Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Tiếp tục hoàn chỉnh Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với chất lượng và hiệu quả cao nhất

PV.

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về Dự thảo Luật Quản lý thuế chiều ngày 15/11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục xin ý kiến và nghiên cứu, tiếp thu để làm rõ, hoành chỉnh để Dự thảo Luật có chất lượng và triển khai với hiệu quả cao nhất, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế là cần thiết

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) bày tỏ sự thống nhất cao với nội dung Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Luật Quản lý thuế đã được Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 10 thông qua và đã được sửa đổi, bổ sung qua ba lần, năm 2012, năm 2014 và đây là lần thứ tư tiếp tục sửa đổi, bổ sung.

Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế lần này là hết sức cần thiết nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu mới đặt ra trong công tác quản lý thuế khoa học, chặt chẽ, theo xu hướng hiện đại và phù hợp với các chuẩn mực của quốc tế. Qua đó, hướng đến mục tiêu thuế là nguồn thu chính, nguồn thu chủ lực, bảo đảm cho nguồn chi tiêu cho ngân sách của một quốc gia. Vì vậy, việc xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp trong việc tạo nguồn thu, quản lý nguồn thu và nuôi dưỡng nguồn thu, phát triển nguồn thu một cách ổn định và bền vững là rất cần thiết.

Làm rõ vai trò của các cơ quan liên quan trong quản lý thuế

Đóng góp ý kiến về nhiệm vụ quyền hạn của các bộ, cơ quan trong Dự thảo Luật, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, Dự thảo Luật đã quy định rất cụ thể nội dung này, đặc biệt là nhiệm vụ quyền hạn của ngành Ngân hàng. Theo đại biểu Thơ, thời gian qua các ngân hàng thương mại đã cung cấp các thông tin về tài khoản doanh nghiệp, cá nhân khi cơ quan thuế có yêu cầu. Tuy nhiên, trong thực tế, một cá nhân có thể có nhiều tài khoản khác nhau, nếu không kiểm soát chặt chẽ các tài khoản này sẽ gây thất thu thuế. Do đó, cần có sự chỉ đạo, sự vào cuộc và phối hợp của chính quyền các cấp, các ngành để hỗ trợ cơ quan thuế trong quản lý thuế.

Đại biểu Thơ cũng đề nghị cần quy định cụ thể hơn các bộ có liên quan phối hợp quản lý thuế, bởi trên thực tế vẫn còn một số bộ, ngành cũng phải có trách nhiệm liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế, nộp tiền vào ngân sách nhà nước như: Bộ Khoa học và Công nghệ có các hoạt động liên quan đến chuyển giao công nghệ; Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch có các hoạt động liên quan đến du lịch tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước…

Làm rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật hiện hành đã quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế trong việc cung cấp tài khoản ngân hàng. Theo luật mẫu của IMF hay của các nước OECD khuyến nghị thì Việt Nam phải có quy định nêu trên và chế tài sao cho phù hợp; Đặc biệt, trong điều kiện nước ta đang phát triển giao dịch điện tử cũng như thương mại qua biên giới, ngân hàng là cổng thanh toán ra nước ngoài và nền kinh tế của hiện nay là nền kinh tế tiền mặt… Do đó, cần rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, trong đó có vai trò của ngân hàng.

Giải tỏa áp lực với cơ quan thuế trong quản lý và cưỡng chế nợ thuế

Về vấn đề khoanh nợ, xoá nợ và thẩm quyền, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định thẩm quyền của Chính phủ cho phép khoanh nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính để giải toả áp lực lớn đối với cơ quan thuế trong việc quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, quy định phải xử lý được nợ đọng, nợ không có khả năng thu hồi và khoanh các khoản nợ chưa thể thu hồi được. Các quy định phải có tính khách quan và phải phân cấp gắn với phân cấp quản lý ngân sách. Thời gian qua, giữa cơ quan tài chính và các địa phương đã phối hợp rất chặt chẽ trong quản lý thu, chi ngân sách; Việc xử lý nợ đọng và nợ khó thu cũng có vai trò rất rõ của HĐND và UBND các tỉnh, huyện và xã.

Bao quát nguồn thu từ kinh doanh thương mại điện tử

Nhiều đại biểu cũng đề nghị quy định cụ thể hơn để quản lý chặt việc chuyển giá, trốn thuế, gây thất thu ngân sách và bao quát nguồn thu kinh doanh thương mại điện tử. Đại biểu Lê Quang Huy (Nghệ An) cho rằng, để khắc phục những khó khăn trong quản lý thuế đối với thương mại điện tử, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính (trong đó cơ quan thuế, hải quan), Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan, kể cả các công ty viễn thông, các tổ chức khai báo trung gian, các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử…

Trước ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về chống chuyển giá, và tại Dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) cũng đã bổ sung một số quy định về chống chuyển giá. Bộ trưởng cho biết, trong năm 2017, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra, giảm lỗ 37 nghìn tỷ đồng, thực chất là có vấn đề về chuyển giá, kể cả doanh nghiệp nước ngoài và trong nước.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các nội dung cụ thể của Dự thảo Luật như về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật; Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước, các trường hợp được khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp; Các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; Cung cấp dịch vụ đại lý thuế; Hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế; Giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế…

Sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thay mặt ban soạn thảo sẽ tiếp thu những đóng góp hợp lý, xác đáng để Dự thảo Luật có chất lượng và tổ chức triển khai với hiệu quả cao nhất.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu đã được phản ánh đầy đủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo để nghiên cứu, tiếp thu và hoàn chỉnh dự án luật, sau đó sẽ gửi các đoàn đại biểu Quốc hội xin ý kiến để tiếp tục hoàn thiện và trình ra Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp thứ 7.