Giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam

ThS. Lê Thị Thanh Trang, Trường Đại học Tài chính – Marketing

Bài viết phân tích hoạt động thu hút FDI của Việt Nam và đưa ra giải pháp nhằm thu hút FDI chất lượng cao vào Việt Nam trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm 2020, trong bối cảnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu suy giảm tới 40%, nhưng thu hút FDI đăng ký vào Việt Nam vẫn đạt hơn 28,5 tỷ USD. Con số này tuy giảm 25% so với năm 2019, nhưng tổng vốn đăng ký mở rộng đầu tư lại tăng 10,6%.

Bên cạnh đó, kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 đạt 2,91%, bất chấp tác động nặng nề của dịch bệnh, biến đổi khí hậu đến các hoạt động kinh tế. Điều này khiến Việt Nam trở thành điểm sáng cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á. Bài viết phân tích hoạt động thu hút FDI của Việt Nam và đưa ra giải pháp nhằm thu hút FDI chất lượng cao vào Việt Nam trong thời gian tới.

Kết qu đt đưc trong thu hút FDI

Bằng chính sách mở cửa, ưu đãi và môi trường kinh doanh hấp dẫn, trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút được một số lượng lớn dự án và nguồn vốn FDI. Việt Nam có nhiều điểm mạnh thu hút FDI như: An ninh, chính trị ổn định, có vị trí địa lý thuận lợi giao thương với thế giới, vừa là trung tâm kết nối của khu vực, vừa là cửa ngõ để thâm nhập các nền kinh tế ở khu vực phía tây Bán đảo Đông Dương, cùng với các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Với vị trí địa lý đắc địa, môi trường chính trị-xã hội ổn định, kinh tế phát triển liên tục, việc liên tiếp ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam- Liên minh châu Âu hay việc khống chế thành công dịch Covid-19… là điểm cộng lợi thế để Việt Nam thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI.

Việt Nam có quy mô dân số lớn và số người gia nhập tầng lớp trung lưu ngày càng tăng; lực lượng lao động trẻ và có tính cơ động cao; chi phí lao động thấp hơn và giá thuê các khu công nghiệp trung bình cũng thấp hơn 45 đến 50% so với các nước trong khu vực (Thái Lan, Malaysia, Indonesia).

Bên cạnh đó, hiện nay, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam ở nhóm thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp lại được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, thị thực.

Thể chế, luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam dần được hoàn thiện, gắn với hội nhập, không những tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài mà còn giúp các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu một cách thuận lợi.

Với những thuận lợi kể trên dù đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, nhưng tổng vốn FDI đăng ký đầu tư trong 2 tháng đầu năm 2021 ở Việt Nam vẫn đạt 84,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi vốn thực hiện của dự án đầu tư FDI ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong 2 tháng đầu năm, có 126 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư; tổng vốn đăng ký mới đạt 3,31 tỷ USD.

Cùng với đó, có 115 lượt dự án FDI đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 1,61 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2019; Có 445 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư FDI...

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, các nhà đầu tư FDI đã “rót vốn” vào 17 ngành lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 3 tỷ USD, chiếm 55,7% tổng vốn đăng ký, lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài xem là thế mạnh của Việt Nam. Tính đến tháng 2/2021, lĩnh vực này thu hút nhiều nhất nhà đầu tư nước ngoài với 11.833 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 175 tỷ USD (chiếm 51,6% tổng số dự án và 58,9% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam).

Cơ cấu đầu tư được đánh giá theo hướng tích cực, và có tác động mạnh đến sự phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa-hiện đại hóa của nước ta. Tiếp đó, vốn FDI đăng ký đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đạt 1,44 tỷ USD; kinh doanh bất động sản đạt 485 triệu USD; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ đạt gần 153 triệu USD.

Xét theo địa bàn đầu tư, trong 2 tháng đầu năm 2021, các nhà đầu tư FDI đã đầu tư vào 43 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, Cần Thơ dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,31 tỷ USD, Hải Phòng đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký gần 918 triệu USD, Bắc Giang đứng thứ ba với số vốn FDI đăng ký đầu tư gần 573 triệu USD.

Các dự án FDI có quy mô lớn đầu tư vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm là nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, TP. Cần Thơ, công suất thiết kế 1.050MW, vốn đăng ký 1,3 tỷ USD; dự án LG Display Hải Phòng do Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng đầu tư, vốn đăng ký 750 triệu USD; nhà máy Fukang Technology do Foxconn Singapore PTE Ltd đầu tư tại Bắc Giang, vốn đăng ký khoảng 270 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô ước đạt 38,07 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 76,1% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong khi kim ngạch nhập khẩu khu vực này ước đạt 31,6 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ và chiếm 66,6% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Tính chung trong 2 tháng đầu năm, khu vực doanh nghiệp FDI xuất siêu gần 6,5 tỷ USD.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, triển vọng về thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2021 rất lạc quan. Nhiều chuyên gia nhận định, tổng vốn đăng ký và đầu tư trực tiếp vào Việt Nam năm 2021 sẽ cao hơn mức 28,5 tỷ USD (vốn đăng ký) và 19,98 tỷ USD (vốn thực hiện).

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước. Trên thực tế, những ngày đầu năm 2021, hàng loạt dự án có vốn FDI được cấp giấy phép đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam.

Điển hình như: Tại Đồng Nai, trong 13 ngày đầu năm 2021 đã thu hút được 11 dự án FDI, trong đó có 3 dự án cấp mới, 8 dự án tăng vốn với tổng số vốn hơn 226 triệu USD (Đây là con số cao nhất so với cùng kỳ khoảng 5 năm qua tại Đồng Nai).

Những thành tích trong thu hút FDI của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2021 là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn một số những hạn chế nhất định. Nhiều địa phương vẫn còn dễ dãi trong việc chấp nhận khá nhiều dự án FDI quy mô nhỏ, không mang lại hiệu quả cho địa phương về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách. Một số địa phương còn có tình trạng cấp đất quá lớn cho dự án FDI mà không căn cứ vào quy hoạch của địa phương…

Về đối tác đầu tư, nhược điểm lớn nhất về đối tác đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là các quốc gia phát triển như Mỹ và các nước trong Liên minh châu Âu (EU) chưa đạt 10% trong 234 tỷ USD vốn FDI thực hiện trong hơn 30 năm thu hút FDI. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi đầu tư cũng còn nhiều bất cập, vẫn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế, giá thuê đất, chi phí nguyên liệu trong khi chưa tương xứng với hiệu quả mà các dự án FDI mang lại…

Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức, quản lý, sản xuất và công nghệ kỹ thuật, thiếu nguồn lực để đổi mới, lĩnh vực sản xuất khá giống nhau, cả về quy mô, trình độ, công nghệ và sản phẩm... khó có thể cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các doanh nghiệp FDI, nên chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Gii pháp thu hút FDI vào Vit Nam

Để không bỏ lỡ cơ hội tăng thu hút FDI chất lượng cao, phấn đấu đạt tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018 theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp.

Đồng thời, Việt Nam cần có tầm nhìn chiến lược, các chủ trương đúng đắn và kế hoạch cụ thể, với môi trường thể chế, đội ngũ nhân lực chuyên trách thích hợp mà Nghị quyết số 58/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW đã nêu rõ. Theo đó, để thu hút ngày càng nhiều dự án FDI có chất lượng cao, cần thực hiện các nội dung sau:

Thứ nhất, để thu hút được đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là từ những nước phát triển như: Mỹ và khối EU, ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, Việt Nam cần chú trọng quan tâm đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về một số khía cạnh như: Tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; Thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; Thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định…

Thứ hai, đối với các địa phương đã phát triển đang cần thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại; Chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện…

Bên cạnh đó, những ưu đãi truyền thống như: ưu đãi thuế, giá thuê đất, chi phí nguyên liệu cần được điều chỉnh theo hướng áp dụng chủ yếu đối với các địa phương có trình độ phát triển thấp, cần thu hút dự án thâm dụng lao động.

Thứ ba, các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực nâng cao năng lực về tất cả các mặt, từ công nghệ đến năng lực, trình độ của đội ngũ người lao động, quản lý. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp FDI mới tìm đến đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của họ. Cần yêu cầu và khuyến khích các doanh nghiệp FDI thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam. Những hoạt động này sẽ tác động tích cực đến quá trình chuyển giao công nghệ.

Thứ tư, rà soát lại việc sử dụng FDI hiện tại để có kế hoạch điều chỉnh, cơ cấu lại hợp lý; Ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu; ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.

Để hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ, cần có chiến lược dài hạn, tham gia của cả doanh nghiệp và Chính phủ; Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp FDI, trong đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ về lãi suất, tài chính, tiếp cận các nguồn lực đầu tư để nâng cấp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, cần có chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp ưu tiên theo từng thời kỳ, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả.

Thứ năm, kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư không phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam hoặc những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước đủ năng lực về công nghệ (cụ thể là không cấp phép hoặc không cho phép đầu tư ở các khu công nghiệp có chất lượng cao, không áp dụng các ưu đãi về thuế...).

Một trong những điểm nghẽn quan trọng của công nghiệp hóa Việt Nam nói chung và hoạt động của các dự án FDI quy mô lớn nói riêng là thiếu lực lượng lao động lành nghề, tuy dân số đông và lực lượng lao động không nhỏ. Để đón đầu có hiệu quả dòng FDI mới, phải tăng khả năng cung cấp lực lượng lao động đủ tiêu chuẩn.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn dịch chuyển dòng vốn nước ngoài và những lợi thế về việc sớm ký kết FTA với EU. Dịch bệnh đang diễn ra nhưng đây lại “cơ hội vàng” để Việt Nam bứt tốc thu hút vốn FDI.

Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế này thì trước mắt Việt Nam cần giải quyết các vấn đề lớn còn tồn đọng, triển khai các biện pháp để tạo: Môi trường kinh doanh lành mạnh; Sở hữu trí tuệ được đảm bảo, bản quyền, thương quyền cải cách hành chính tạo điều kiện cho các doanh nghiệp châu Âu nói riêng và các doanh nghiệp có vốn FDI nói chung được cấp phép đầu tư...

Tài liệu tham khảo:

1. Cục Đầu tư nước ngoài (2021), Báo cáo tình hình thu hút FDI 2 tháng đầu năm 2021;

2. Ngọc Linh (2021), Vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh, truy cập từ https:// www.tienphong.vn/kinh-te/von-fdi-vao-viet-nam-nam-2021-tang-manh-1789985.tpo;

3. Việt Dũng (2021), Việt Nam tiếp tục là thỏi nam châm thu hút FDI, https:// tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/viet-nam-tiep-tuc-la-thoi-nam-cham-hut-von-fdi-331595.html;

4. Thúy Hiền (2020), Sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài hiệu quả để tăng trưởng kinh tế.