Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác 2022 và Kế hoạch Kiểm toán 2023
Chiều ngày 12/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác năm 2022 và Kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước.
Kiến nghị xử lý 22.036 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2022
Trình bày báo cáo công tác năm 2022 và Kế hoạch kiểm toán năm 2023, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, mặc dù trong những tháng đầu năm 2022, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, song Kiểm toán Nhà nước đã chủ động, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, khắc phục mọi khó khăn với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, chất lượng và đạo đức công vụ”, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ năm 2022 đạt tiến độ, chất lượng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác.
Bên cạnh nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã tập trung nâng cao chất lượng kế hoạch từng cuộc kiểm toán, chú trọng kiểm toán tổng hợp để đánh giá sâu và toàn diện hơn việc quản lý, điều hành của từng cấp, từng đơn vị cũng như tập trung đánh giá tính hiệu lực của cơ chế chính sách, do vậy chất lượng kiểm toán được nâng lên rõ rệt.
Cùng với việc triển khai kế hoạch kiểm toán năm 2022, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn 2023-2025 và kế hoạch kiểm toán năm 2023. Theo đó, tăng số lượng các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin theo Chiến lược phát triển đã đề ra; thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đặc biệt, năm 2022, triển khai cuộc kiểm toán chuyên đề ”Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ” đạt mục tiêu, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc kiểm toán; tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các tổ chức, hội nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch,... về mục tiêu, nội dung, phạm vi, giới hạn và phương thức tổ chức cuộc kiểm toán.
Qua đó, công tác khảo sát chất lượng kiểm toán và thanh tra công vụ được coi trọng, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán, phòng ngừa rủi ro kiểm toán, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm của cán bộ, công chức; đồng thời tiếp tục duy trì chấm điểm từng thành viên đoàn kiểm toán và chấm điểm các đoàn kiểm toán đạt chất lượng vàng để khen thưởng, bình xét thi đua cũng như đánh giá năng lực cán bộ khi xem xét bổ nhiệm, quy hoạch.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, tính đến 31/8/2022 đã xét duyệt 200 kế hoạch kiểm toán, triển khai 184/231 đoàn kiểm toán; kết thúc kiểm toán 140 cuộc, xét duyệt 202 Dự thảo Báo cáo kiểm toán; phát hành 162 Báo cáo kiểm toán. Các cuộc kiểm toán kết thúc đảm bảo đạt mục tiêu, tiến độ và phát hành Báo cáo kiểm toán đúng luật định; Kiểm toán viên chấp hành tốt Quy chế tổ chức và hoạt động đoàn Kiểm toán Nhà nước, Quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước.
Kết quả kiểm toán 8 tháng năm 2022 của 162 báo cáo kiểm toán đã phát hành và 6 báo cáo kiểm toán chuyển từ kế hoạch kiểm toán 2021 sang, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 22.036 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 102 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không phù hợp... Qua đó, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị kiểm toán số tiền là 37.924,2 tỷ đồng, đạt 56,3% (cùng kỳ năm trước 49,9%).
Bên cạnh đó, các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 15 văn bản quy phạm pháp luật thay thế các văn bản không phù hợp; có 24 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện. Kiểm toán Nhà nước cũng chuyển 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện ngay đang trong quá trình kiểm toán sang cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực hiện nhiệm vụ theo luật định, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020 tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV với nhiều phát hiện nổi bật, được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao. Về Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, Báo cáo kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ” sau khi báo cáo Quốc hội đều đã được đăng tải kịp thời trên các phương tiện truyền thông, đồng thời Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức Họp báo để công bố công khai đối với các báo cáo này.
Về kế hoạch kiểm toán năm 2023, Kiểm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 141 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 37 nhiệm vụ so với kế hoạch kiểm toán năm 2022.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với các nguyên tắc định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán và mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2023 đã nêu trong báo cáo.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Kiểm toán Nhà nước bổ sung nguyên tắc phải thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đã giao cho Kiểm toán Nhà nước tại các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; rà soát, xem xét tính thống nhất trong việc căn cứ định hướng kế hoạch kiểm toán trung hạn 2022-2024 hay kế hoạch kiểm toán trung hạn 2023-2025 khi xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2023...
Thảo luận về kế hoạch kiểm toán năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với mục tiêu, định hướng và lĩnh vực kiểm toán như Kiểm toán Nhà nước đề xuất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục tập trung thực hiện kiểm toán chuyên đề, kiểm toán phục vụ công tác phê chuẩn quyết toán NSNN, kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, tăng cường kiểm toán việc thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ, những vấn đề liên quan đến nợ công, bội chi ngân sách tín dụng ngân hàng, quản lý sử dụng vốn đầu tư công, kinh phí chuyển nguồn ngân sách các năm…
Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước lưu ý cân nhắc việc lựa chọn kiểm toán một số công trình, dự án chưa khởi công mới hoặc bắt đầu triển khai dự án đang dở dang, ít khối lượng hoàn thành, tránh phải điều chỉnh hoặc giảm kế hoạch do chưa có khối lượng thực hiện để kiểm toán nâng cao hiệu quả, hiệu lực kiểm toán. Tiếp tục đổi mới phương pháp tổ chức kiểm toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cân đối lực lượng, thời gian để phục vụ hiệu quả nhất cho việc phê chuẩn quyết toán của HĐND các tỉnh, phê chuẩn quyết toán NSNN.
Bố trí hợp lý các đoàn kiểm toán, nhất là tại các địa phương, các bộ có nhiều đoàn kiểm toán để bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo; thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng lãng phí, tiêu cực, tham nhũng ngay trong lực lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước...