Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 30/11 - 5/12/2015

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

Eurozone: ECB ngày 3/12 đưa ra các dự báo kinh tế Eurozone cho các năm như sau:

- Tăng trưởng: Nâng mức dự báo tăng trưởng trong năm 2015 từ 1,4% lên 1,5%; năm 2016 giữ nguyên ở mức 1,7% và năm 2017 tăng lên 1,9% từ mức dự báo 1,8% trước đó.

- Lạm phát: Hạ dự báo lạm phát trong khu vực trong 2 năm: 2016 là 1,0% và năm 2017 là 1,6%.

Châu Á: Các nước đang phát triển ở châu Á đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% trong năm 2015 và 6% trong năm 2016, bất chấp những tác động tiêu cực từ sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác như Nhật Bản và Eurozone. Cụ thể:

- Đông Á: Tăng trưởng 6% trong năm 2015 và năm 2016. Trong đó, kinh tế Trung Quốc tăng 6,9% trong năm 2015 và 6,7% trong năm 2016.

- Đông Nam Á: Tăng trưởng 4,4% (2015) và 4,9% (2016). Trong đó, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% (2015) và 6,6% (2016).

- Nam Á: Tăng trưởng 6,9% (2015) và 7,3% (2016).

- Trung Á: Tăng trưởng lần lượt 3,2% và 3,7% trong hai năm 2015 và 2016.

- Thái Bình Dương: Tăng trưởng 6,3% (2015) và 3,8% (2016), từ các mức dự báo tăng tương ứng là 6,7% và 3,9% đưa ra trước đó.

(Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB ngày 3/12)

Canada: Trong quý 3/2015, GDP của Canada tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2014, thấp hơn so với mức kỳ vọng được đưa ra là 2,5%. Như vậy,kinh tế Canada đã chính thức thoát khỏi suy thoái, sau khi sụt giảm liên tiếp trong quý 1 và 2.(Theo Cơ quan Thống kê Canada ngày 1/12)

Australia: Trong quý 3/2015, GDP nước này đạt 0,9% so với mức 0,3% trong quý 2, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2014 nhờ xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh. (Theo Chính phủ Australia ngày 2/11)

Brazil: Kinh tế Brazil tăng trưởng âm ở mức 4,5% trong quý 3/2015, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2014.Dự báo tăng trưởng kinh tế Brazil ở mức âm 3,19% trong năm 2015 và âm 2,04% trong năm 2016.

(Theo nhà kinh tế trưởng của Gradual Investimentos tại Sao Paulo, ông Andre Perfeito ngày 2/12)

Hàn Quốc: Trong quý 3/2015, GDP của Hàn Quốc đạt 1,3%, tăng so với 0,3% trong quý 2 và là mức tăng trưởng quý cao nhất kể từ quý 2/2010 (1,7%). (Theo NHTW Hàn Quốc - BoK ngày 3/12)

Ấn Độ: Trong quý 3/2015, GDP của Ấn Độ đạt 7,4%, đưa nước này vượt qua Trung Quốc (GDP quý 3/2015 đạt 6,9%) trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Số liệu GDP này cũng cao hơn mức 7,0% trong quý 2 và cao hơn dự báo 7,3% đưa ra trước đó, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức tăng trưởng kỷ lục 8,4% được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2014. (Theo Bộ Thống kê Ấn Độ ngày 1/12)

Singapore: Tăng trưởng kinh tế năm 2015 được điều chỉnh giảm xuống gần 2%, thấp hơn mức 2 - 2,5% dự báo đưa ra trước đó. Tăng trưởng kinh tế năm 2016 của Singapore dự kiến sẽ đạt khoảng 1 - 3%.

(Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore - MTI ngày 29/11)

Philippines: Đạt tốc độ tăng trưởng 6% trong quý 3/2015, cao hơn so với mức tăng 5,8% trong quý 2 và tăng 5,5% trong cùng kỳ năm 2014, do sự hỗ trợ mạnh của ngành dịch vụ, chi tiêu chính phủ và hộ gia đình.

(Theo Chính phủ Philippines ngày 26/11)

PMI

Châu Á

Hoạt động sản xuất của hầu hết các nước châu Á hiện không mấy khả quan do tổng cầu sụt giảm trong thời gian gần đây. Cụ thể:

+ PMI của Ấn Độ đã giảm xuống còn 50,3 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 10/2013 đến nay.

+ PMI của Hồng Kông trong tháng 11 vẫn giữ nguyên ở mức 49,1 điểm.

+ PMI của Đài Loan đạt 49,5 điểm, mức cao nhất trong vòng 8 tháng qua.

+ PMI của Malaysia đã giảm hơn 1 điểm xuống còn 47 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 7/2012.

+ PMI của Indonesia, giảm còn 46,9 điểm - thấp nhất trong 7 tháng qua.

(Theo ngân hàng HSBC)

Trung Quốc

Chỉ số PMI tháng 11/2015 của Trung Quốc giảm xuống 49,6 điểm, từ 50,2 điểm trong tháng 10, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 8/2012, đồng thời thấp hơn so với 49,8 điểm dự đoán của Bloomberg. Trong đó, tất cả các chỉ số sản lượng công nghiệp, số đơn hàng mới, lượng hàng tồn kho và tỷ lệ việc làm đều giảm so với tháng 10.

(Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc)

Dầu

- Giá dầu: Trong phiên giao dịch ngày 04/12, giá dầu giảm. Chốt phiên, giá dầu giao kỳ hạn tháng 1/2016:

+ WTI giao tại New York giảm 1,11 USD, tương đương 2,7%, xuống 39,97 USD/thùng.

+ Brent giao tại London giảm 84 cent, tương đương 1,8%, xuống 43 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, WTI giảm 4,9% và Brent giảm 4%.

Nguyên nhân giá dầu giảm trong tuần:

+ Theo EIA (ngày 02/12): (i) Lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 27/11 tăng 1,2 triệu thùng, ghi nhận tuần tăng thứ 10 liên tiếp, xăng lưu kho tăng 100.000 thùng trong khi nguồn cung sản phẩm chưng cất tăng 3,1 triệu thùng; (ii) Trong tháng 10/2015, nguồn cung dầu toàn cầu đã lên tới 97 triệu thùng/ngày, tăng 3 triệu thùng/ngày so với tháng 9.

+ OPEC (ngày 04/12) tuyên bố sẽ giữ nguyên chính sách sản lượng để bảo vệ thị phần, khiến thị trường tiếp tục dư cung

Dự báo, tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm xuống 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2016. Theo thống kê, xuất khẩu dầu mỏ của Iran vào các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng 10/2015 là 803.674 thùng dầu/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2013 và giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng mức xuất khẩu dầu mỏ của Iran sang bốn quốc gia trên đã giảm trong năm 2015 kể từ sau khi đạt mức đỉnh 1,205 triệu thùng/ngày vào tháng 5/2015 và giữ ổn định ở mức 1,02 triệu thùng/ngày từ tháng 7/2015.

Giá lương thực, thực phẩm

Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), trong tháng 11/2015, giá lương thực, thực phẩm thế giới (gồm giá của các loại hàng hóa cơ bản: ngũ cốc, hạt có dầu, sản phẩm bơ sữa, thịt và đường) trung bình ở mức 156,7 điểm, giảm 1,6% (2,6 điểm) so với 159,3 điểm trong tháng 10/2015, ghi nhận lần giảm đầu tiên trong ba tháng qua (tháng 8 là 155,0 điểm; tháng 9 là 155,3 điểm). Tuy nhiên, so với cùng kỳ 2014, giá thực phẩm đã giảm 18%. Cụ thể:

- Giá ngũ cốc: trung bình 153,7 điểm, giảm từ 3,7 điểm (2,3 %) của tháng 10 và là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2010.

- Giá dầu: trung bình 137,8 điểm, giảm 4,4 điểm (3,1%) so với tháng 10.

- Giá bơ, sữa: trung bình 151,1 điểm, giảm 4,6 điểm (2,9%) so với tháng 10.

- Giá thịt: trung bình 158,6 điểm, giảm 2,6 điểm (1,6 %) so với tháng 10.

- Riêng giá đường: trung bình 206,5 điểm, tăng 9,1 điểm (4,6%) so với tháng 10 và là mức cao nhất kể từ tháng 02/2015 (do lo ngại thời tiết xấu tại khu vực Trung Bắc của Brazil và các sản xuất đường lớn khác như Ấn Độ, Thái Lan, Nam Phi, Việt Nam… sẽ ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch).

Nguyên nhân: (i) Do đồng USD tăng giá, giúp giá lương thực, thực phẩm vốn được định giá bằng đồng USD trở nên rẻ hơn; (ii) Nguồn cung dồi dào: vụ mùa tại Mỹ (nước sản xuất và xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới) thuận lợi, giá năng lượng thấp.

Theo dự báo của FAO: Trong năm 2015, dự báo sản lượng ngũ cốc sẽ ở mức 2.527 triệu tấn, giảm 2,6 triệu tấn so với dự báo trước và giảm 33,9 triệu tấn (1,3%) so với mức kỷ lục năm 2014. Tuy nhiên, lượng ngũ cốc dự trữ đủ để trang trải cho nhu tiêu thụ toàn cầu, do đó sẽ không gây ảnh hưởng đến giá lương thực.

Chứng khoán

Trong tuần, chứng khoán Mỹ tăng điểm khi cổ phiếu y tế và tiêu dùng phục hồi. Cụ thể:

+ Dow Jones tăng 0,3%, lên 17.847,63 điểm;

+ Nasdaq Composite tăng 0,3%, lên 5.142,27 điểm;

+ S&P 500 tăng 0,1%, lên 2.091,69 điểm.

Tính chung cả tuần, chứng khoán châu Á giảm điểm, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,78%, xuống 132,08 điểm. Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 0,27%, xuống 19.760,04 điểm;

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 2,21%, xuống 3.524,99 điểm;

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 2,12%, xuống 22.235,89 điểm;

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 3,07%, xuống 1.979,16 điểm;

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 1,17%, lên 5.173,602 điểm.

Eurozone

Trong tháng 10/2015, tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone giảm xuống mức 10,7%, so với mức 10,8% trong tháng 9, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 1/2012. Tỷ lệ thất nghiệp giảm sẽ giúp chính phủ các nước giảm bớt chi phí an sinh xã hội. (Theo Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu - Eurostat)

Hoa Kỳ

Chỉ số đơn đặt hàng mới của các nhà máy tại Mỹ đã giảm từ mức 50,2 trong tháng 10/2015, xuống mức 48,6 trong tháng 11/2015 - mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009 do ảnh hưởng của đồng USD tăng giá và các nhà máy năng lượng cắt giảm chi tiêu. (Theo dữ liệu của Viện quản lý nguồn cung Mỹ - ISM)

Doanh thu các hãng bán lẻ của Mỹ có thể sụt giảm so với năm 2014, khi người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua sắm online. Cụ thể, doanh số mua hàng trực tuyến tại Mỹ đã đạt 1,73 tỷ USD trong ngày Lễ Tạ ơn, tăng 25% so với năm 2014. Trong ngày Black Friday, doanh số mua hàng trực tuyến là 822 triệu USD, cao hơn 15% so với năm 2014. (Theo Hiệp hội Bán lẻ Mỹ - NRF)

Thị trường lao động của Mỹ trong tháng 11/2014 đã tăng thêm 217.000 việc làm, (tăng mạnh so với mức 196.000 việc làm trong tháng 10). Trong đó, lĩnh vực sản xuất thu hút thêm 6.000 việc làm.

(Theo dữ liệu về bảng lương trong lĩnh vực tư nhân - ADP)

Trong tháng 10/2015, doanh số bán nhà của Mỹ tăng 0,2% lên 107,7 điểm, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2014, ghi nhận tháng tăng đầu tiên sau 2 tháng giảm liên tiếp, do nhu cầu mua nhà tăng trong dịp cuối năm và tiếp tục nhận được hỗ trợ lãi suất thấp. NAR dự báo, doanh số bán nhà của Mỹ có thể đạt 5,3 triệu căn vào cuối năm 2015, nhưng sẽ tăng chậm lại trong năm 2016, khi giá nhà đất tiếp tục tăng.

(Theo Hiệp hội các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ - NAR)

Trung Quốc

Bloomberg nhận định: Trung Quốc là cường quốc kinh tế trên nhiều lĩnh vực.

(i) Dự trữ ngoại tệ: Trung Quốc có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới với 3,53 nghìn tỷ USD - cao hơn tổng dự trữ ngoại hối của Nhật Bản, Arab Saudi, eurozone 19, Anh và Mỹ cộng lại. Nguồn dự trữ ngoại tệ lớn, giúp nền kinh tế Trung Quốc có thanh khoản ổn định và giảm tác động từ các cú sốc tài chính bên ngoài.

(ii) Ngân hàng châu Á: Trung Quốc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á trong năm 2015 với hơn 50 nước thành viên sáng lập và có vốn điều lệ 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc đóng góp 50 tỷ USD. Từ đó, giúp nâng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước, đặc biệt là các nước thuộc khu vực châu Á.

(iii) Ngân sách dành cho Liên Hiệp Quốc (UN): Theo đề suất của UN, tỷ lệ đóng góp của Trung Quốc trong giai đoạn 2016 - 2018 sẽ tăng lên 7,9%, từ 5,2% giai đoạn 2012 - 2015, đưa Trung Quốc vào nhóm 3 nước đóng góp lớn nhất cho ngân sách của UN (vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nước đóng góp lớn thứ 3 đóng góp cho ngân sách của UN, từ vị trí thứ 6 hiện nay. Tỷ lệ đóng góp trong UN tỷ lệ thuận với quyền lực, điều đó cho thấy vai trò của Trung Quốc đã tăng lên).

(iv) Chi tiêu quân sự: Năm 2014, Trung Quốc chi 216 tỷ USD vào quân sự - tăng 1,7 lần so với năm 2005, giúp Trung Quốc đang theo sát Mỹ để cạnh tranh vị trí nước chi tiêu nhiều nhất cho quân sự.

Với vai trò hiện nay, cùng với việc IMF (ngày 30/12) thừa nhận đồng NDT của Trung Quốc đủ điều kiện để đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế (SDR), trở thành đồng tiền dự trữ chính thức của IMF (hiện gồm USD, euro, bảng Anh và yên Nhật), sẽ giúp vị thế của Trung Quốc ngày càng được nâng cao trên thị trường tài chính toàn cầu.

Nhật Bản

Theo báo cáo kết quả hoạt động ngày 30/11, số tài sản của GPIF - Quỹ lương hưu đầu tư lớn nhất thế giới đã giảm 5,6% trong quý 3/2015, tương đương 7,9 nghìn tỷ yên do những biến động trên thị trường chứng khoán tháng 8 và tháng 9. Đây là mức thua lỗ lớn nhất của quỹ này kể từ tháng 4/2008.

GPIF mất 8 nghìn tỷ yên tại thị trường chứng khoán Nhật Bản và quốc tế và 241 tỷ yên các tài sản nợ nước ngoài khác.

Trong tháng 10/2015, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản đạt 1,4%, tăng so với 1,1% trong tháng 9, ghi nhận tháng tăng thứ 2 liên tiếp. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất của Nhật Bản đang dần phục hồi và là dấu hiệu lạc quan trong bối cảnh kinh tế nước này đang suy thoái.

(Theo Bộ Thương mại Nhật Bản)

Nga

Dự báo giá dầu thế giới sẽ không tăng, thậm chí có thể giảm xuống dưới 40 USD/thùng trong 3 năm tới, gây nhiều khó khăn cho kinh tế Nga. Theo dự thảo ngân sách năm 2016 của Nga quy định mức thâm hụt 2,36 nghìn tỷ rúp và được bù đắp thông qua quỹ dự phòng. Tuy nhiên, nếu giá dầu và đồng rúp tiếp tục duy trì như hiện nay thì tiền dự phòng sẽ không đủ để bù đắp khoản thâm hụt ngân sách dự kiến có thể tăng thêm 1,5 nghìn tỷ rúp.

(Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov)

Canada

Theo Công ty thế chấp và nhà ở Canada (CMHC) ngày 01/12, thị trường nhà ở của nước này đang đối mặt với nhiều khó khăn do giá dầu liên tiếp sụt giảm và kinh tế tăng trưởng chậm lại, theo đó:

- Kịch bản 1: Nếu giá dầu giảm xuống còn 35 USD/thùng và duy trì liên tục trong 5 năm, giá nhà sẽ giảm tới 26% và tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ tăng lên 12,5%.

- Kịch bản 2: Nếu xảy ra suy thoái toàn cầu, giá nhà sẽ giảm tới 44% và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 16%.

Singapore

Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (NHTW - MAS) cho biết, sẽ phát hành 4 tỷ SGD (2,85 tỷ USD) trái phiếu tiết kiệm trong năm 2016, trong đó riêng tháng 1 sẽ phát hành 300 triệu SGD. Các đợt phát hành tiếp theo sẽ được thực hiện hàng tháng.

- Lãi suất: Các trái chủ sẽ được hưởng mức lãi suất 1,21%/năm trong năm đầu tiên và tăng dần đều qua các năm, đến năm cuối cùng mức lãi suất sẽ là 3,69%. Tính trung bình cho đến ngày đáo hạn sau 10 năm, lãi suất sẽ là 2,58%/năm.

- Trong tháng 12 (tính đến hết ngày 28/12), các nhà đầu tư cá nhân đã có thể đăng ký mua trái phiếu của đợt phát hành tháng 1/2016.

Việc phát hành trái phiếu tiết kiệm là một phần sáng kiến của MAS để cải thiện các khoản tiết kiệm và tăng thêm lựa chọn đầu tư cho người dân. Kể từ đợt phát hành lần đầu tiên tháng 10/2015, đến nay Singapore đã huy động được 710,99 triệu SGD cho tổng cộng 3 đợt phát hành (thấp hơn mức dự kiến đạt từ 2 - 4 tỷ SGD). Như vậy, mặc dù được coi là một công cụ đầu tư lâu dài, tiết kiệm linh hoạt với lợi nhuận an toàn, song trái phiếu tiết kiệm vẫn chưa thực sự thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư cá nhân tại Singapore.

Hàn Quốc

- Sau 2 tháng tăng liên tiếp, sản xuất công nghiệp của Hàn Quốc trong tháng 10/2015 đã giảm 1,4% so với tháng 9/2015.Đây là sự sụt giảm hàng tháng lớn nhất kể từ mức giảm 1,6% được ghi nhận trong tháng 5/2015; đồng thời là mức giảm sâu nhất sau mức giảm 1,9% hồi tháng 01/2015.(Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc)

- Trong tháng 10/2015, thặng dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc đạt 8,96 tỷ USD, giảm so với con số 10,54 tỷ USD của tháng 9, nhưng tăng 0,22 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2014, ghi nhận tháng thặng dư thứ 44 liên tiếp. (Theo NHTW Hàn Quốc)

Chính sách

Châu Âu: NHTW châu Âu (ECB) ngày 3/12 đã công bố gói kích thích kinh tế mới cho Eurozone, bao gồm việc điều chỉnh chính sách lãi suất và đẩy mạnh các biện pháp nới lỏng định lượng. Cụ thể như sau:

- Cắt giảm lãi suất đối với các phương tiện tiền gửi từ mức -0,2% hiện nay xuống -0,3%. (Tuy nhiên, mức cắt giảm lãi suất này thấp hơn mức dự báo giảm -0,4% mà các chuyên gia đưa ra trước đó).

- Lãi suất hoạt động tái cấp vốn và lãi suất cho các phương tiện vay giới hạn giữ nguyên ở các mức tương ứng là 0,05% và 0,3%.

- Kéo dài chương trình mua tài sản (APP) trị giá 60 tỷ euro/tháng cho tới cuối tháng 3/2017 (kéo dài 6 tháng, trước đó dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 9/2016), thậm chí sẽ được tiếp tục sau thời hạn này; đồng thời mở rộng diện mua trái phiếu trong chương trình kích thích, bao gồm cả trái phiếu của chính quyền các nước trong Eurozone (trước đó, ECB chỉ mua trái phiếu có mức bảo đảm cao, đủ tài sản thế chấp).

- Tái đầu tư các khoản trả nợ gốc đến kỳ hạn theo chương trình APP.

Mục tiêu: Nhằm giúp ổn định nền kinh tế và duy trì lạm phát ở ngưỡng mục tiêu dưới 2%.

Tác động: Mức cắt giảm lãi suất tiền gửi không nhiều như kỳ vọng và ECB cũng chọn việc kéo dài APP, thay vì là tăng quy mô như được dự đoán trước đó, ngay lập tức đã tác động tới các thị trường chứng khoán và tiền tệ:

(i) Chứng khoán: Tại thị trường Frankfurt, chỉ số hàng đầu DAX đã có lúc sụt giảm xuống 10,780 điểm và chốt phiên ở mức 10,789 điểm, giảm 3,6%. Chỉ số MDAX cũng giảm 2,51%, chốt phiên ở mức 20,850 điểm; Tại Mỹ: các chỉ số đều sụt giảm. Dow Jones giảm 252,01 điểm (-1,42%), xuống 17.477,67 điểm; S&P 500 giảm 29,89 điểm (-1,44%), xuống 2.049,62 điểm; Nasdaq giảm 85,70 điểm (-1,67%), xuống 5.037,53 điểm.

(ii) Trên thị trường tiền tệ: Chốt phiên 03/12 tại Frakfurt, đồng euro đã tăng giá lên mức cao nhất trong 4 tuần so với đồng USD, với tỷ giá trao đổi 1 euro = 1,0894 USD (trước khi có thông báo của ECB, đồng tiền này bị kéo xuống gần 1,05 USD/euro).

Trung Quốc: Trung Quốc cho biết sẽ chấm dứt tình trạng độc quyền trong ngành điện lực bằng cách cho phép người sử dụng tự thương lượng giá cả với nhà cung cấp. Cụ thể, những nhà máy sản xuất điện có thể bán điện cho khách hàng thông qua hệ thống giao dịch tại từng vùng. Theo đó, người sử dụng sẽ trực tiếp thương lượng giá cả với nhà cung cấp và các công ty State Grid Corp, China Southern Power Grid Co; Công ty Inner Mongolia Power sẽ thiết lập hệ thống mạng lưới vận chuyển và thu về mức phí theo quy định của nhà nước.

Mục đích: (i) Việc cho phép mua bán điện trực tiếp sẽ thể hiện chính xác giá trị của mặt hàng điện; (ii) Là một bước quan trọng nhằm mở cửa hoàn toàn thị trường điện tại Trung Quốc; (iii) Mua bán điện trực tiếp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, những người sử dụng điện sẽ được mua điện ở mức giá thấp hơn khi có một số nhà cung cấp khác tham gia vào thị trường.

Năng lượng là một trong những lĩnh vực mà Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ cải cách, giảm bớt sự hiện diện của các công ty nhà nước và cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc cung cấp các nguồn năng lượng. Quá trình cải cách này đã được tiến hành trong một thời gian. Tháng 9/2015, Trung Quốc đã mở rộng khu vực bán điện trực tiếp tại 7 thành phố và dự định sẽ có thêm một số thành phố khác. Chính phủ nước này cũng xây dựng, lắp đặt hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc bán điện trực tiếp.

(Theo Uỷ ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc - NDRC)

Australia: NHTW Australia quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 2% - mức thấp kỷ lục trong 7 tháng liên tiếp (Ngày 01/12).

Canada: NHTW Canada (BoC) ngày 2/12 đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,5%, được duy trì từ tháng 7 để kích thích kinh tế.

Mỹ: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 30/11 đã thông qua một quy định mới chấm dứt việc cứu trợ các tập đoàn hay doanh nghiệp lớn, thay vào đó sẽ cứu trợ hệ thống tài chính.

Thái Lan: Bộ Lao động Thái Lan cho biết sẽ thiết lập một cửa dịch vụ đặc biệt phục vụ các công dân Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bắt đầu từ tháng 01/2016 tại Văn phòng Quản lý Lao động nước ngoài ở thủ đô Bangkok. Cụ thể: Cục Việc làm - Bộ Lao động Thái Lan sẽ được cung cấp một dịch vụ đặc biệt gọi là cửa dịch vụ ASEAN để phục vụ lao động tay nghề cao từ ASEAN gồm các lĩnh vực công nhân kỹ thuật, thăm dò khảo sát, kiến trúc, y khoa, nha khoa, điều dưỡng và kế toán nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển của lao động.

Nguyên nhân: Trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN thành lập cuối năm 2015, tự do thương mại và di chuyển của lao động trong khu vực cũng như cạnh tranh liên quan đến hoạt động đầu tư và kinh doanh sẽ gia tăng.

Mục đích: Chính sách này giúp tạo cạnh tranh về trình độ lao động, là lợi thế để thu hút đầu tư vào Thái Lan khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập.

(Theo Bộ Lao động Thái Lan)

Nga: Nga soạn thảo dự thảo luật đất đai - thắt chặt hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó:

- Cải thiện sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có điểm cấm người nước ngoài sở hữu đất đai.

- Giảm thời gian sở hữu đất từ 5 năm xuống còn 3 năm; Ngoài ra, thực hiện rút quyền sở hữu của các chủ sở hữu đất nông nghiệp kém hiệu quả.

Mục đích: Thiết lập trật tự trong lĩnh vực đất nông nghiệp.

Nguyên nhân: (i) Thời gian sở hữu đất đai của Nga chưa được quản lý chặt chẽ; (ii) Người nước ngoài sở hữu hoặc thuê 12 triệu ha đất nông nghiệp ở nước này, mà đây được cho là những đối tượng khó quản lý về quyền sở hữu đất; Xuất hiện tình trạng gian lận đất đai; (iii) Việc sử dụng đất tại Nga vẫn chưa hiệu quả; (iv) Tính riêng ở khu vực các trung tâm thành phố của Nga, đã thống kê được 5 triệu ha đất sử dụng không đúng mục đích.

Argentina: Ngày 1/12, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Argentina Alfonso Prat Gay đã công bố 10 giải pháp ngắn hạn nhằm giải quyết những khó khăn của nền kinh tế, bao gồm:

(1) Bỏ trần tỷ giá hối đoái để loại bỏ thị trường đổi tiền tự do;

(2) Giảm 5% thuế xuất khẩu đậu tương, bãi bỏ thuế đối với các nông phẩm còn lại (chính sách này sẽ khiến giá lương thực tăng 80% trong những tháng tới);

(3) Giải quyết các vụ kiện với chủ nợ tại Tòa án New York;

(4) Phát hành trái phiếu để tìm kiếm nguồn ngoại tệ;

(5) Xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở miền Bắc từ nguồn đầu tư công trị giá 16 tỷ USD và quỹ tái thiết trị giá 50 tỷ USD;

(6) Bỏ trợ giá điện và khí đốt (chính sách này sẽ giải quyết 1 phần tình trạng thâm hụt ngân sách);

(7) Trợ giá các mặt hàng cơ bản trong gói tiêu dùng thêm 6 tháng;

(8) Xem xét lại hợp đồng lao động thuộc khối nhà nước;

(9) Tăng lương trong năm 2016;

(10) Giải quyết vấn đề về lạm phát.

Nguyên nhân: Nền kinh tế Argentina đang tồn tại những khó khăn về: (i) Thâm hụt ngân sách; (ii) Thiếu vốn đầu tư; (ii) Giải quyết nợ nước ngoài …

Trong trường hợp nguồn thu không đạt được như mong muốn, chính phủ mới sẽ bắt buộc phải áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Tuy nhiên, những chính sách khắc khổ thường để lại những tác động tiêu cực. Một rủi ro nữa đó là việc phụ thuộc vào nguồn tiền từ bên ngoài.