Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ:

“Cởi trói” để thúc đẩy nguồn lực đổi mới sáng tạo

Theo Hoàng Ngọc/daibieunhandan.vn

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trong phiên họp chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí quy định tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí (là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước) và có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký. Quy định theo hướng này được kỳ vọng sẽ giúp "cởi trói" để thúc đẩy nguồn lực đổi mới sáng tạo của cả nền kinh tế...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Nguồn: quochoi.vn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Nguồn: quochoi.vn

Hài hòa lợi ích

Một trong những nội dung của dự thảo Luật là quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 phương án:

 Một là, tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí (là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước) và có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký. 

Hai là, không thay đổi các quy định hiện hành, đồng thời bảo đảm được nguyên tắc quản lý về tài sản: tài sản được tạo ra do Nhà nước đầu tư thuộc về Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phân tích thêm, ưu điểm của phương án 1 sẽ tạo động lực khuyến khích các tổ chức chủ trì đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghệ đối với phần kết quả nghiên cứu có khả năng bảo hộ sở hữu công nghệ và thúc đẩy thương mại hóa đối tượng quyền sở hữu công nghệ đó.

Đồng thời vẫn bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước đối với kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được bảo hộ sở hữu công nghệ có sử dụng ngân sách... Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án 1, sẽ phải sửa đổi một số văn bản pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Với phương án 2, Bộ trưởng cho biết, sẽ không thay đổi các quy định hiện hành, bảo đảm được nguyên tắc quản lý về tài sản: tài sản được tạo ra do Nhà nước đầu tư thuộc về Nhà nước.

Phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí nên nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật theo phương án 1. Thực tế, nếu chọn phương án 2, trong trường hợp tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư thực hiện quyền đăng ký và trở thành chủ văn bằng bảo hộ thì tổ chức, cơ quan đó cũng không có khả năng thương mại hóa đối tượng được bảo hộ do là các cơ quan quản lý nhà nước, không có chức năng kinh doanh. Trong trường hợp để tổ chức chủ trì có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện việc giao quyền đăng ký kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Hơn nữa, việc giữ nguyên quy định hiện hành như phương án 2 sẽ không giải quyết được các bất cập hiện nay do không đủ căn cứ pháp lý cho tổ chức chủ trì kịp thời thực hiện đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trong một số trường hợp; không thúc đẩy việc khai thác, thương mại hóa các đối tượng này, làm cho giá trị đầu tư của Nhà nước trở nên kém hiệu quả và quan trọng nhất là không thể “cởi trói” để thúc đẩy nguồn lực đổi mới sáng tạo của cả nền kinh tế.

Khẳng định việc lựa chọn phương án 1 sẽ khuyến khích được sự sáng tạo của tổ chức khoa học và công nghệ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án này theo hướng bổ sung làm rõ cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả. Thực tiễn cho thấy, trong quá trình triển khai, nhà khoa học rất nản, thậm chí e ngại, không đăng ký vì cho rằng đấy là việc chung, lợi ích chưa rõ, thì sẽ rất khó để dành sự quan tâm.

Không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đa số thành viên Chính phủ đề xuất, không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự.

Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ý kiến của các chuyên gia về phương án này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, các ý kiến không đồng tình với phương án của Chính phủ. Bởi lẽ, trách nhiệm dân sự là trách nhiệm giữa bên gây thiệt hại và bên thiệt hại. Trách nhiệm hành chính là trách nhiệm trước Nhà nước, trước xã hội, gây ra tổn thất xã hội. Hai trách nhiệm này không thể thay thế, hoán đổi cho nhau. Cũng không thể vì khó khăn mà không thực thi vì không đúng với bản chất trách nhiệm pháp lý.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thực tế xử phạt hành chính rất nhanh, các bên đều chấp hành nghiêm túc. Có phán quyết hành chính sẽ thực hiện được ngay. Trong khi đó, theo vụ kiện dân sự “chờ được mạ thì má đã sưng”, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh. Thông lệ quốc tế cũng không thu hẹp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, do vậy, việc đề xuất của Chính phủ là chưa thuyết phục.

Loại bỏ biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tạo thách thức không nhỏ cho hệ thống tòa án và đương sự khi sử dụng biện pháp tố tụng dân sự.

Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật, phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính mà giữ như quy định hiện nay.