Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc ngày 20/10/2022

Việt Hoàng

Chiều ngày 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Quốc hội dự kiến họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/10/2022 và bế mạc vào sáng ngày 19/11/2022. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 23,5 ngày.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ đảm bảo chất lượng cao nhất, đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, của cử tri, Nhân dân cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ đảm bảo chất lượng cao nhất, đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, của cử tri, Nhân dân cả nước.

Trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình Quốc hội dự kiến nội dung Kỳ họp.

Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tiếp và bố trí liền mạch từ phiên khai mạc đến phiên bế mạc. Quốc hội dự kiến họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/10/2022; bế mạc vào sáng ngày 19/11/2022 và dự phòng chiều ngày 19/11/2022.

Văn phòng Quốc hội đề xuất Quốc hội sẽ làm việc vào ngày thứ Bảy để kết thúc kỳ họp sớm hơn, dành thời gian cho hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Dự kiến, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 23,5 ngày. 

Về chương trình làm việc của Kỳ họp, Chính phủ đề nghị bổ sung các nội dung: Trình Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; trình Quốc hội xem xét giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT...

Bên cạnh đó, bổ sung các báo cáo về: Việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Tiến độ hoàn thành một số dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020... 

Đồng thời, Chính phủ cũng đề nghị rút: Báo cáo việc thực hiện Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (Hiệp định EVIPA). Lý giải về điều này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tính đến thời điểm nay, Hiệp định chưa có hiệu lực do chỉ có 12/27 các nước thành viên EU phê chuẩn Hiệp định. Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sau khi Hiệp định có hiệu lực và được triển khai thực hiện.

Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan và tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị tăng thời gian thảo luận đối với các dự án luật quan trọng có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, được nhiều đại biểu quan tâm. Cụ thể, Văn phòng Quốc hội đề nghị bố trí thảo luận tại tổ 0,5 ngày và tại hội trường 01 ngày đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)...

Ngay sau khi cho ý kiến về nội dung chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành bế mạc Phiên họp thường kỳ thứ 15. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau 4 ngày làm việc tập trung, nghiêm túc và trách nhiệm cao, phiên họp định kỳ tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết thúc hoàn thành toàn bộ nội dung đã đề ra. 

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thống nhất nhiều nội dung quan trọng về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn 2016-2021 kèm theo Báo cáo tóm tắt và dự thảo Nghị quyết và nội dung của phim phóng sự tài liệu sẽ trình chiếu tại kỳ họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cùng vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022; Các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại và tố cáo năm 2022. Đồng thời, xem xét, thảo luận cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật và các Nghị quyết của Quốc hội; Báo cáo công tác năm 2022 của Tổng Kiểm toán nhà nước và Kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán nhà nước. Đặc biệt là việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, các nội dung tại phiên họp thứ 15 là những vấn đề được đông đảo cử tri, Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, theo dõi. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung xem xét kỹ lưỡng, trách nhiệm, đưa ra những ý kiến phân tích từ nhiều khía cạnh. Đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan cũng đã tích cực thảo luận, cung cấp thông tin, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng và thuyết minh giải trình thêm đối với từng nội dung nhằm hoàn thiện các báo cáo với mong muốn có được chất lượng tốt nhất để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với sự phối hợp rất chặt chẽ giữa Quốc hội với Chính phủ, giữa các cơ quan của Quốc hội với các bộ, ngành, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và sự tham gia rất tích cực của các cơ quan, hữu quan, ủng hộ của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước thì việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ đảm bảo về chất lượng cao nhất, đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, của cử tri, Nhân dân cả nước.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phiên thảo luận ở hội trường về một số dự án luật đã được thực hiện tại kỳ họp thứ 3 như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội quyết định việc truyền hình trực tiếp phiên thảo luận hội trường trên Truyền hình Quốc hội các dự án luật, dự thảo nghị quyết như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)...