Sự kiện kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 13-18/6/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

Tăng trưởng

OECD dự báo, trong 2 năm (2016 - 2017), Việt Nam sẽ dẫn đầu ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) về tốc độ tăng trưởng kinh tế, lần lượt đạt 6,3% và 6,1%, với động lực chính là nhu cầu nội địa. (Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế 6 tháng khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ 2016 của OECD công bố ngày 14/6)

Dịch vụ

Đầu tư cho quảng bá du lịch của Việt Nam khoảng 2 triệu USD/năm, chỉ bằng 2,9% của Thái Lan, 2,5% của Singapore, 1,9% của Malaysia. Về số lượng khách du lịch quốc tế, Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, với 7,94 lượt khách du lịch trong năm năm 2015, bằng 27% so với Thái Lan; 31% so với Malaysia và 52% so với Singapore. (Theo Thông tấn xã Việt Nam ngày 10/6 dẫn số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam)

Doanh nghiệp

Trong tháng 5/2016, lượng xe tiêu thụ của toàn thị trường đạt 26.028 xe, tăng 1% so với tháng 4, nhưng tăng 45% so với cùng kỳ năm 2015. Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng lượng tiêu thụ của toàn thị trường đạt 111.442 xe, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, các loại xe du lịch đạt 61.568 chiếc, tăng 22%; các loại xe thương mại đạt 41.980 chiếc, tăng 42%; các loại xe chuyên dụng đạt 7.894 chiếc, tăng 59%. (Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam - VAMA)

Việt Nam có 10 thương hiệu lọt vào danh sách nhóm 1000 thương hiệu hàng đầu châu Á, gồm: Vietjet Air (đứng vị trí 490), Viettel (501), Petrolimex (512), Vinamilk (558), Mobifone (605), Trung Nguyên (626), Hảo Hảo (654), Vietnam Airlines (708), Vietcombank (753) và P/S (807). Ngoài ra, Samsung của Hàn Quốc tiếp tục là thương hiệu được ưa chuộng nhất tại khu vực châu Á trong năm thứ sáu liên tiếp; tiếp theo là Apple của Hoa Kỳ (tăng 2 bậc so với năm 2015), Sony, Nestle và Panasonic.

(Theo Báo cáo thường niên Top 1000 thương hiệu hàng đầu châu Á được Hãng Nielsen công bố ngày 14/6)

Tổng cầu

Ngân sách
nhà nước

Trong 5 tháng đầu năm 2016, thu NSNN do cơ quan thuế quản lý đạt 337.105 tỷ đồng, tương đương 41,6% dự toán. Đáng chú ý:

- Thu từ dầu thô đạt 15.890 tỷ đồng, bằng 29,2% dự toán và chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm 2015, do giá dầu bình quân 5 tháng đầu năm ước đạt 38,1 USD/thùng, giảm 21,9 USD/thùng so với giá dự toán, giảm 35,7% so với cùng kỳ năm 2015.

- Thu từ cổ tức và lợi nhuận phát sinh chỉ đạt hơn 13.500 tỷ đồng, tương đương hơn 25% dự toán, chủ yếu do nhiều công ty chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên.

(Theo Tổng cục Thuế ngày 15/6)

Xuất nhập khẩu

Trong tháng 5/2016, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 1,75 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2015. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 67,71 tỷ USD, tăng 6,6% so cùng kỳ năm 2015. Xét về thị trường, trong tháng 5/2016, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt kim ngạch cao nhất 3,4 tỷ USD, tăng 6%; sang EU đạt 936 triệu USD, tăng 8,2%; sang Nhật Bản đạt 845,17 triệu USD, tăng 1,56% và sang Hàn Quốc đạt 677,2 triệu USD, tăng 15,23% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Báo Hải quan ngày 14/6 dẫn số liệu từ Bộ Công Thương)

Tính đến hết tháng 5/2016, Việt Nam xuất siêu 1,63 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 67,44 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 47,13 tỷ USD, tăng 9,4%so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 69,9% tổng trị giá xuất khẩu. Tổng kim nhập khẩu đạt gần 65,81 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2015.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 15/6)

Trong năm 2015, Việt Nam đã gia tăng thị phần thương mại tại EU so với các nước Đông Nam Á khác. Theo đại diện EU tại Singapore, trong năm 2015, tổng kim ngạch thương mại EU - Việt Nam chiếm 19,1% trong tổng kim ngạch EU - ASEAN, tăng đáng kể so với 15,8% của năm 2014.

Hãng tin Bloomberg nhận định, xu hướng này sẽ tiếp tục được đẩy mạnhsau khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU có hiệu lực. Việt Nam là nước thứ hai trong ASEAN sau Singapore đạt được FTA với EU.

Cân đối vĩ mô

Tín dụng

Tính đến 30/4/2016, tổng tài sản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng đạt 7.526.843 tỷ đồng, tăng 22.301 tỷ đồng so tháng 3, tăng 207.530 tỷ đồng (tương đương tăng 2,84%) so với cuối năm 2015. Theo đó, tổng tài sản của khối NHTM cổ phần tăng 23.124 tỷ đồng lên 3.022.392 tỷ đồng; của khối NHTM nhà nước tăng thêm 10.922 tỷ đồng lên 3.347.054 tỷ đồng; vốn tự có của toàn hệ thống đạt 591.854 tỷ đồng, tăng 9.037 tỷ đồng so với tháng 3 và tăng 13.834 tỷ đồng (tương đương tăng 2,39%) so với cuối năm 2015. (Theo Ngân hàng Nhà nước)

Tính đến ngày 31/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 5,48%, tăng 17,59% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Thông tấn xã Việt Nam ngày 11/6 dẫn nguồn từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước)

Tính đến ngày 31/5/2016, đã có gần 6,8 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với tổng dư nợ 147.819 tỷ đồng. Trong hơn 13 năm qua, đã có hơn 28,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay với tổng doanh số cho vay đạt trên 356 nghìn tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 4 triệu hộ thoát nghèo; tạo việc làm mới cho trên 3,2 triệu lao động, trong đó trên 107 nghìn lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài… (Theo Ngân hàng Chính sách xã hội ngày 16/6)

Giai đoạn 2011 - 2015, tài sản có rủi ro của khối NHTM nhà nước (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank) tăng trung bình 19,4%/năm, cao hơn mức tăng 15,43%/năm của vốn tự có, khiến hệ số an toàn vốn (CAR) của khối giảm từ 10,8% năm 2011 xuống 9,4% (gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước), thấp hơn mức bình quân của ASEAN là 10,3%. Nguyên nhân là do: (i) Khả năng sinh lời của các NHTM nhà nước giảm. Tỷ lệ NIM (đã trừ dự phòng rủi ro) từ 2,5% năm 2011 giảm xuống 2,2% năm 2012 và giảm còn 1,7 - 1,8% giai đoạn 2013 - 2015. (ii) Ngành ngân hàng áp dụng các chuẩn mực thông lệ quốc tế theo Basel trong tính toán CAR, làm giảm tốc độ tăng vốn tự có, đồng thời làm tăng tốc độ tăng tài sản có rủi ro, gây tác động tiêu cực đến CAR. (Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu ngân hàng BIDV ngày 12/6)

Thị trường giá cả

Giá sữa trong nước dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tháng 5/2016 ổn định so với tháng 4/2016. Trong tháng 5/2016, có 3 sản phẩm sữa mới dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được công bố giá tối đa và giá kê khai. Tính từ ngày 01/6/2014 đến 31/5/2016, đã có 848 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và sở tài chính các địa phương. Dự báo trong tháng 6/2016, giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tiếp tục ổn định. (Theo Tạp chí Tài chính ngày 14/6 dẫn số liệu từ Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính)

Dự trữ ngoại hối

Từ tháng 1 đến nửa đầu tháng 6/2016, Ngân hàng Nhà nước đã mua gần 8 tỷ USD, nâng số dư quỹ dự trữ ngoại hối lên khoảng 38 tỷ USD, không kể dự trữ bằng vàng, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. (Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 14/6 dẫn nguồn từ Ngân hàng Nhà nước)

Giá vàng

Trong tuần qua, với 4 ngày giảm giá và 2 ngày tăng giá, giá vàng SJC đã giảm tổng cộng khoảng 60 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (18/6) giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh là 34,2 - 34,5 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 34,2 - 34,52triệu đồng/lượng, giảm 150 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

- Tập đoàn Doji: 34,34 - 34,44 triệu đồng/lượng, giảm 110 nghìn đồng/lượng ở mỗi chiều.

- Bảo Tín Minh Châu: 34,35 - 34,43 triệu đồng/lượng, giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã giảm 21 đồng với 3 ngày giảm giá và 3 ngày tăng giá. Trong ngày giao dịch cuối tuần (18/6), tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại không có nhiều biến động.

- Vietcombank: 22.260 - 22.330 đồng, không thay đổi.

- Vietinbank: 22.265 - 22.335 đồng, không thay đổi

- BIDV: 22.2360 - 22.330 đồng, giảm 10 đồng ở cả hai chiều.

- ACB và DongABank: 22.270 - 22.330 đồng, không thay đổi.

- Eximbank: 22.280 - 22.340 đồng, không thay đổi.

- Techcombank: 22.260 - 22.340 đồng, giảm 10 đồng chiều mua vào, chiều bán ra không thay đổi.

Thị trường tài sản

Trái phiếu

Trong tuần từ 13 - 17/6/2016, HNX đã tổ chức 3 phiên đấu thầu TPCP. Cụ thể:

- Ngày 15/6, HNX đã tổ chức đấu thầu TPCP do KBNN phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 8.300 tỷ đồng, gồm 2 loại kỳ hạn: 5 năm (7.000 tỷ đồng); 10 năm (1.300 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 5.257 tỷ đồng (75,1%) , lãi suất trúng thầu 6,07%/năm.

+ Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 1.300 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 6,1%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 01/6/2016, KBNN đã huy động thành công 169.600,8566 tỷ đồng TPCP.

- Ngày 16/6, HNX đã tổ chức đấu thầu TPCP bảo lãnh do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 2.000 tỷ đồng, gồm 3 loại kỳ hạn: 3 năm (700 tỷ đồng); 5 năm (1.000 tỷ đồng) và 15 năm (300 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 3 năm: Huy động được 250 tỷ đồng (35,7%), lãi suất trúng thầu 5,9%/năm.

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 6,48%/năm.

+ Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 300 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 8,1%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 17/6/2016, Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động thành công 2.150 tỷ đồng TPCP bảo lãnh.

- Ngày 17/6, HNX đã tổ chức đấu thầu TPCP bảo lãnh do Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 5.000 tỷ đồng, gồm 2 loại kỳ hạn: 3 năm (3.000 tỷ đồng) và 5 năm (2.000 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 3 năm: Huy động được 3.000 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 5,74%/năm.

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 2.000 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 6,25%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 17/6/2016, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã huy động thành công 5.000 tỷ đồng TPCP bảo lãnh.

Trong quý 2/2016, kế hoạch huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển từ phát hành TPCP dự kiến là 70 - 80 nghìn tỷ đồng. Trong đó kỳ hạn 10 đến 30 năm là 23.000 tỷ đồng. Năm 2016, tổng khối lượng TPCP phát hành theo kế hoạch là 220.000 tỷ đồng. Trong đó tổng kỳ hạn 3 năm và 5 năm là 166.000 tỷ đồng; tổng kỳ hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm là 54.000 tỷ đồng. (Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 15/6 dẫn nguồn từ Kho bạc Nhà nước)

Cổ phiếu

Tổng Công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) sẽ tiến hành bán đấu giá 42,5 triệu cổ phần (tương đương 18% vốn điều lệ) lần đầu ra công chúng (IPO) tại HNX vào ngày 22/6 với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần. Vinapharm hoạt động trong các lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế; nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dược. Hiện doanh nghiệp được định giá 1.547 tỷ đồng.

Trong tuần từ 13 - 17/6/2016, nhóm cổ phiếu dầu khí và nhiều mã bluechip điều chỉnh giảm mạnh khiến thị trường giao dịch thiếu tích cực. Tính chung cả tuần:

- VN-Index giảm 10,59 điểm (1,68%) xuống 619,25 điểm.

- HNX-Index giảm 0,93 điểm (1,1%) xuống 83,92 điểm.

Cùng với việc loại bớt và giảm tỷ trọng nắm giữ một số cổ phiếu của các quỹ ETF, tuần qua, khối ngoại đã bán ròng mạnh. Tổng cộng trên hai sàn,khối ngoại đã bán ròng 36,9 triệu đơn vị, trị giá 571,46 tỷ đồng.

- HOSE:Khối ngoại đã thực hiện 5 phiên bán ròng liên tiếp, với khối lượng 35,92 triệu đơn vị, tổng giá trị 567,87 tỷ đồng.

- HNX:Khối ngoại chỉ thực hiện 1 phiên bán ròng duy nhất vào ngày 17/6. Tính chung cả tuần, khối này đã bán ròng 972.782 đơn vị với tổng giá trị 3,59 tỷ đồng.

Đàm phán - Ký kết

ADB và OCB

Ngày 15/6, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và NHTM cổ phần (OCB) đã ký kết Chương trình tài trợ thương mại (TFP) của ADB. Theo đó, ADB sẽ cung cấp bảo lãnh 20 triệu USD mỗi năm để hỗ trợ hoạt động thương mại ở Việt Nam. Đến nay, Chương trình TFP đã thực hiện 4.479 giao dịch, hỗ trợ các hoạt động thương mại trị giá hơn 6,9 tỷ USD ở Việt Nam. Trong đó có khoảng 75% là tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với sự tham gia của OCB, chương trình TFP hiện có 12 ngân hàng đối tác tại Việt Nam.

Đức và Việt Nam

Ngày 15/6, Quỹ VOF của VinaCapital và Quỹ DEG của Tập đoàn KfW (Đức) cho biết sẽ đầu tư 30 triệu USD (trên 600 tỷ đồng) vào Công ty cổ phần Gỗ An Cường. Trong đó, VOF tham gia 70% và DEG là 30%; được chia thành 2 giai đoạn. Hiện tại, đã giải ngân xong giai đoạn 1 với trị giá 18 triệu USD; giai đoạn 2 sẽ được giải ngân theo kế hoạch kinh doanh của An Cường. Mức đầu tư vào An Cường đã nâng tổng số vốn của VOF tại Việt Nam lên gần 2 tỷ USD. DEG hiện đang quản lý danh mục đầu tư lên đến 2,6 tỷ EUR tại châu Á và đang có kế hoạch đầu tư tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam lên đến 100 triệu USD.

Chính sách

Nghị định số 52/2016/NĐ-CP

Ngày 13/6/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2016/NĐ-CP quy định về tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Đối với tập đoàn kinh tế, hệ số lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách từ 8,80 - 9,10; Tổng giám đốc hoặc Giám đốc là 8,50 - 8,80; Kế toán trưởng là 7,76 - 7,90… Với tổng công ty đặc biệt, hệ số lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách là 8,20 - 8,50; Tổng giám đốc hoặc Giám đốc là 7,85 - 8,20… Với những người quản lý công ty không chuyên trách, thù lao được tính theo công việc và thời gian làm việc, nhưng không vượt quá 20% tiền lương của người quản lý công ty chuyên trách…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2016; các chế độ được quy định tại Nghị định được áp dụng từ ngày 01/01/2016.

Nghị định số 53/2016/NĐ-CP

Ngày 13/6/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2016/NĐ-CP quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.

- Đối với người quản lý công ty chuyên trách, quỹ tiền lương được căn cứ vào quỹ tiền lương kế hoạch, các chỉ tiêu theo quy định và mức độ hoàn thành lợi nhuận kế hoạch, trong đó nếu lợi nhuận thực hiện vượt lợi nhuận kế hoạch, người quản lý được tính thêm 2% tiền lương tương ứng với 1% lợi nhuận vượt, nhưng tối đa không quá 20% mức tiền lương bình quân kế hoạch. Với người quản lý công ty không chuyên trách, quỹ thù lao được xác định trên cơ sở số lượng người quản lý công ty, thời gian thực tế làm việc và mức thù lao tối đa bằng 20% mức tiền lương của người quản lý công ty chuyên trách.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2016.