Việt Nam đón nhận 12,25 tỷ USD vốn FDI trong 4 tháng đầu năm
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ đầu năm đến ngày 20/4/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,25 tỷ USD, bằng 99,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 4 tháng đầu năm, có 451 dự án mới đầu tư trực tiếp nước ngoài ước (FDI) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 54,2% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt gần 8,5 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Về vốn điều chỉnh, có 263 lượt dự án FDI đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 21,5% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 2,7 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ.
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 5,2 tỷ USD, chiếm 42,4% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đầu tư gần 5,1 tỷ USD, chiếm 41,3% tổng vốn đầu tư đăng ký; các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 778 triệu USD và 464 triệu USD...
Theo đối tác đầu tư, đã có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,8 tỷ USD, chiếm gần 39,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,5 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,5 tỷ USD, chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư...
Vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản vào Việt Nam chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 91,1% và 71,5% tổng vốn đăng ký của hai quốc gia này.
Theo địa bàn đầu tư, đã có 53 tỉnh, thành phố trên cả nước đón vốn FDI, trong đó, tỉnh Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,3 tỷ USD, chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. TP. Cần Thơ đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký trên 1,3 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư. TP. Hồ Chí Minh đứng thứ ba với 1,1 tỷ USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, hiện nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp đã tiếp tục phục hồi sau đại dịch. Điều này được thể hiện qua số vốn FDI thực hiện trong 4 tháng qua đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay ghi nhận quy mô bình quân của các dự án cấp mới và các dự án điều chỉnh vốn đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, dự án cấp mới tăng từ 6,9 triệu USD/dự án mới trong 4 tháng năm 2020 lên 18,7 triệu USD/dự án mới trong 4 tháng năm 2021; dự án điều chỉnh vốn tăng từ 9,2 triệu USD/lượt dự án điều chỉnh vốn lên trên 10,4 triệu USD/lượt dự án điều chỉnh vốn.
Số liệu thống kê cho thấy, lũy kế tính đến ngày 20/4/2021, cả nước có 33.463 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 394,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI đạt 238,36 tỷ USD, bằng 60,4% tổng vốn FDI đăng ký còn hiệu lực.