Algeria Salah Khebri). Theo đó:

+ Algeria yêu cầu Tập đoàn năng lượng quốc gia (Sonatrach) tăng công suất khai thác dầu khí, đồng thời giảm chi phí nhằm bù đắp doanh thu xuất khẩu dầu khí sụt giảm.

+ Thông qua luật tài chính sửa đổi 2015 và những biện pháp thuế mới nhằm bù đắp cho tình trạng doanh thu xuất khẩu giảm.

Venezuela

Trong tháng 10/2015, Venezuela đã rút 467 triệu USD từ quỹ tiết kiệm với quyền hồi vốn đặc biệt của nước này tại IMF. Đây là lần rút vốn thứ 3 của Venezuela từ quỹ IMF trong năm 2015, trong bối cảnh Caracas đang thiếu thanh khoản nghiêm trọng do giá dầu thô, chiếm 95% thu nhập ngoại tệ của nước này đang lao dốc. Trước đó, Venezuela chưa từng rút vốn khỏi tài khoản tiết kiệm này lần nào trong vòng 9 năm, và hiện tại giá trị tiền gửi của Caracas theo mô hình trên tại IMF chỉ ở mức 806 triệu USD. (Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF).

Đàm phán - Ký kết

Cuba và Tây Ban Nha

Ngày 02/11, Phó Chủ tịch Cuba Ricardo Cabrisas và Bộ trưởng Kinh tế - Cạnh tranh của Tây Ban Nha đã ký hiệp định tái cơ cấu khoản nợ trị giá 201,5 triệu euro mà Tây Ban Nha đã cho Cuba mượn trước đó. Theo đó, Tây Ban Nha: (i) Xóa toàn bộ số lãi suất mà phía Cuba chưa thanh toán và một phần lớn khoản nợ trên; (ii) Tái cơ cấu số nợ còn lại với phương thức trả dần trong vòng 10 năm. Việc xóa một phần nợ được thực hiện ngay sau khi ký thỏa thuận thông qua Chương trình chuyển đổi, theo đó hai bên thành lập một quỹ bằng đồng peso Cuba nhằm tài trợ cho các dự án được hai bên thỏa thuận và Chính phủ Cuba ưu tiên phát triển trước.

Argentina và Trung Quốc

Argentina và Trung Quốc đã ký thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ tư của Argentina, với vốn đầu tư gần 6 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc sẽ cung cấp 85% tín dụng cho dự án này với lãi suất 6,5%/năm và khi đi vào hoạt động, sản lượng điện của nhà máy sẽ đạt 750 MW.

TPP

Ngày 05/11, toàn văn TPP được chính thức công bố, tạo cơ hội cho người dân và doanh nghiệp trên toàn thế giới tìm hiểu một cách đầy đủ hơn mọi lĩnh vực đàm phán trong thỏa thuận. TPP giúp hình thành một không gian kết nối hai đầu Thái Bình Dương giữa Bắc Mỹ và Đông Á; dỡ bỏ các rào cản thuế quan, trong đó nhiều loại thuế sẽ giảm xuống gần như bằng 0%; khơi thông các dòng vốn đầu tư giữa 12 nước thành viên.Khi TPP có hiệu lực, khu vực thương mại tự do này sẽ có 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới. Hiệp định TPP gồm 30 chương, trong đó có nhiều chương quan trọng liên quan đến cắt giảm thuế nhập khẩu; mở cửa dịch vụ và đầu tư; mua sắm của các cơ quan chính phủ; doanh nghiệp nhà nước (DNNN); bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT); thuế xuất khẩu; thương mại và môi trường; thương mại điện tử...

- Đối với việc cắt giảm thuế nhập khẩu, đưa thuế về 0% đối với tất cả các dòng thuế. Với một số ít dòng thuế nhạy cảm nhất, có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc hình thức giảm thuế và phải được cả 11 nước còn lại chấp nhận.

- Trong lĩnh vực dịch vụ - đầu tư, các nước thành viên đảm bảo nghĩa vụ chính là không phân biệt đối xử, bao gồm không phân biệt đối xử giữa các nước thành viên với nhau (dành đãi ngộ tối huệ quốc) và không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư - cung cấp dịch vụ trong nước với nhà đầu tư - cung cấp dịch vụ nước ngoài (dành đãi ngộ quốc gia).

- Về đấu thầu mua sắm chính phủ, các nước TPP thống nhất đưa ra một bộ quy tắc khá toàn diện về đấu thầu mua sắm của các cơ quan chính phủ; sử dụng hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà thầu từ các nước TPP.

- Yêu cầu các nước nỗ lực xóa bỏ thuế xuất khẩu vì coi đây là một hình thức trợ cấp gián tiếp cho doanh nghiệp trong nước (được mua nguyên liệu với giá rẻ).