6 khuyến nghị ưu tiên giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình “chuyển đổi xanh”

Theo Lan Anh/kinhtemoitruong.vn

Để thực hiện các cam kết về chuyển dịch năng lượng công bằng, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình sản xuất năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu suất năng lượng. Đồng thời, cần có một chiến lược tài chính khí hậu sáng tạo cho các dòng tài chính xanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Biến đổi khí hậu, suy thoái hệ sinh thái tự nhiên, đại dịch COVID-19 đã trở thành “khủng hoảng kép”, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, sản xuất, kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp, tham mưu để Đảng và Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược dài hạn cho giai đoạn phát triển mới của đất nước như: Nghị quyết số 36/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao...".

Tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh.

Đồng thời tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường “xanh”, hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đây là xu thế phát triển phù hợp với “Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong 15 năm tới”.

Song việc giảm mức phát thải bằng 0 trong vòng chưa đầy 30 năm có thể là nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt khi Việt Nam đồng thời phấn đấu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045…

Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục chú trọng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân cùng với sự phát triển bền vững đưa lên hàng đầu để phát triển đất nước theo hướng bền vững.

Các địa phương, các ngành cần chú trọng, dành nhiều quỹ đất cây xanh theo đúng Luật quy hoạch cũng như các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định hiện hành; kiên quyết giữ quỹ đất cây xanh và phải phát triển cây xanh trong đô thị, các khu vực.

Cần tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, cacbon thấp.

Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc- UNDP tại Việt Nam, trước đây Việt Nam đã chứng tỏ khả năng đã đạt được các mục tiêu quan trọng trong khoảng thời gian ngắn.

Trong đó, bao gồm các chính sách kinh tế trong quá trình Đổi mới đã đưa 40 triệu người Việt Nam thoát nghèo trong chưa đầy 2 thập kỷ. Gần đây và đáng kể là Việt Nam chỉ trong vài năm đã trở thành một quốc gia dẫn đầu ở Đông Nam Á về năng lượng mặt trời.

Để đạt được mục tiêu của Việt Nam về mức phát thải ròng bằng 0, Bà Caitlin Wiesen đã chia sẻ 6 hành động ưu tiên để cân nhắc được đúc rút từ các bài học kinh nghiệm trên thế giới, nhằm thúc đẩy sứ mệnh mới cho một cuộc “đổi mới xanh”.

Thứ nhất, Việt Nam cần tăng cường luật pháp về khí hậu để hướng dẫn và thực thi các hành động khí hậu trong nước, hướng tới các mục tiêu quốc gia về phát thải bằng 0.

Thứ hai, để thực hiện các cam kết về chuyển dịch năng lượng công bằng, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình sản xuất năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu suất năng lượng, và bảo vệ người lao động và những người dễ bị tổn thương. Việt Nam có tiềm năng to lớn để tăng trưởng năng lượng tái tạo, cũng như tiềm năng lớn về năng lượng gió, đặc biệt là gió ngoài khơi.

Thứ ba, bà Caitlin Wiesen cho rằng Việt Nam cần có một chiến lược tài chính khí hậu sáng tạo và chuyên dụng để tạo điều kiện cho các dòng tài chính xanh từ tất cả các nguồn đầu tư và phát triển.

Thứ tư, cần một khung và cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn có tính hệ thống và gắn kết hơn để hỗ trợ phát triển kinh tế ít phát thải carbon hơn và chống chịu với khí hậu.

Theo đó kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn cần sớm được sớm ban hành để hướng dẫn cho các hành động kinh tế tuần hoàn trên toàn quốc, đặc biệt là về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Chuyên gia này khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường các chính sách và biện pháp về sản xuất, tiêu thụ và tái chế nhựa.

Thứ năm, bà Caitlin Wiesen cho rằng phát triển dựa vào thiên nhiên là con đường bền vững của Việt Nam. Trong bài phát biểu tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục nhắc lại rằng “mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy con người làm trọng tâm, vì họ là chủ thể và động lực của phát triển bền vững, để không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Các giải pháp dựa vào thiên nhiên mang lại những lợi ích đầy hứa hẹn cho Việt Nam, trong đó có lợi ích về tăng cường an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu; cải thiện việc làm và sinh kế dựa vào thiên nhiên.

Thứ sáu, Việt Nam cần phấn đấu để chuyển đổi bao trùm, đặt con người và công bằng xã hội vào trung tâm của mọi chính sách. Việc thực hiện chuyển đổi bao trùm công bằng sẽ tối đa hóa các tác động tích cực về kinh tế xã hội; đồng thời đảm bảo lợi ích công bằng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đưa ra các biện pháp để bảo vệ cộng đồng địa phương và người lao động khỏi các tác động bất lợi khi hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Theo Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen, trên toàn cầu, các quốc gia đã xây dựng các luật dài hạn về biến đổi khí hậu. Các luật này có thể coi là thực hành tốt và thúc đẩy cách tiếp cận toàn xã hội để đạt được các tham vọng mới về khí hậu. Cần xây dựng một luật khí hậu toàn diện để tạo điều kiện cho những sáng kiến đột phá, tránh chồng chéo chính sách và cơ chế không cần thiết. Việt Nam cũng cần tiếp tục cung cấp các dịch vụ thông tin về khí hậu cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người chịu gánh nặng của các tác động bởi khí hậu.

"Ước tính, Việt Nam sẽ cần 330-370 tỷ USD để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Con số này đòi hỏi cả nguồn tài chính công và tư từ trong nước và quốc tế. Cần xây dựng các chương trình tài chính và cơ sở mới để thu hút và tạo ra nguồn tài chính xanh, ví dụ hệ thống giao dịch kết quả giảm phát thải, thị trường carbon, trái phiếu xanh", bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.