3 khâu đột phá chiến lược cho Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam

PV. (T/h)

Nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong thời gian tới, cần tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược (xây dựng và hoàn thiện thể chế; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số…).

Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng KTTĐ phía Nam.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng KTTĐ phía Nam.

Cực tăng trưởng với quy mô GRDP chiếm tỷ trọng cao nhất trong GDP cả nước

Ngày 9/7, tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo tổng kết, thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đông Nam Bộ đã có những chuyển biến hết sức tích cực, qua đánh giá sơ bộ đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Vùng tiếp tục là cực tăng trưởng với quy mô GRDP chiếm tỷ trọng cao nhất trong GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng, tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng cao; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ, năng suất lao động đạt mức cao nhất cả nước. Năng suất lao động đạt mức cao nhất cả nước. Kinh tế tư nhân của Vùng phát triển năng động, mạnh mẽ; là địa bàn thu hút FDI, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn nhất cả nước.

Hiện nay, Vùng đang dần trở thành "bệ đỡ" cho phát triển Vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long; là cửa ngõ giao thương của khu vực phía Nam và cả nước. Diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại; tốc độ đô thị hóa nhanh, làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong Vùng. Hệ thống đô thị đã được phát triển và phân bố hợp lý tạo sự liên kết mang tính hệ thống giữa các đô thị trong Vùng. Tỉ lệ lao động qua đào tạo cao ở mức hàng đầu cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có bước chuyển biến tích cực theo hướng phục vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước...

Nhìn nhận đúng đắn, đầy đủ các thách thức

Các ý kiến tại Hội nghị cũng cho rằng, Vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Vùng có đầy đủ điều kiện để đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số; sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính ngân hàng, bất động sản, khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; nâng cao khả năng kết nối hạ tầng Vùng, tạo động lực liên kết, lan toả thúc đẩy hợp tác và phát triển với các Vùng lân cận. Đồng thời, phải nhìn nhận đúng đắn, đầy đủ các thách thức đang đặt ra đối với nước ta nói chung và với Vùng nói riêng.

Theo đánh giá, công nghiệp của Vùng phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững và đồng bộ; chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; phân bố các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa hợp lý; các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Kết cấu hạ tầng vùng, liên Vùng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tính kết nối và đồng bộ còn yếu. Hệ thống giao thông quá tải, tắc nghẽn. Tình trạng ngập úng thường xuyên. Một số công trình trọng điểm như sân bay Long Thành (giai đoạn 1), di dời cảng trong khu vực TPHCM, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có... còn chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra. Hạ tầng xã hội chưa theo kịp sự phát triển. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế. Tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đạt mục tiêu, chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Vùng...

Tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thực tiễn đã khẳng định Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW là đúng hướng, đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, củng cố niềm tin với Đảng và Nhà nước. Trong tình hình, bối cảnh mới, căn cứ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn, cần xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết mới xứng tầm, phù hợp thực tiễn hơn về phát triển Vùng.

Về đánh giá, nhận định tình hình, bối cảnh thời gian tới, Thủ tướng lưu ý những vấn đề trước mắt như cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát, giá cả nguyên vật liệu tăng cao trên toàn cầu…; những vấn đề lâu dài như an ninh thông tin, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, phân hóa giàu nghèo…

Về các định hướng thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, cần tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược (xây dựng và hoàn thiện thể chế; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số…).

Đồng thời, cách thức tổ chức thực hiện liên kết cần chặt chẽ, hiệu quả hơn, cần một cơ chế điều phối, "nhạc trưởng" cho liên kết vùng phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, nâng cao tính tự lực, tự cường của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị…

Các bộ ngành tích cực, chủ động phối hợp, xử lý các vấn đề đặt ra với các địa phương trong Vùng, không để các địa phương phải "chạy lên chạy xuống" nhiều lần mà không giải quyết được vấn đề. Thủ tướng cho biết vừa qua đã chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp tích cực, chặt chẽ, hiệu quả để giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư, thúc đẩy nhiều dự án đầu tư lớn.

Thủ tướng nhấn mạnh cần có các cơ chế, chính sách hiệu quả để huy động và sử dụng các nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội. Đồng thời, phát triển hài hòa giữa chính trị, kinh tế, văn hóa, môi trường, an sinh xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả.

Để đạt được các mục tiêu đề ra trong phát triển Vùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số định hướng, giải pháp trọng tâm. Theo đó, phát triển nhanh và bền vững kinh tế Vùng; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng quy hoạch, phát triển và đẩy mạnh liên kết Vùng.

Cùng với đó, tập trung phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xem đây là động lực phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng phát triển văn hóa-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Việc phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các địa phương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trước mắt như ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; tập trung hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine COVID-19 cho các đối tượng chỉ định và đánh giá miễn dịch cộng đồng; khắc phục các vấn đề liên quan tới y tế dự phòng, y tế cơ sở, nhất là bảo đảm thuốc điều trị để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tập trung triển khai các chương trình phục hồi và phát triển, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy các dự án trọng điểm của Vùng như đường vành đai 2, 3, chuẩn bị khởi động đường vành đai 4 Vùng TP. Hồ Chí Minh; hoàn thành dứt điểm công tác quy hoạch; nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, chủ động ứng phó với các vấn đề đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra.

Hội nghị được tổ chức tại hai đầu cầu TP. Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ. Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; các chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học.