Nâng cao hiệu lực, hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công
Tài sản công là nguồn lực quan trọng của đất nước. Nguồn lực tài chính từ tài sản công được hiểu là tổng hợp các khả năng có thể khai thác được từ tài sản công thông qua các hình thức nhất định theo quy định của pháp luật nhằm tạo nguồn tài chính để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Khai thác có hiệu quả nguồn lực này là một trong những định hướng lớn. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tăng cường công khai, minh bạch trong khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công.
Tín hiệu khả quan trong quản lý, khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) trong thời gian qua đã được xây dựng cơ bản đầy đủ để quản lý đối với tất cả các loại TSC. Chế độ quản lý, sử dụng TSC đã từng bước gắn chặt việc bảo vệ với khai thác nguồn lực TSC. Luật Quản lý, sử dụng TSC có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Sau một năm triển khai Luật Quản lý, sử dụng TSC vào cuộc sống đã có nhiều tín hiệu khả quan như:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng TSC: Trong năm 2018, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 7 nghị định, ban hành theo thẩm quyền 7 thông tư để hướng dẫn quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng TSC. Như vậy, cho đến thời điểm hiện nay, 24 văn bản (gồm 13 Nghị định của Chính phủ, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 8 Thông tư của Bộ Tài chính) để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng TSC đã được ban hành. Các văn bản này đã cụ thể hóa các nguyên tắc, hình thức, công cụ khai thác nguồn lực tài chính từ TSC khu vực hành chính sự nghiệp, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, tài sản được hình thành thông qua việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân…
Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về quản lý tài chính đối với đất đai, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cải thiện môi trường kinh doanh; đồng thời, thu hút đầu tư, tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính đất đai tại các khu kinh tế, khu công nghệ cao; mở rộng phạm vi áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất và đối tượng áp dụng để xác định nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất cho DN đã cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xác định, thông báo nộp tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước (NSNN) và tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất.
Các văn bản được ban hành tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý, phù hợp với thực tiễn, công khai, minh bạch và cải cách tối đa thủ tục hành chính, góp phần tăng thu ngân sách từ TSC, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho DN và người dân.
Thứ hai, quyết liệt triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng TSC và các văn bản quy định chi tiết thi hành: Bộ Tài chính đã tổ chức đăng tải Luật, các văn bản quy định chi tiết thi hành và thông tin cơ bản trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính, Trang thông tin điện tử về tài sản nhà nước và các phương tiện thông tin đại chúng khác; phổ biến các nội dung chủ yếu của Luật Quản lý, sử dụng TSC và các văn bản quy định chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương, Sở Tài chính các địa phương; phối hợp tổ chức tập huấn cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương.
Ngay từ đầu năm 2018, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác quản lý TSC theo quy định mới; hướng dẫn thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng xem xét, quyết định giao, điều chuyển, bán xe ô tô của các cơ quan, tổ chức, đơn vị... Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã thành lập các đoàn công tác để nắm tình hình thực tế tại một số địa phương trong cả nước. Các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố cũng đều ban hành kế hoạch, chỉ thị và văn bản chỉ đạo để triển khai. Các bộ, ngành và địa phương triển khai nghiêm túc việc ban hành quy định về phân cấp quản lý, sử dụng TSC thuộc phạm vi quản lý. Đến nay, 62 địa phương đã ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh phân cấp về quản lý, sử dụng TSC, 30 bộ, cơ quan trung ương đã ban hành Quyết định về phân cấp quản lý, sử dụng TSC. Đây là cơ sở để xác định thẩm quyền trong việc khai thác nguồn lực tài chính từ TSC.
Thứ ba, tăng cường công tác quản lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp gắn với việc triển khai sắp xếp nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước: Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 25/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành được đầu tư xây dựng trụ sở mới thực hiện rà soát, đề xuất phương án xử lý đối với trụ sở cũ. Thực hiện thu hồi trụ sở làm việc cũ của một số bộ, ngành để xử lý, bố trí theo quy định. Tính đến hết tháng 11/2018, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất đối với 166.699 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích khoảng 3.217,6 triệu m2 đất và 146,4 triệu m2 nhà. Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 132.844 cơ sở với tổng diện tích là 2.282 triệu m2 đất; 124,4 triệu m2 nhà.
Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSC, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 về sắp xếp lại, xử lý TSC, theo đó, mở rộng đối tượng là công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên thuộc phạm vi phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Đối với những cơ sở nhà, đất đã được phê duyệt phương án theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nếu phù hợp với quy định, thì tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt. Đối với các trường hợp đã được phê duyệt phương án bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng quá 24 tháng chưa thực hiện thì phải rà soát lại để xử lý đúng quy định. Việc bán, chuyển nhượng phải thực hiện thông qua hình thức đấu giá công khai, trừ một số trường hợp được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thứ tư, tăng cường công tác quản lý tài chính đất đai: Triển khai Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất; quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; trong khu kinh tế, khu công nghệ cao. Ngoài ra, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về ghi nợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về tài chính nhừm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 31/CT-TTg, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh việc rà soát, xử lý nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Theo đó, số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất năm 2018 đạt cao nhất từ trước đến nay.
Thứ năm, xác lập chủ thể quản lý, đánh giá hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng: Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 5 Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thuộc lĩnh vực: Hạ tầng thủy lợi, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa.
Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng; thực hiện kiểm kê, phân loại để xác định đối tượng kế toán tài sản hạ tầng đường bộ, áp giá và hạch toán tài sản theo quy định trên phạm vi cả nước; thực hiện rà soát, thống kê, đánh giá chất lượng công trình hạ tầng đường bộ và công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, xác định giá trị công trình, thiết lập hồ sơ quản lý và quyết định giao công trình cho từng đơn vị quản lý, vận hành và khai thác.... Đây là cơ sở để triển khai các phương thức khai thác nguồn lực tài chính mới được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng TSC như: chuyển nhượng quyền thu phí, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng.
Thứ sáu, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC: Hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC đã cập nhật thông tin về TSC đối với 6 loại tài sản: (Đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; Nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; Xe ô tô các loại; Tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản; Công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ).
Cơ sở dữ liệu quốc gia đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, sử dụng tài sản thời gian vừa qua; đặc biệt là công tác lập kế hoạch, dự toán đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, ra quyết định và tổ chức thực hiện xử lý, khai thác TSC. Thông qua Cơ sở dữ liệu, các cơ quan chức năng của Nhà nước, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản đã nắm được tổng thể và chi tiết về chủng loại, số lượng, hiện trạng sử dụng TSC. Việc từng bước tổng hợp được một cách đầy đủ TSC của quốc gia là cơ sở để xây dựng kế hoạch, đánh giá việc quản lý, khai thác nguồn lực tài chính từ TSC.
Thứ bảy, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng TSC: Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ để ban hành Nghị định quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC theo hướng quy định rõ các hành vi vi phạm, bổ sung các hành vi vi phạm cho phù hợp với các điều cấm được quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSC và tình hình thực tế; nâng mức xử phạt để bảo đảm tính răn đe. Đồng thời, các cơ quan có chức năng đã tích cực triển khai công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Một số vụ việc nổi cộm trong quản lý, sử dụng TSC được kết luận, xử lý nghiêm minh đã có tác động tích cực đối với công tác quản lý, khai thác nguồn lực tài chính từ TSC.
Nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công
TSC tại đơn vị sự nghiệp công lập có tỷ trọng lớn trong khu vực hành chính sự nghiệp (chiếm 64,53% về số lượng và 69,06% về giá trị). Đây là nguồn lực tài chính hết sức quan trọng cần được bảo vệ, khai thác hiệu quả nhằm nâng cao mức độ tự chủ của đơn vị, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu NSNN.
Cùng với quá trình đổi mới nền kinh tế, cải cách hành chính, đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, chế độ và công tác tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng, khai thác TSC tại đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề khai thác nguồn lực từ TSC chưa tương xứng với tiềm năng; Việc đầu tư, trang bị cơ sở vật chất phục vụ hoạt động sự nghiệp công của các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn chủ yếu do Nhà nước bảo đảm, do vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng TSC, thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý, khai thác nguồn lực tài chính từ TSC: Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các Nghị định quy định về: Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô và sắp xếp lại, xử lý xe ô tô; sử dụng TSC để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao (BT); quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC; đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 167/2017/NĐ-CP để báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đặc biệt là xử lý nhà, đất của các DN cổ phần hóa.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý, sử dụng TSC, đặc biệt là pháp luật về đất đai, định giá, đấu giá, xác định giá trị DN khi cổ phần hóa; chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị xác định giá trị quyền sử dụng đất để hạch toán vào giá trị tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Các Bộ: Giao thông Vận tải, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội cần ban hành các văn bản quy định việc xác định tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC chuyên dùng để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương ban hành cụ thể.
Hai là, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành quy định về phân cấp quản lý, sử dụng TSC thuộc phạm vi quản lý; ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC chuyên dùng; rà soát để xử lý các trường hợp chuyển tiếp việc xử lý TSC; sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; khai thác tài sản kết cấu hạ tầng theo hợp đồng và các nội dung khác trong quản lý, sử dụng TSC bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Luật Quản lý, sử dụng TSC kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Ba là, tổ chức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, xe ô tô, máy móc, thiết bị và các tài sản khác bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và đẩy mạnh việc áp dụng cơ chế khoán, thuê tài sản phục vụ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tài sản dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng phải được xử lý kịp thời để thu nộp NSNN, đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để thất thoát TSC. Đồng thời, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 25/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; kiên quyết thu hồi diện tích nhà, đất sử dụng cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định và trụ sở cũ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới.
Bốn là, tập trung quản lý, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên: Đẩy mạnh thực hiện đấu giá trong giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN nhà nước, xử lý tài sản tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản dự án, tài sản xác lập sở hữu nhà nước và các tài sản khác có quyết định bán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản bán đấu giá hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ bán tài sản chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản bảo đảm công khai, đúng pháp luật.
Năm là, các bộ, ngành, UBND các địa phương (cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án BT) và nhà đầu tư các dự án BT chịu trách nhiệm rà soát lại các Hợp đồng BT đã ký kết và đang thực hiện, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm (nếu có); đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; không làm thất thoát TSC. Trường hợp phát hiện có vi phạm nhưng chưa gây thất thoát tài sản nhà nước thì phải điều chỉnh lại Hợp đồng BT; nếu phát hiện vi phạm (vi phạm pháp luật về NSNN, xây dựng, quản lý đất đai, đấu thầu, đầu tư công, quản lý TSC và pháp luật liên quan khác...) thì phải điều chỉnh hoặc hủy Hợp đồng BT, kịp thời thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Sáu là, tiếp tục thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý TSC và nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC để quản lý tất cả các TSC được quy định tại Luật; xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về TSC để thực hiện các giao dịch về tài sản như: bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản... đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý, xử lý TSC.
Bảy là, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý TSC, bảo đảm năng lực để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng TSC, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Tiếp tục thực hiện đào tạo, nâng cao chất lượng cho cán bộ làm công tác quản lý TSC tại các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương theo hướng chuyên nghiệp và áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.
Tám là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; xử lý kịp thời nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng TSC. Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải thực hiện từ khâu lập dự toán, đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản để phòng ngừa sai phạm; tăng cường hơn nữa công tác giám sát của cộng đồng.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành;
2. Báo cáo kết quả công tác năm 2018, kế hoạch công tác năm 2019 của Cục Quản lý công sản;
3. Báo cáo chuyên đề về công tác quản lý, sử dụng tài sản công;
4. Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 28/12/2018 của Chính phủ;
5. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công...