Sự kiện kinh tế thế giới tuần từ 30/12/2013 - 5/1/2014
(Tài chính) Đại gia Trung Quốc muốn mua lại New York Times, Nga giành vị trí ngôi đầu về xuất khẩu dầu thô, Hàn Quốc - Trung Quốc chuẩn bị vòng đàm phán thứ 9 về FTA... đó là một số sự kiện kinh tế thế giới nổi bật trong tuần.
Eurozone đón thành viên thứ 18
Vào 22 giờ GMT ngày 31/12/2013, Latvia chính thức trở thành thành viên thứ 18 của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Tuy nhiên, Chính quyền Latvia đã phải đối mặt với sự phản đối từ phía người dân nước này, phần lớn người dân lo ngại việc gia nhập Eurozone sẽ làm giá cả tăng cao.
Ngoài ra, người dân Latvia coi đồng tiền riêng như một biểu tượng mạnh mẽ cho nền độc lập, và họ không muốn từ bỏ để dùng đồng Euro.
Trước đó, để đạt được thỏa thuận về việc nhận một khoản cứu trợ quốc tế trị giá 10,3 tỷ USD tránh nguy cơ vỡ nợ, và đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt cho việc gia nhập Eurozone, chính quyền Latvia phải thực thi các chương trình kinh tế khắc khổ, cắt giảm chi tiêu, điều này đã gây bất bình đối với người dân.
Nhưng, về phía lãnh đạo của Latvia thì coi đây đây là cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Và các chương trình kinh tế khắc khổ sẽ là mấu chốt để tránh vỡ nợ và là cơ hội cho sự phát triển trong tương lai.
Malaysia sẽ cắt giảm chi tiêu khu vực công - chuẩn bị 10 gói hỗ trợ người dân đối phó với tình trạng tăng giá
Ngày 30/12, Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak đã công bố 11 biện pháp biện pháp cắt giảm chi tiêu, và sẽ bắt đầu từ 1/1/2014.
Trong số đó, phụ cấp giải trí của các bộ trưởng và thứ trưởng, cán bộ chính quyền cấp cao từ hạng C trở lên sẽ bị cắt giảm từ 5-10%. Trợ cấp trang bị điện thoại của các quan chức cao cấp chính phủ cũng sẽ giảm 30 USD.
Ngoài ra, các tiêu chuẩn sử dụng vé máy bay trong nước và quốc tế đối với công chức; chi phí thuê văn phòng, điện… của các Bộ, ngành, cơ quan chính phủ cũng sẽ được cắt giảm. Các hoạt động liên quan đến việc tổ chức sự kiện, hội nghị… cũng được cắt giảm và tiết kiệm triệt để.
Hơn nữa, Chính phủ Malaysia cũng sẽ thắt chặt việc bổ nhiệm các cố vấn cho các dự án của chính phủ, theo đó, việc bổ nhiệm các chuyên gia sẽ phải được trình lên Ủy ban Kế hoạch Phát triển Quốc gia do Tổng thư ký nội các Malaysia chủ trì phê duyệt trước…
Để giảm thâm hụt ngân sách quốc gia, Chính phủ đã cắt giảm trợ cấp với một số mặt hàng khiến giá của ba loại mặt hàng dầu, đường và điện đều tăng.
Ngày 3/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Malaysia, ông Ahmad Maslan cho biết, Chính phủ Malaysia đã chuẩn bị 10 gói trợ giúp người dân Malaysia (BR1M) nhằm giúp người dân không bị ảnh hưởng lớn bởi việc tăng giá ba mặt hàng này.
Trong đó, gồm sáu loại trợ cấp cơ bản: hỗ trợ nông dân, ngư dân, công nhân dầu cọ và cạo mủ cao su; cắt giảm thuế thu nhập; trợ cấp y tế; hỗ trợ giáo dục; dự án nhà ở với mức giá vừa phải; hỗ trợ người nghèo; cấp kinh phí phát triển của các doanh nhân cũng như tăng lương và tiền thưởng cho cán bộ, công chức.
Hàn Quốc - Trung Quốc chuẩn bị vòng đàm phán thứ 9 về FTA
Ngày 2/1, Đại diện Hàn Quốc và Trung Quốc cho biết, từ 6-10/1 tại Tây An, Thiểm Tây, Tây Bắc Trung Quốc, hai nước sẽ tiến hành vòng đàm phán mới về Thỏa thuận thương mại tự do song phương (FTA).
Tiếp theo dự thảo về thỏa thuận thương mại và mức độ tự do hóa hàng hóa trong vòng đàm phán trước đó, lần đàm phán này, vấn đề mức độ tự do hóa hàng hóa, và danh sách mặt hàng được tự do hóa sẽ được hai bên tập trung bàn bạc và thảo luận cụ thể.
Ngoài ra, vấn đề mở cửa dịch vụ và thị trường đầu tư của hai bên cũng được chuyên viên hai nước quan tâm và thảo luận.
Trước đó, tại 7 vòng đàm phán, hai bên đã nhất trí xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 90% sản phẩm tính về số lượng và đối với 85% hàng hóa tính về giá trị.
Được biết, kim ngạch thương mại song phương năm 2012 của hai nước đạt đạt 256 tỷ USD.
Nga trở thành nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới
Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Nga công bố ngày 2/1, Nga đã chính thức vượt qua Saudi Arabia để trở thành quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, với sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ khoảng 10,5 triệu thùng/ngày, đưa tổng sản lượng trong năm 2013 lên mức kỷ lục hơn 523 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2012.
Ngoài ra, tổng sản lượng khí đốt tự nhiên trong năm 2013 tăng lên mức 668 tỷ m3 (tương đương tăng 2,1%).
Theo Reuter, lần này Nga dành vị trí quán quân, là có sự đóng góp rất lớn của Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Rosneft và Tập đoàn Gazprom, hai tập đoàn hàng đầu về dầu mỏ trên thế giới.
Trước sự cạnh tranh để giữ được vị trí hàng đầu hiện nay, Nga sẽ phải có những kế hoạch hợp lý hơn nữa cho việc phát triển năng lượng lâu dài.
Ông Chen Guangbiao |
Đại gia Trung Quốc khó mua được New York Times với giá 1 tỷ USD
Ngày 2/1, Kênh truyền hình Mỹ CNN đưa tin, Chen Guangbiao một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực vật liệu tái chế của Trung Quốc tuyên bố sẽ mua lại tờ báo New York Times của Mỹ.
Theo ông Chen, ý định mua lại New York Times là rất nghiêm túc, và ông đã có ý định này từ cách đây 2 năm. Ông Chen cho biết, ông hoàn toàn có thể mua được quyền kiểm soát New York Times với giá 1 tỷ USD với sự hợp tác của một số tỷ phú khác ở Hồng Kông.
Tuy nhiên, mong muốn này của ông Chen có lẽ sẽ khó thành hiện thực, bởi quyền kiểm soát tờ New York Times không được mua đi bán lại trên thị trường.
Được biết, dòng họ Ochs-Sulzberger đã kiểm soát và điều hành tờ New York Times hơn 100 năm qua, thông qua cổ phiếu hạng B không được giao dịch trên bất kỳ thị trường chứng khoán nào. Và tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch của New York Times, ông Arthur Sulzberger Jr. cũng đã khẳng định sẽ không bán đi tờ báo này.
Nhưng trước thông tin về tình hình tài chính không mấy khả quan của New York Times gần đây, câu hỏi về khả năng mua được quyền kiểm soát New York Times của ông Chen, nếu New York Times đưa ra mức giá cao hơn mức giá cổ phiểu hiện nay, vẫn chưa thể trả lời.
Ông Chen Guangbiao là 1 trong 400 người giàu nhất Trung Quốc với tài sản trị giá 740 triệu USD năm 2012.