Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 28/3 - 1/4/2016

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm 2016 và 2017 được dự báo đạt 5,7%, thấp hơn mức 5,9% của năm 2015, do kinh tế Trung Quốc giảm tốc và kinh tế toàn cầu phục hồi không đồng đều. Tuy nhiên, châu Á vẫn sẽ đóng góp hơn 60% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cụ thể:

+ Trung Quốc tăng trưởng 6,5% trong năm 2016 và 6,3% trong năm 2017, thấp hơn mức 6,9% của năm 2015, chủ yếu do xuất khẩu giảm sút, thiếu nguồn cung lao động, giảm đầu tư vào nhiều ngành đang dư thừa công suất.

+ Ấn Độ tăng trưởng 7,4% trong năm 2016 và 7,8% trong năm 2017.

+ Khu vực Nam Á tăng trưởng 6,9% trong năm 2016 và 7,3% trong năm 2017.

+ Khu vực Đông Nam Á tăng trưởng 4,5% trong năm 2016 và 4,8% trong năm 2017.

+ Khu vực Đông Á tăng trưởng 5,7% trong năm 2016 và 5,6% trong năm 2017.

(Theo ADB ngày 30/3)

Bán lẻ

Doanh thu bán lẻ trực tuyến của ASEAN được dự báo sẽ đạt 70 tỷ USD vào năm 2020, tăng hơn 11 lần so với con số 6 tỷ USD hiện nay. Mặc dù, hoạt động thương mại điện tử của ASEAN phát triển với tốc độ chậm hơn nhiều so với các thị trường phát triển và thị trường đang phát triển khác trên thế giới nhưng thống kê cho thấy, 100 triệu người tiêu dùng ASEAN đã xây dựng thói quen mua hàng trực tuyến và 150 triệu người khác thường xuyên lên mạng tìm hiểu, nghiên cứu sản phẩm trước khi mua.

(Theo nghiên cứu khảo sát hơn 6.000 người tiêu dùng ở Philippines, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam do Công ty Tư vấn quản lý Bain & Co. và Hãng Google thực hiện)

Chứng khoán

Chứng khoán Hoa Kỳ: Đã tăng điểm trong tuần qua, sau bình luận của Chủ tịch FED Janet Yellen về việc nâng lãi suất một cách thận trọng, giúp xoa dịu lo ngại của giới đầu tư về khả năng FED nâng lãi suất. Tính chung cả tuần (29/3 - 01/4/2016), 3 chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều tăng điểm, với mức tăng lần lượt là 0,86%; 1,08% và 2,18%.

Chứng khoán châu Á: Trong tuần qua, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm, chủ yếu do các nhà đầu tư đẩy mạnh bán tháo cổ phiếu sau đợt tăng giá cổ phiếu phiên ngày 30/3. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,5%, xuống 125,93 điểm. Tại các thị trường chính:

- Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 5,02%, xuống 16.164,16 điểm;

- Hang Seng (Hong Kong) tăng 0,83%, lên 20.498,92 điểm;

- Kospi (Hàn Quốc) tăng 0,62%, lên 1.972,69 điểm;

- S&P/ASX 200 (Australia) giảm 0,66%, xuống 5.021,2 điểm;

- Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 0,81%, lên 3.009,53 điểm.

Dầu mỏ

Tính chung tuần từ 29/3 - 01/4/2016, giá dầu WTI đã giảm 2,65% và Brent giảm 1,7%, do giới đầu tư lo ngại đà tăng 2 tháng qua đang suy yếu, lượng dầu lưu kho toàn cầu tiếp tục tăng, trong khi nhu cầu không thể bắt kịp nguồn cung.

Như vậy, dầu WTI đã tăng 14% trong tháng 3/2016 và 4% trong quý 1/2016 - quý tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2015; trong khi, giá dầu Brent tăng 10% và 6% lần lượt trong tháng 3 và quý 1/2016 - quý tăng nhiều nhất kể từ quý 2/2015.

Châu Á

Trung Quốc

- NHTW Trung Quốc đã bơm 100 tỷ NDT (15,4 tỷ USD) vào thị trường nhằm hỗ trợ thanh khoản thông qua thỏa thuận mua lại có kỳ hạn (repo) với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 2,25%. (Theo PBoC ngày 31/3)

- S&P hạ mức tín nhiệm của Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực (AA-) về dài hạn do các rủi ro kinh tế và tài chính ở nước này đang gia tăng. Về ngắn hạn, xếp hạng của Trung Quốc là A-1+. S&P sẽ đưa xếp hạng của Trung Quốc trở lại mức ổn định nếu tăng trưởng tín dụng được kiểm soát và kinh tế nước này phát triển trở lại.

S&P dự báo, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ duy trì trên dưới 6% trong 3 năm tới.

(Theo S&P ngày 31/3)

Singapore

Chính phủ Singapore dự kiến sẽ chi khoảng 73,4 SGD (101 tỷ USD) ngân sách trong tài khóa 2016, tập trung vào 3 đột phá chính để giải quyết những thách thức trong nềnkinh tế Singapore, gồm: (i) Áp dụng một chính sách tài chính linh hoạt nhằm giải quyết những thách thức mang tính chu kỳ của nền kinh tế; (ii) Chi 4,5 tỷ SGD cho Chương trình chuyển đổi ngành công nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng thông qua đổi mới; (iii) Tích cực hỗ trợ người dân Singapore trong việc tìm kiếm việc làm thông qua tăng cường các chương trình dạy nghề và đào tạo các kỹ năng mới, đặc biệt trong các lĩnh vực mới đang phát triển nhanh.

Ngân sách dành cho tài khóa 2016 là mức cao nhất kể từ trước đến nay và tăng 7,3% so với tài khóa 2015 (68,4 tỷ SGD), trong đó, dự kiến chi tiêu cho giáo dục và đào tạo là 12,8 tỷ SGD, gần gấp đôi so với 10 năm trước; chi cho lĩnh vực y tế là 11 tỷ SGD, tăng gần 6 lần và chi cho giao thông vận tải là 10,1 tỷ SGD, tăng hơn 5 lần.

(Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore Heng Swee Keat ngày 24/3)

Thái Lan

Xuất khẩu trong tháng 02/2016 đạt 18,99 tỷ USD, tăng 10,27% so với cùng kỳ năm 2015, nhờ 2 mặt hàng chính là vàng, với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,89 tỷ USD (tăng 8 lần so với tháng 01/2016); máy bay trực thăng và xe tải quân sự, với tổng kim ngạch xuất khẩu 683 triệu USD. Hai nhóm hàng này chiếm gần 14% tổng giá trị xuất khẩu của nước này. Trong khi đó, nhập khẩu lại giảm 16,82% so cùng kỳ năm 2015.

(Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan)

Indonesia

- Khoảng 2.000 doanh nghiệp nước ngoài tại Indonesia đã trốn thuế khiến nguồn thu của Nhà nước thiệt hại ít nhất 100.000 tỷ rupiah (7,5 tỷ USD)/năm trong vòng 10 năm qua. Bên cạnh đó, mức độ chấp hành việc nộp thuế cá nhân cũng khá thấp, chỉ có 900.000 người nộp thuế, trong tổng số 5 triệu NPWP (mã số thuế), với tổng số tiền nộp vào NSNN là 9.000 tỷ rupiah, chưa đạt 1% mục tiêu 1 triệu tỷ rupiah doanh thu thuế phí dầu khí năm 2015.

(Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia Bambang Brodjonegoro)

- Nước này muốn đàm phán về an ninh năng lượng với các nước sản xuất dầu mỏ lớn của thế giới trong cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 17/4 tại Qatar. Bộ trưởng Said hy vọng, các nước trong và ngoài OPEC có thể đạt được sự đồng thuận trong chương trình dự trữ xăng dầu chiến lược. Chính phủ Indonesia đã lên kế hoạch sử dụng quỹ an ninh năng lượng của mình để cấp vốn cho chương trình đang được áp dụng tại các nước Việt Nam, Myanmar, Nhật Bản và Hoa Kỳ. (Theo Bộ trưởng Năng lượng và Khoáng sản Indonesia Sudirman Said ngày 28/3)

Ấn Độ

Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tới năm 2035, quốc gia này sẽ nhập khẩu 92% sản lượng dầu, tăng so với mức 73% của năm 2010. 86% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ là từ các quốc gia thuộc OPEC, trong đó dẫn đầu là dầu thô từ Saudi Arabia, Venezuela và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Ấn Độ đang thực hiện chiến lược phát triển ngành năng lượng: (i) Miễn thuế khai thác dầu mỏ cho các công ty năng lượng nước ngoài hoạt động tại Ấn Độ; (ii) Tích cực xây dựng thêm các kho dự trữ năng lượng khổng lồ.

(Theo số liệu từ ClipperData ngày 30/3)

Saudi Arabia

Saudi Arabia đã để mất thị phần tại 9/15 thị trường xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu trong giai đoạn năm 2013 - 2015, trong đó có Trung Quốc, Nam Phi và Hoa Kỳ.

- Thị phần tại Trung Quốc giảm từ mức trên 19% trong năm 2013 xuống còn 15% năm 2015, do nguồn cung từ Nga sang Trung Quốc tăng.

- Thị phần tại Nam Phi giảm từ mức 53% năm 2013 xuống còn 22% năm 2015, do Nigeria và Angola gia tăng xuất khẩu dầu mỏ.

- Thị phần tại Hoa Kỳ giảm từ mức 17% năm 2013 xuống 14% năm 2015 do cuộc cách mạng dầu đá phiến bùng nổ tại Hoa Kỳ khiến quốc gia này giảm mua dầu thô từ nước ngoài.

Nhà phân tích tại Citigroup, Ed Morse nhận định: Saudi Arabia gặp khó khăn rất lớn để bán dầu thô trong bối cảnh hiện nay vì các đối thủ cạnh tranh như Nga và Irắc đang tích cực thu hút các đối tác truyền thống của Saudi Arabia.

(Theo Công ty Tư vấn năng lượng FGE ngày 29/3)

Châu Âu

Eurozone

Trong tháng 02/2016, cho vay đối với khu vực tư nhân tại Eurozone tăng lên. Trong đó, khoản vay của các hộ gia đình và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phi tài chính tăng lần lượt 1,6% và 0,9% so với mức tăng tương ứng 1,4% và 0,6% trong tháng 01. Việc doanh nghiệp vay vốn nhiều hơn để đầu tư có thể tạo đà đi lên cho kinh tế Eurozone thời gian tới. (Theo ECB ngày 29/3)

Pháp

- Tỷ lệ thất nghiệptháng 02/2016 tại Pháp tăng 1,1% (tương đương 38.400 người), nâng số người thất nghiệp lên mức kỷ lục là 6,159 triệu người, tương đương 10% lực lượng lao động. (Theo Bộ trưởng Lao động Pháp Myriam El Khomri)

- Thâm hụt ngân sách năm 2015 của nước này thấp hơn dự kiến, đạt 3,5% GDP so với mức 4% của năm 2014; chi tiêu ngân sách chỉ tăng 1,4% so với mức tăng 1,8% của năm 2014, trong khi chi tiêu công giảm 0,5%.Tuy nhiên, nợ công của Pháp tính đến cuối năm 2015 đã tăng lên 2.097 tỷ euro, tương đương 95,7% GDP, so với mức 95,3% GDP cuối năm 2014. (Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Pháp - INSEE ngày 25/3)

Anh

- Lòng tin của các công ty dịch vụ tài chính Anh vào nền kinh tế giảm mạnh nhất kể từ năm 2011 do lo ngại về triển vọng kinh tế của Anh cũng như sự biến động mạnh gần đây trên các thị trường tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính Anh nhìn chung tiếp tục tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong gần hai năm qua, với 40% công ty có lợi nhuận tăng và 27% có lợi nhuận giảm. (Theo Liên hiệp công nghiệp Anh - CBI và Công ty kiểm toán PwC ngày 29/3)

- Ngành dịch vụ đã đóng góp gần 80% cho tăng trưởng GDP của nước này trong tháng 01/2016 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2015. Anh đã giảm sự phụ thuộc vào dịch vụ tài chính, với quy mô dịch vụ tài chính nhỏ hơn 10% so với thời kỳ trước khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngược lại, các dịch vụ công nghệ thông tin và các dịch vụ như luật, kiến trúc, tư vấn quản lý... tăng 25% so với thời kỳ trước khủng hoảng.

(Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Anh (ONS) ngày 31/3)

Châu Mỹ

Argentina

Quốc hội đã thông qua thỏa thuận trả nợ vừa đạt được giữa Chính phủ với các quỹ đầu cơ Hoa Kỳ. Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu chính phủ có thời hạn 15 năm, nhằm thu về khoảng 12 tỷ USD để trả nợ. Argentina sẽ trở thành quốc gia đang phát triển có số tiền nợ lớn nhất thế giới trong vòng 20 năm trở lại đây.

(Theo Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính Argentina Alfonso Prat-Gay ngày 31/3)

Hoa Kỳ

- Quý 4/2015, kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng 1,4%, cao gấp đôi so với ước tính ban đầu là 0,7% nhưng thấp hơn mức tăng 2% trong quý 3/2015, đưa mức tăng trưởng kinh tế cả năm 2015 là 2,4%. Chi tiêu tiêu dùng chiếm 2/3 nền kinh tế Hoa Kỳ, tăng 2,4%, cao hơn mức ước tính ban đầu là 2%.

- Lợi nhuận của các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong quý 4/2015 giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2014. Cả năm 2015, lợi nhuận doanh nghiệp giảm 5,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008, do giá dầu thấp đã tác động tiêu cực tới ngành năng lượng khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động hoặc phá sản.

(Theo số liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 25/3)

Chi tiêu tiêu dùng tại nước này trong tháng 02/2016 tăng 0,1%, bằng mức tăng sau khi điều chỉnh của tháng 01; thâm hụt thương mại hàng hóa tăng từ 62,2 tỷ USD trong tháng 01, lên 62,9 tỷ USD trong tháng 02, đây là tháng tăng thứ tư liên tiếp. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 28/3)

Sau khi các số liệu này được công bố, các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng GDP quý 1/2016 của Hoa Kỳ xuống mức 0,9%.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) Janet Yellen ngày 29/3 đã cung cấp cho giới đầu tư những số liệu cần phải theo dõi để phán đoán về bước nâng lãi suất của FED và 5 yếu tố quan trọng:

(i) Các nền kinh tế nước ngoài cũng như các thị trường tài chính cần phải ổn định;

(ii) Đồng USD không thể tăng giá hơn nữa, bởi nó sẽ làm giảm lạm phát và xuất khẩu, tổn hại tới các nhà sản xuất Hoa Kỳ;

(iii) Giá cả của các loại nguyên liệu cần ổn định để giúp các nhà sản xuất nước ngoài có thể tăng trưởng ổn định hơn;

(iv) Lĩnh vực bất động sản cần phải đóng góp lớn hơn vào đầu ra của nền kinh tế Hoa Kỳ;

(v) Lạm phát đang mang lại rủi ro lớn. Bà Yellen nghi ngờ việc lạm phát lõi (bỏ qua thực phẩm và năng lượng) có dấu hiệu tăng gần đây sẽ không vững bền.

Trong tháng 02/2016, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tại nước này giảm 0,1%, sau khi tăng 0,1% trong tháng 01 (tháng so với tháng). Chỉ số giá PCE lõi (không tính giá thực phẩm và năng lượng) tăng 0,1%, sau khi tăng 0,3% trong tháng 1. So với cùng kỳ năm 2015, trong tháng 02, chỉ số giá PCE tăng 1%, sau khi tăng 1,2% trong tháng 01 và chỉ số giá PCE lõi tăng 1,7%, tương tự trong tháng 01.

Chỉ số giá PCE lõi là chỉ số được FED chú ý hơn và vẫn ở dưới mức mục tiêu 2%. Việc lạm phát tương đối thấp cho thấy FED sẽ tiếp tục lộ trình chậm tăng lãi suất trong năm 2016.

(Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 28/3)

Nhật Bản

Chính phủ sẽ cân nhắc soạn thảo kế hoạch về các biện pháp kích thích kinh tế trị giá hơn 5.000 tỷ yen (44 tỷ USD) nhằm tăng phúc lợi và khuyến khích chi tiêu, tránh để nền kinh tế lâm vào tình trạng khó khăn hơn. Cụ thể: Tăng hỗ trợ cho các chính quyền địa phương để xây dựng các cơ sở bảo trợ trẻ em, tăng lương cho người lao động làm công việc chăm sóc trẻ em.(Theo Chính phủ Nhật Bản)

Ngày 29/3, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua ngân sách kỷ lục 96.720 tỷ yên (852 tỷ USD) cho năm tài khóa 2016 (bắt đầu từ ngày 01/4). Trừ các khoản chi trả nợ, Chính phủ Nhật Bản dành ngân sách 73.110 tỷ yên cho các hoạt động và chương trình, trong đó:

- 31.970 tỷ yên cho an sinh xã hội, bao gồm tăng hỗ trợ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, mở rộng các dịch vụ chăm sóc trẻ em và hỗ trợ các chương trình chăm sóc y tế khác.

- 5.050 tỷ yên cho ngân sách quốc phòng, tăng 1,5% so với năm 2015.

- 551,9 tỷ yên cho ODA, tăng 1,8% so với năm 2015.

- 20 tỷ yên cho Cơ quan Du lịch Nhật Bản, tăng gấp đôi năm 2015 nhằm đạt được mục tiêu thu hút 30 triệu lượt du khách nước ngoài tới nước này hàng năm.

Ngày 29/3, Quốc hội Nhật Bản thông qua một loạt dự luật nhằm sửa đổi luật thuế hiện hành, trong đó chú trọng vào không tăng thuế tiêu dùng đối với mặt hàng thực phẩm và giảm mức thuế thu nhập của công ty.Theo kế hoạch, việc tăng thuế tiêu dùng bắt đầu có hiệu lực vào tháng 4/2017.

Sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 02/2016 giảm 6,2% so với tháng 1 - mức giảm lớn nhất kể từ mức giảm 16,5% vào tháng 3/2011, khi xảy ra thảm họa động đất - sóng thần tại Đông Bắc Nhật Bản. (Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 30/3)

Tỷ lệ thất nghiệp của nước này trong tháng 02/2016 tăng 0,1% so với tháng 01, lên 3,3%, trong khi nhu cầu tuyển dụng vẫn gần như giữ nguyên ở mức 1,28 (cứ 100 người tìm việc thì có 128 đầu việc có sẵn). (Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản)

Đàm phán - Ký kết

Trung Quốc và Israel

Ngày 29/3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo, Trung Quốc và Israel đã chính thức khởi động cuộc đàm phán FTA được đánh giá có thể giúp tăng gấp đôi khối lượng thương mại giữa hai nước, hiện đang ở mức khoảng 8 tỷ USD. Tiến trình đàm phán có thể kéo dài 1 năm. Trung Quốc và Israel đã tổ chức các cuộc thảo luận mang tính thăm dò về FTA từ tháng 5/2013.

Trung Quốc và Campuchia

Ngày 30/3, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Campuchia, Keo Ratanas và Tổng Giám đốc China National Heavy Machinery Corporation của Trung Quốc, Lun Wenjun, đã ký phê duyệt kế hoạch xây dựng đường dây chính truyền dẫn điện năng đến vùng nông thôn Campuchia giai đoạn 5 và giai đoạn 6 với tổng vốn đầu tư gần 100 triệu USD. Trong đó 85% do Ngân hàng China Exim Bank cung cấp và 15% còn lại từ tiền đối ứng của Chính phủ Campuchia.

Nhận định
chuyên gia

Ngày 28/3, các nhà phân tích ở Barclays, ngân hàng lớn thứ hai của Anh đưa ra nhận định về thị trường hàng hóa:

- Lợi nhuận của hàng hóa có khả năng sẽ không duy trì bền vững trong quý 2/2016, ước tính, giá của nhiều hàng hóa có thể giảm 20 - 25% so với mức giá hiện tại. Giá dầu có thể trở lại mốc 30 USD/thùng và giá đồng có thể giảm về 4.000 USD/tấn.

- Đợt tăng giá gần đây của thị trường hàng hóa dường như không dựa trên sự cải thiện của các yếu tố cơ bản và các thị trường quan trọng như dầu và đồng đang đối mặt với tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và tồn kho lớn. Tình trạng đầu tư hiện nay trên thị trường hàng hóa chủ yếu thiên về đầu tư ngắn hạn, mang tính cơ hội.

- Bất kỳ sự sụt giảm nào của thị trường hàng hóa cũng có thể dẫn đến việc bán tháo khiến giá hàng hóa lao dốc.

Ngày 29/3, Ủy ban Chính sách tài chính (FPC) thuộc BoE nhận định:

Vấn đề “Brexit” (nước Anh ra khỏi EU) có thể sẽ khiến kinh tế Anh đối mặt với tình trạng khan hiếm tín dụng.

- Những bất ổn xung quanh vấn đề Brexit đã khiến đồng bảng Anh giảm giá mạnh trong thời gian qua, nếu kéo dài có thể sẽ làm đồng tiền này tiếp tục rớt giá, cũng như ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động cho vay tại nước này.

- Thâm hụt tài khoản vãng lai của Anh có thể càng trầm trọng, làm tăng chi phí đi vay của chính phủ, doanh nghiệp và các hộ gia đình.

Ngày 29/3, Chủ tịch FED Yellen nhận định:

Hai rủi ro của kinh tế thế giới là tình trạng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc trong khi nước này đang gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và triển vọng không mấy tích cực của thị trường hàng hóa, đặc biệt là giá dầu, vẫn “phủ bóng đen” lên nền kinh tế toàn cầu.

Ngày 31/3, bà Catherine Mann, nhà kinh tế trưởng của OECD nhận định:

- Sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu sẽ khiến chính phủ các nước gặp khó khăn trong việc chi trả lương hưu và các khoản vay nợ.

- Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các nước cần tiếp tục thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, tăng đầu tư công và áp dụng các chính sách thuế nhằm khuyến khích cải cách kinh tế.

Ngày 31/3, Thủ tướng Anh David Cameron nhận định:

- Anh đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ ngành thép như cắt giảm chi phí năng lượng, phối hợp với các nước châu Âu khác để đảm bảo thép không bị phá giá trên thị trường. Tuy nhiên, ngành thép vẫn gặp khó khăn do dư thừa sản lượng dẫn tới sụt giá.

- Quốc hữu hóa các nhà máy không phải là lựa chọn tốt, chính phủ đang xem xét khả năng bơm tiền mặt để “nuôi” ngành thép cho đến khi tìm được khách mua lại các nhà máy thép của Anh đang được rao bán.

Tập đoàn thép lớn nhất Ấn Độ Tata Steel ngày 29/3 tuyên bố sẽ bán tất cả nhà máy thép tại Anh để cắt lỗ. Quyết định này có thể khiến 40.000 người ở Anh mất việc, bao gồm 15.000 nhân công tại các nhà máy thép của Tata Steel ở Anh và 25.000 người đang làm việc trong chuỗi cung ứng của ngành thép.