Mắc kẹt ở bẫy thu nhập cao

Theo daibieunhandan.vn

Kinh tế Nhật Bản hiện nay vẫn đang trong tình trạng trì trệ và có vẻ như đất nước mặt trời mọc đang mắc kẹt ở “bẫy thu nhập cao”. Nếu so sánh với 10% tăng trưởng GDP trong giai đoạn 1950 - 1960 và mức 4% trong giai đoạn 1970 - 1980, Nhật Bản chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 1% kể từ đầu những năm 1990. Xu hướng sụt giảm này được chứng minh là do những thách thức đáng kể mà nhân khẩu học Nhật Bản gây ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo EAF, tỷ lệ người phụ thuộc ở Nhật Bản - tính bằng số người không ở độ tuổi lao động chia cho số người ở tuổi lao động trong tổng dân số, đã bắt đầu giảm kể từ những năm 1970. Điều đó giúp Nhật Bản có được cơ cấu “dân số vàng” giúp tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao. Tỷ lệ này ổn định trong những năm 1980 nên tốc độ tăng trưởng GDP cũng vậy. Nhưng kể từ những năm 1990, tỷ lệ phụ thuộc tăng lên, báo hiệu thời kỳ dân số già và nền kinh tế trì trệ.

Dân số già là một trong những vấn đề đau đầu bậc nhất hiện nay của xứ sở hoa anh đào và của nhiều nền kinh tế phát triển khác. Với mức GDP trên đầu người cao, con người sống lâu hơn nên họ thường chọn đầu tư nhiều vào giáo dục cho con cái. Thực trạng đó khiến các cặp vợ chồng quyết định có ít con đi, dẫn đến tỷ lệ sinh giảm. Thêm nữa, số người già trên tổng dân số tăng cũng đồng nghĩa với gánh nặng an sinh xã hội đè nặng hơn lên thế hệ đang lao động.

Có một số yếu tố đang làm trầm trọng thêm những tác động tiêu cực của hiện tượng già hóa dân số ở Nhật Bản so với các nước phát triển khác. Đầu tiên là bản chất tuổi cụ thể tại nơi làm việc của người Nhật. Trong các công ty lớn, người lao động được thăng chức và tăng lương dựa trên hệ thống thời gian cống hiến và thâm niên. Hệ thống trên đang trở nên rất đắt đỏ do số tiền trả cho người lao động lâu năm ở các công ty tăng mạnh. Kết hợp với những cam kết về việc tuyển dụng dài hạn, điều này có nghĩa là các công ty Nhật có chi phí nhân công cố định và dần dần nó bóp nghẹt lợi nhuận.

Mặc dù tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người cao tuổi đặc biệt cao ở Nhật Bản, tất cả vẫn phải nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Điều này không chỉ tạo ra tình trạng phân biệt tuổi tác mà còn là sự lãng phí nguồn nhân lực. Phần lớn lao động có tuổi được tuyển dụng lại thông qua các hợp đồng có thời hạn cố định ít nhất tới tuổi 65 nhưng thông thường họ không được phân công vào những vị trí có trách nhiệm. Việc gia tăng số người lao động lớn tuổi sẽ làm tăng tỷ lệ lao động không thường xuyên.

Bên cạnh đó, lao động nữ ở Nhật Bản đang ít được sử dụng cho dù họ có trình độ học vấn cao. Năm 2015, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở độ tuổi 24 - 44 vào khoảng 74,4% so với 95,3% của nam giới. Điều này phản ánh vòng đời điển hình, khi mà người mẹ phải bỏ việc để nuôi dạy con cái. Khoảng cách đầu tư vốn nhân lực cho phụ nữ so với đàn ông là lý do chính giải thích tại sao chỉ có 10% cấp quản lý ở các công ty Nhật là phái đẹp.

Ngoài ra, xứ sở Phù Tang vẫn duy trì thái độ tiêu cực với người lao động nước ngoài, bất chấp lực lượng lao động đang sụt giảm nhanh chóng. Chính sách nhập cư cơ bản chấp nhận người lao động lành nghề nhưng từ chối lao động phổ thông mà nhiều công ty vẫn cần. Vì vậy nhiều lao động phổ thông phải về nước sau 3 - 5 năm, điều mà cả họ lẫn công ty đều không muốn.

Tốc độ phát triển kinh tế không chỉ phụ thuộc vào mỗi mình yếu tố nhân khẩu học. Với việc cải tổ cấu trúc hợp lý, sự suy giảm tăng trưởng lực lượng lao động và vấn đề lão hóa dân số có thể thực sự được khai thác như là nguồn tiềm năng tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Một trong những cải cách hữu hiệu là cần thúc đẩy mức trả lương công bằng cho từng vị trí làm việc. Trên thực tế, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã trở thành người đi đầu cho quan điểm này. Việc áp dụng máy móc các nguyên tắc bình đẳng lương không hẳn là hay. Thay vào đó chỉ cần đơn giản yêu cầu người tuyển dụng lao động điều chỉnh sự khác biệt của lương theo từng nhóm tuổi. Chính sách nhập cư hiện nay cũng cần phải xem lại, người lao động phổ thông nước ngoài tới Nhật để được đào tạo phải được chấp nhận như là người lao động có kỹ năng sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng tay nghề của mình. Và đặc biệt, quyết tâm chính trị cũng như năng lực của đội ngũ lãnh đạo Nhật Bản cũng cực kỳ quan trọng để tìm ra các quyết sách giúp Nhật Bản thoát khỏi bẫy thu nhập cao, đưa kinh tế tiếp tục đi lên.