Một số kết quả đạt được trong triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công tại tỉnh Cao Bằng

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2019

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21/6/2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Qua hơn 01 năm thực hiện đã cho những kết quả bước đầu quan trọng. Đóng góp vào thành công đó, tỉnh Cao Bằng là một trong số những địa phương tích cực, chủ động triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng, khai thác có hiệu quả tài sản công trên địa bàn Tỉnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đặt vấn đề

Cao Bằng là tỉnh có nhiều lợi thế tự nhiên cho phát triển kinh tế - xã hội như: Lợi thế về kinh tế cửa khẩu, du lịch, nông nghiệp sạch, có tài nguyên khoáng sản và tiềm năng khai thác thủy điện, tài nguyên rừng. Hiện nay, Cao Bằng đã, đang chuẩn bị các điều kiện phấn đấu trở thành trung tâm kết nối nội vùng, cùng với các địa phương trong cả nước, hình thành cực phát triển và kết nối hợp tác xuyên biên giới với các cụm phát triển năng động của Tây và Tây Nam Trung Quốc.

Trong những năm qua, mặc dù, kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng đã có những bước phát triển nhưng vẫn còn đối diện với không ít khó khăn, thách thức như: Xuất phát điểm nền kinh tế của Tỉnh thấp, mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông còn yếu kém (duy nhất chỉ có một loại hình giao thông là đường bộ), gây trở ngại lớn cho việc phát triển giao lưu hàng hóa với các tỉnh thành trong cả nước và với Trung Quốc.

Theo số liệu quản lý tài sản công năm 2018 tỉnh Cao Bằng, hiện nay, toàn Tỉnh có 7.136 tài sản (nhà, đất là trụ sở cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước; ô tô và các tài sản khác có giá trị trên 500 triệu đồng) với tổng nguyên giá hơn 5.380 tỷ đồng, giá trị còn lại hơn 3.500 tỷ đồng; có 658 công trình nước sạch nông thôn tập trung với tổng nguyên giá hơn 450 tỷ đồng, giá trị còn lại hơn 290 tỷ đồng; tài sản hạ tầng đường bộ quản lý trên 23.000km đường với gần 13.000 tỷ đồng, giá trị còn lại gần 11.200 tỷ đồng.

Kết quả đạt được

Ngay sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn Luật đến các huyện, thành phố. Sở Tài chính đã tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề Luật Quản lý sử dụng tài sản công và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đến lãnh đạo và kế toán các đơn vị từ cấp xã, cấp huyện, đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi tỉnh quản lý; nhằm mục đích hướng dẫn, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, cơ chế quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị.

UBND Tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các lãnh đạo, cán bộ kế toán tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn Tỉnh cập nhật kịp thời các văn bản, nắm bắt được những nội dung mới, cách hạch toán kế toán tài sản trong quản lý và sử dụng tài sản công để tổ chức thực hiện có hiệu quả tại địa phương. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan tham mưu khẩn trương phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành do bộ, cơ quan trung ương, địa phương ban hành liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành, nhằm đồng bộ thể chế về quản lý, sử dụng tài sản công, tăng cường và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công.

Về triển khai sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo Nghị định số 167/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có nhiều chuyển biến tích cực như sau:

Về sắp xếp lại, xử lý nhà đất: UBND tỉnh Cao Bằng đã kiện toàn Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên địa bàn Tỉnh (Ban chỉ đạo 167). Theo đó, đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi tỉnh quản lý. Kết quả thống kê sơ bộ cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của Tỉnh trong năm 2018 cho thấy, Tổng số cơ sở nhà, đất là hơn 2.560 cơ sở, với tổng diện tích đất hơn 24.600.000m2; tổng diện tích sàn xây dựng nhà hơn 1.798.000m2. Hiện nay, Ban chỉ đạo Tỉnh đang hoàn chỉnh phương án rà soát, sắp xếp lại, xử lý nhà đất để trình UBND Tỉnh phê duyệt và cập nhật, điều chỉnh, bổ sung vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo quy định.

Về triển khai rà soát, sắp xếp xe ô tô theo Nghị định số 04/2019/NĐ-CP: Tính đến ngày 20/12/2018, số lượng xe ô tô là tài sản công trên địa bàn tỉnh Cao Bằng là 342 chiếc. Theo kết quả rà soát của Bộ Tài chính tại Công văn số 16453/BTC-QLCS ngày 28/12/2018 số lượng xe phục vụ công tác chung còn thiếu so với tiêu chuẩn định mức là 50 xe; số xe đủ điều kiện thanh lý là 144 xe (144 xe/342 xe) chiếm 42% trên tổng số xe hiện có.

Hiện nay, tỉnh Cao Bằng đang rà soát số lượng xe ô tô được sử dụng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo tiêu chuẩn định mức quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP để bố trí sử dụng và xử lý đúng quy trình.

Khó khăn, vướng mắc

Về trình tự thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với trường hợp bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất,  tại Khoản 6, Điều 11 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục trình cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xử lý tài sản theo hình thức bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, do đó, địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện. Tại Khoản 9, Điều 7 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định “hình thức khác” nhưng chưa quy định cụ thể trường hợp áp dụng, thẩm quyền quyết định xử lý do đó dẫn đến địa phương không có cơ sở để hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện khi có phát sinh đối với hình thức này.            

Trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp xử lý nhà, đất còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như:

Tỉnh Cao Bằng hiện có 7.136 tài sản với tổng nguyên giá hơn 5.380 tỷ đồng, giá trị còn lại hơn 3.500 tỷ đồng; có 658 công trình nước sạch nông thôn tập trung với tổng nguyên giá hơn 450 tỷ đồng, giá trị còn lại hơn 290 tỷ đồng; tài sản hạ tầng đường bộ quản lý trên 23.000km đường với gần 13.000 tỷ đồng, giá trị còn lại gần 11.200 tỷ đồng.

(i) Quá trình rà soát tổng hợp chưa đầy đủ thông tin, còn thiếu các giấy tờ liên quan về đất đai, tại một số đơn vị số liệu về tài sản trên đất, đất chưa có giá trị ghi trong sổ sách kế toán, dẫn đến việc thực hiện cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu gặp nhiều vướng mắc.

(ii) Việc ban hành các tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công thuộc phạm vi tỉnh quản lý của Tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội chưa có quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng quy định tại Nghị định số 152/2017/ NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 50/2017/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 04/2019/NĐ- CP của Chính phủ.

(iii) Việc sử dụng tài sản công là nhà, đất để thanh toán cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới

Trên Luật Quản lý sử dụng tài sản công và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, thời gian tới, tỉnh Cao Bằng tiếp tục nghiên cứu và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền như: Ban hành tiêu chuẩn, định mức diện tích chuyên dùng trong trụ sở làm việc, diện tích công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp theo quy định tại Nghị định số 152/2017/ NĐ-CP; Ban hành quy định của UBND Tỉnh về phân định thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê; Ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa đối với tài sản công chưa có Bộ quản lý, ngành lĩnh vực quy định; Ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng theo Nghị định số 04/2019/NĐ-CP.

Đồng thời, tiếp tục quán triệt, phổ biến các nội dung của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn thực hiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; Cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, bảo đảm thông tin về tài sản được đầy đủ, kịp thời, chính xác phục vụ trực tiếp công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả tài sản công trang bị cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước.

Một số đề xuất, kiến nghị

Để Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ triển khai có hiệu quả, đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu xây dựng các quy định để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có cơ sở triển khai thực hiện, cụ thể:

Một là, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng công trình sự nghiệp về y tế, giáo dục và đào tạo thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo Nghị định số 152/2017/NĐ- CP của Chính phủ.

Hai là, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động sự nghiệp y tế, giáo dục và đào tạo thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ba là, Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. Đề nghị Bộ Y tế ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Bốn là, Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy định cụ thể các trường hợp áp dụng, thẩm quyền quyết định xử lý đối với “hình thức khác” tại Khoản 9 Điều 7 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP;  quy định về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Khoản 6 Điều 11 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.

Năm là, về việc quản lý, sử dụng chợ hiện do Ban quản lý chợ đang quản lý, sử dụng (đơn vị sự nghiệp công lập), theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, đơn vị quản lý chợ chỉ được sử dụng một phần diện tích để thực hiện việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, khi chuyển đổi công năng, mô hình quản lý chợ thì được sử dụng toàn bộ đất và tài sản để cho thuê. Vì vậy, đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng đối với chợ được thực hiện theo quy định nào; trường hợp theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì đề nghị hướng dẫn việc sắp xếp, quản lý chợ cho phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành;
2. Bộ Tài chính (2018), Báo cáo chuyên đề: “Về công tác quản lý, sử dụng tài sản công” năm 2018;
3. UBND tỉnh Cao Bằng, Báo cáo về kết quả triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;
4. Chính phủ (2007), Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;
5. Chính phủ (2009), Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 về phát triển và quản lý chợ, khi chuyển đổi công năng, mô hình quản lý chợ thì được sử dụng toàn bộ đất và tài sản để cho thuê.