Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trước yêu cầu mới

Bài viết được đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 5/2020

Cùng với quá trình đổi mới, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, trong những năm qua, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam liên tục có sự cải thiện đáng kể.

Chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là yêu cầu thường xuyên, liên tục, để đánh giá “sức khỏe” của nền kinh tế.
Chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là yêu cầu thường xuyên, liên tục, để đánh giá “sức khỏe” của nền kinh tế.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng nhanh, bền vững cũng như hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là yêu cầu thường xuyên, liên tục, để đánh giá “sức khỏe” của nền kinh tế. Làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cạnh trạnh gay gắt của hội nhập, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững luôn là vấn đề mới đặt ra cần giải quyết.

Cạnh tranh và năng lực cạnh tranh quốc gia

Theo nhà kinh tế học Michael Porter, cạnh tranh (kinh tế) là giành lấy thị phần. Bản chất của cạnh tranh là tìm kiếm lợi nhuận, là khoản lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận trung bình mà doanh nghiệp (DN) đang có. Theo Adam Smith, cạnh tranh trong kinh tế luôn liên quan đến quyền sở hữu, nói cách khác, sở hữu là điều kiện để cạnh tranh kinh tế diễn ra.

Năng lực cạnh tranh quốc gia là tổng hợp các thể chế, chính sách và nhân tố quyết định mức độ hiệu quả và tính năng suất của một quốc gia. Một nền kinh tế có năng suất, hiệu quả là nền kinh tế có năng lực sử dụng, khai thác tốt các nguồn lực. Nền kinh tế phát triển bền vững hay không phụ thuộc nhiều vào năng lực cạnh tranh quốc gia cao hay thấp, cũng như mức độ thuận lợi hay kém thuận lợi của môi trường kinh doanh.

Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam

Trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung trước đây, phạm trù cạnh tranh hầu như không tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam. Tại thời điểm này, môi trường kinh doanh Việt Nam không có yếu tố cạnh tranh, các DN được Nhà nước bao cấp hoàn toàn về vốn, chi phí cho mọi hoạt động, kể cả khi làm ăn thua lỗ trách nhiệm này cũng thuộc về Nhà nước. Chính cơ chế này đã tạo ra sự trì trệ, ỷ lại của các thành phần kinh tế, dẫn đến năng lực cạnh tranh quốc gia yếu kém. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đánh dấu bước chuyển bằng cơ chế, chính sách đổi mới thể chế; nền kinh tế thị trường bắt đầu được hình thành, vấn đề cạnh tranh xuất hiện và có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đối với DN mà còn đối với người tiêu dùng, cũng như nền kinh tế quốc dân nói chung.

Trong những năm gần đây, cùng với quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trước yêu cầu hội nhập, so với các nước trong khu vực, năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn có những khoảng cách nhất định. Bài viết làm rõ năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam thông qua 3 góc độ: Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu; Hệ số tín nhiệm quốc gia; Xếp hạng môi trường kinh doanh trong những năm gần đây của Việt Nam.

Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam

Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố hàng năm nhằm đánh giá và xếp hạng các nền kinh tế trên thế giới về khả năng cạnh tranh. Theo đánh giá của WEF, năm 2017, Việt Nam xếp hạng thứ 55/137 nền kinh tế, tăng 5 bậc so với năm 2016 và là thứ hạng cao nhất của Việt Nam kể từ khi WEF công bố GCI. Với thứ hạng này, Việt Nam xếp trên một số nước ASEAN như: Lào (98); Campuchia (94); Philipinnes (56), nhưng còn khoảng cách rất xa so với Singapore (3); Malaysia (23); Thái Lan (32); Indonesia (36) và các nền kinh tế lớn của châu Á là Nhật Bản (9); Hàn Quốc (26); Trung Quốc (27); Ấn Độ (40).

Trải qua 10 năm, GCI của Việt Nam cải thiện được 13 bậc, từ thứ hạng 68/131 năm 2007 đã lên 55/137 năm 2017 và chuyển từ nhóm nửa dưới của bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu lên nhóm nửa trên. Năm 2019, WEF đã nâng hạng GCI của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018, xếp thứ 67/141 nền kinh tế. Đánh giá của WEF về chi tiết 12 tiêu chí của Việt Nam cho thấy, 8/12 tiêu chí của Việt Nam tăng điểm và tăng nhiều bậc.

Đáng chú ý trong số đó, trụ cột ứng dụng công nghệ thông tin tăng điểm và tăng hạng nhiều nhất (tăng 25,7 điểm và 54 bậc, từ 43,3 điểm lên 69 điểm và theo đó thứ hạng từ vị trí 95 lên vị trí 41). Tất cả các chỉ số thành phần trong trụ cột này đều tăng điểm, tăng hạng (như thuê bao internet cáp quang, thuê bao di động, số người sử dụng internet…). Tiếp đến là trụ cột thị trường sản phẩm tăng 23 bậc (từ vị trí 102 lên thứ 79), với các chỉ số về cạnh tranh trong nước đều tăng điểm và tăng hạng, độ mở thương mại được ghi nhận tích cực với việc giảm bớt các rào cản phi thuế.

Mức độ năng động trong kinh doanh tăng 12 bậc (từ vị trí 101 lên vị trí 89), với những cải thiện mạnh mẽ trên hầu hết các chỉ số thành phần (ngoại trừ phá sản DN), nhất là những chỉ số thể hiện tăng trưởng các DN đổi mới sáng tạo, DN có ý tưởng đột phá. Trụ cột năng lực đổi mới sáng tạo tăng 6 bậc (từ thứ hạng 82 lên thứ hạng 76). Trụ cột thể chế tăng 0,3 điểm và 5 bậc (từ vị trí 94 lên vị trí 89). Trong đó, đáng kể nhất là nhóm các chỉ số thể hiện mức độ định hướng tương lai của Chính phủ tăng mạnh.

Tuy nhiên, với 12 trụ cột này thì còn 3 trụ cột tụt hạng và 1 trụ cột giữ vị trí không đổi. Cụ thể, trụ cột ổn định kinh tế vĩ mô không thay đổi điểm số và thứ hạng (giữ ở mức 75 điểm và thứ hạng 64). Trụ cột hệ thống tài chính tăng 1,6 điểm, nhưng giảm 1 bậc; trụ cột cơ sở hạ tầng tăng 0,5 điểm, nhưng giảm 2 bậc. trụ cột y tế giảm điểm nhẹ (0,5 điểm, từ 81 điểm xuống 80,5 điểm), do đó tụt 3 hạng (từ vị trí 68 xuống vị trí 71). Mặt khác, có 8/12 chỉ số trụ cột hiện ở thứ hạng thấp hoặc rất thấp. Các trụ cột có thứ hạng dưới thứ hạng chung về năng lực cạnh tranh (thứ 67) gồm: Thể chế (89), cơ sở hạ tầng (77), y tế (71), kỹ năng (93), thị trường sản phẩm (79), thị trường lao động (83), mức độ năng động trong kinh doanh (89) và năng lực đổi mới sáng tạo (76).

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trước yêu cầu mới  - Ảnh 1

Ở cấp độ các chỉ số thành phần, một số chỉ số có sự suy giảm mạnh như: Dấu hiệu tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, hiện đứng ở gần cuối bảng (thứ 101), giảm 10 bậc so với năm 2018 (thứ 91); Mức độ tiếp xúc với nước uống không an toàn có dấu hiệu tăng, hiện ở thứ hạng thấp (thứ 95), giảm 13 bậc so với năm 2018 (thứ 82); Hiệu quả dịch vụ cảng biển tuy không giảm điểm, nhưng tụt 5 bậc (đứng thứ 83)… Đáng chú ý là trong trụ cột hệ thống tài chính, chỉ số nguồn vốn cho DN nhỏ và vừa (DNNVV) giảm 0,8 điểm và 12 bậc, đứng ở thứ hạng 97 (năm 2018 có thứ hạng 85). Kết quả này cho thấy, tiếp cận tín dụng vẫn là trở ngại lớn đối với các DNNVV. Bên cạnh đó, mức độ sẵn có về vốn đầu tư mạo hiểm tuy có sự cải thiện, nhưng chậm hơn so với nhiều nền kinh tế, dẫn tới thứ hạng giảm 10 bậc (từ vị trí 51 xuống vị trí 61). Điều này phần nào phản ánh môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam chưa thực sự ổn định và thuận lợi, khiến các quỹ đầu tư còn thận trọng khi đầu tư vào Việt Nam.

Mặc dù, năng lực cạnh tranh quốc gia đã đạt được những tiến bộ nhất định nhưng cũng cần nhìn thẳng vào sự thật là các xếp hạng mà Việt Nam đạt được chỉ ở vị trí trung bình thấp, các chỉ số về thể chế, hạ tầng, chi phí ngoài pháp luật còn xếp ở thứ hạng rất thấp và hạn chế năng lực cạnh tranh quốc gia, cũng như năng lực cạnh tranh của DN và sản phẩm, dịch vụ. Điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng cho thấy, 54% DN xác nhận phải chi ngoài pháp luật để “bôi trơn” trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam

Hệ số tín nhiệm quốc gia là chỉ số cơ bản được các nhà đầu tư quốc tế sử dụng như là một yếu tố xác định mức độ rủi ro khi đầu tư vào một quốc gia, do đó, kết quả xếp hạng tín nhiệm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng huy động vốn của một quốc gia trên thị trường quốc tế. Năm 2005, hệ số tín nhiệm của Việt Nam được Moody’s xếp hạng ở mức ổn định Ba3. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế thế giới các năm 2007 - 2008 đã có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam: Lạm phát và rủi ro tài chính tăng cao; các cú sốc mạnh về lãi suất, tình hình nợ xấu luôn ở mức cảnh báo. Vì vậy, Moody’s đã giảm hệ số xếp hạng tín nhiệm tài chính của Việt Nam xuống mức B1 trong năm 2010 và năm 2011; năm 2012 tiếp tục giảm một bậc ở mức B2 và là mức thấp nhất so với một số quốc gia trong khu vực. Năm 2013, theo S&P, Việt Nam có hệ số tín nhiệm tài chính thấp nhất so với một số nước ASEAN và Hàn Quốc, ở mức BB-, là mức ít bị ảnh hưởng trong ngắn hạn nhưng phải đối mặt với sự không ổn định đang gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh, các điều kiện tài chính và kinh tế.

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trước yêu cầu mới  - Ảnh 2

Thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô từ năm 2012 - 2014 đã đánh dấu bước ngoặt mới về mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Moody’s đã nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức B1 (so với mức B2 năm 2012); S&P và Fitch’s tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm ở mức BB- với triển vọng được đánh giá là ổn định và tích cực. Năm 2017, Việt Nam tiếp tục ổn định vĩ mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, lạm phát được kiểm soát; nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất; dự trữ ngoại hối của Việt Nam tiếp tục được cải thiện; đảm bảo an toàn nợ công và tái cơ cấu khu vực DN Nhà nước... Trên cơ sở đó, Fitch’s đưa hệ số tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB-, mức triển vọng tín nhiệm đã được nâng lên từ “ổn định” lên mức“tích cực”. Trong năm 2018, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực, Moody’s đã nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức Ba3 từ mức B1 của năm 2017 và thay đổi triển vọng từ mức tích cực sang mức ổn định. Fitch’s cũng nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam từ BB- (năm 2017) lên BB.

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trước yêu cầu mới  - Ảnh 3

Ngày 09/4/2020, Tổ chức Fitch Ratings (Fitch) thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB và điều chỉnh triển vọng sang Ổn định. Tổ chức này cũng đánh giá cao việc Việt Nam củng cố tình hình tài khóa và tích lũy dự trữ ngoại hối, góp phần tăng mức đệm dự phòng trước những rủi ro vĩ mô. Fitch cũng dự báo, đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến là 7,3% do nhu cầu trong nước và nước ngoài dần hồi phục theo xu hướng toàn cầu và khu vực. Đáng chú ý, ngay trong tháng 4/2020, Fitch đã có động thái điều chỉnh đánh giá tín nhiệm tiêu cực đối với 19 nước trên toàn cầu, trong đó 12 quốc gia bị hạ bậc tín nhiệm và 7 quốc gia bị hạ triển vọng.

Xếp hạng về môi trường kinh doanh

Theo Báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh “Doing Business 2018” của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tiếp tục được tăng hạng về môi trường kinh doanh khi xếp hạng thứ 68 trên 190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với đánh giá trong năm 2017, là mức tăng bậc nhiều nhất trong 10 năm qua của Việt Nam, trong đó có 8/10 chỉ số tăng điểm và 6/10 chỉ số tăng bậc. Điều này khẳng định môi trường kinh doanh, thuận lợi hóa kinh doanh của Việt Nam năm 2018 đã được cải thiện. Những lĩnh vực mà Việt Nam được đánh giá có nhiều cải cách, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn là tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng, nộp thuế, giao thương quốc tế và thực hiện hợp đồng. 10 lĩnh vực của Việt Nam có thứ hạng xếp trong khoảng từ 20 đến 129, được đánh giá cao nhất vẫn là giải quyết thủ tục cấp giấy phép/cấp phép xây dựng (xếp thứ 20) và thấp nhất là xử lý khi mất khả năng thanh toán (129).

So sánh tương quan vị thế của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng sau 4 quốc gia về môi trường kinh doanh là Singarpore (đứng vị trí thứ 2 thế giới về môi trường kinh doanh); Malaysia (24); Thái Lan (26); Brunei (56) và cao hơn các nước như: Indonesia (72); Philippinnnes (113); Campuchia (135); Lào (141); Mianma (171).

Tháng 10/2019, Ngân hàng Thế giới công bố kết quả xếp hạng Môi trường kinh doanh “Doing Business 2020”. Đáng chú ý, trong lần xếp hạng này, Việt Nam tăng 1,2 điểm (từ 68,6 lên 69,8 điểm), nhưng giảm 1 bậc xếp hạng chung (từ vị trí 69 xuống vị trí 70). Có nghĩa là các nền kinh tế khác đang đi nhanh và mạnh hơn Việt Nam. Ngay trong số 5 chỉ tiêu tăng điểm của Việt Nam năm 2020, Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ghi nhận có 2 cải cách là nộp thuế và tiếp cận tín dụng.

Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cạnh tranh mạnh mẽ giữa các quốc gia hiện nay. Do vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cần quan tâm đến một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục thể chế và thực thi thể chế tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và cạnh tranh, hoàn thiện cơ chế phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương, đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính công, tăng cường công khai minh bạch và phòng, chống tham nhũng. Giải quyết đồng bộ việc ban hành và thực thi các quy định pháp luật về kinh doanh và cạnh tranh.

Thứ hai, tăng cường ổn định bền vững kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất lao động và đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong mô hình tăng trưởng theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường đối mới sáng tạo. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động quốc gia và sự đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp vào mô hình tăng trưởng theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả huy động tiếp cận nguồn lực và thị trường trong nước, thế giới, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết trong nước và năng lực hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển và tăng cường tiếp cận các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, đặc biệt là vốn, lao động, khoa học-công nghệ, cơ sở hạ tầng và tài nguyên. Thúc đẩy các động lực cạnh tranh lành mạnh và phát huy lợi thế so sánh của các địa phương, tăng cường liên kết ngành kinh tế, chủ thể kinh tế và không gian kinh tế, vùng kinh tế, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.

Thứ tư, phát triển mạnh mẽ các loại hình DN của Việt Nam, tăng cường khởi sự DN; Tạo lập môi trường pháp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước.

Thứ năm, đẩy mạnh kết nối khu vực và coi trọng các giải pháp phát triển bền vững. Xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2020), Nghị quyết số 02/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020;
2. Chính phủ (2019), Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021;
3. Tổng cục Thống kê, (2019), Thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam so với các nước trong khu vực;
4. Ngân hàng Thế giới, Báo cáo Môi trường kinh doanh - Doing Business, các năm 2017, 2017, 2019, 2020;
5. Ban Kinh tế Trung ương (2016), Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển doanh nghiệp”.