Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Chính phủ đề xuất thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Việt Hoàng

Tại Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong Kỳ họp tháng 10 tới các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ xem xét khả năng thực hiện 2 giải pháp: Cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động trên quan điểm hỗ trợ có chọn lọc, đúng và trúng mục tiêu, đối tượng tránh việc hỗ trợ tràn lan, dàn trải.

Thực tế cho thấy, dịch bệnh hoành hành gần 2 năm qua đẩy rất nhiều doanh nghiệp, cả quy mô lớn lẫn quy mô nhỏ, nhà nước lẫn tư nhân, trong nước cũng như ngoài nước, rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền, không còn đủ để trang trải các chi phí tới hạn trả.

Trong một cuộc khảo sát với 21.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện tháng 8 vừa qua, có tới 86,4% cho biết đang tạm ngừng hoạt động do dịch COVID-19 và tự đánh giá rằng chỉ có thể cầm cự được từ 1 - 3 tháng nữa vì đã cạn kiệt dòng tiền.

Cụ thể, có đến gần 40% doanh nghiệp cho biết đang “tạm ngừng hoạt động do dịch” cho biết chỉ còn có thể cầm cự “ít hơn 1 tháng". Đây cũng là ngưỡng chịu đựng của khoảng 17,7% doanh nghiệp đang “duy trì hoạt động sản xuất”.

Báo cáo đánh giá hộ kinh doanh là đối tượng dễ tổn thương nhất với 45% số hộ trả lời có dòng tiền duy trì hoạt động “ít hơn 1 tháng”. Tỷ lệ này theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần của Việt Nam là 39,5%. Còn loại hình doanh nghiệp nhà nước là 30%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là khoảng 23,5%.

Điều này cho thấy nếu các doanh nghiệp tiếp tục phải đóng cửa dài hơn mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài thì khả năng giải thể là rất cao. Như Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, “dòng tiền bây giờ là giữa chuyện tồn tại hay không tồn tại, tiếp tục hoạt động hay không tiếp tục hoạt động”.

Trong khi sức chịu đựng của doanh nghiệp là "có hạn và hiện đã tới hạn" thì những giải pháp hỗ trợ vừa qua tính cấp bách không cao, mà chưa giải quyết được khó khăn trước mắt của hầu hết doanh nghiệp là cạn kiệt dòng tiền.

Về phía các tổ chức tín dụng, chuyện đồng thuận giảm lãi suất đã được thực hiện nhiều lần từ khi dịch COVID-19 xuất hiện. Tuy vậy, động thái này có vẻ mang yếu tố tâm lý nhiều hơn chứ chưa phải là hỗ trợ thực chất.

Cũng theo các báo cáo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, có khoảng 30% doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” có tiếp cận được vốn ngân hàng, trong khi tỷ lệ này của nhóm doanh nghiệp “duy trì sản xuất kinh doanh” là hơn 39%. Nhiều doanh nghiệp bi quan “không thể vay”, “lên tivi mà vay”, “xin vay từ năm ngoái đến năm nay không được”…

Sáng kiến chính sách cấp bù lãi suất không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp mà còn kích hoạt nguồn vốn trong xã hội. Có thể nói, chính sách "cấp bù lãi suất" của Quốc hội là một trong những chính sách chạm đến khó khăn lớn nhất và ngay trước mắt của doanh nghiệp hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh dẫn một tính toán cho biết, khoảng 2.400 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ 4% lãi suất có thể huy động tới 60 nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế. Đặc biệt và ý nghĩa hơn ở chỗ, chính sách này về tổng thể sẽ giúp gia tăng phúc lợi xã hội; đơn giản bởi doanh nghiệp “ốm” thì người lao động “yếu”, ngược lại doanh nghiệp “sống” thì người lao động “còn việc làm”…

Cứu doanh nghiệp là việc cấp thiết trong thời điểm hiện nay, quan trọng không thua kém chống dịch. Do đó, Quốc hội và Chính phủ cần nỗ lực ưu tiên để các sáng kiến chính sách hữu ích trên được xây dựng và thực thi càng sớm càng tốt. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ huy động lãi suất cho các doanh nghiệp; Chính phủ nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ dựa trên chi phí hoạt động của các doanh nghiệp, ưu tiên cho các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19.

Cũng tại Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại phiên thảo luận để rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước ngày 1/10/2021.