Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) hướng đến chính sách thuế minh bạch, đơn giản
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/9/2018 cho ý kiến về Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, Tờ trình và Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung có sự đổi mới, khoa học, hướng đến thực hiện chính sách thuế minh bạch, đơn giản.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại phiên họp. Nguồn: QH |
Toàn cảnh phiên họp. Nguồn: VGP |
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Tờ trình và dự thảo Luật và cho rằng, Dự thảo Luật đã có sự đổi mới, tính khoa học, hướng đến thực hiện chính sách thuế minh bạch, đơn giản và cập nhật với tình hình và xu thế phát triển mới để đáp ứng yêu cầu về quản lý kinh tế - tài chính, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với việc sửa đổi toàn diện Luật Quản lý thuế nhằm đáp ứng những yêu cầu trong tình hình mới. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc sửa đổi Luật Quản lý thuế là cần thiết góp phần phát huy hơn nữa những kết quả trong thực hiện cải cách và đổi mới quản lý thuế thời gian qua với những bước tiến quan trọng đặc biệt như giảm biên chế, giảm chi phí.
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này có liên quan đến gần 10 luật hiện hành như Luật tổ chức Quốc hội, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán nhà nước… Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất các nội dung quy định trong dự thảo với nhau và với các luật hiện hành trong hệ thống pháp luật.
Cho ý kiến về nội dung Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao việc quy định áp dụng hóa đơn điện tử và quản lý thuế với thương mại điện tử, cho rằng đây là sự tiến bộ lớn trong lần sửa đổi này góp phần bảo đảm minh bạch, tăng thu ngân sách...
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, việc sửa đổi toàn diện Luật lần này cần khắc phục được những tồn tại, hạn chế trước đây như sự can thiệp của cán bộ thu thuế trong quá trình quản lý thuế; Áp dụng mô hình quản lý rủi ro và ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các vấn đề như chống chuyển giá không chỉ với các doanh nghiệp nước ngoài mà còn ở các doanh nghiệp trong nước, tránh được nợ đọng thuế ngày một gia tăng; Khắc phục sơ hở trong quy trình thủ tục liên quan đến hoàn thuế…
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát tiếp thu đầy đủ ý kiến hoàn chỉnh hồ sơ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra chính thức để trình ra Quốc hội cố gắng bảo đảm đúng thời gian theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.