Phát huy vai trò của FDI trong phát triển kinh tế đất nước

Lâm Dương

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo thống kê, trong hơn 30 năm qua, trung bình mỗi năm, Việt Nam thu hút hơn 7 tỷ USD; bình quân mỗi người khoảng 2,2 triệu USD.

Vai trò và hiệu quả FDI đối với nền kinh tế Việt Nam

Trong hơn 30 năm thu hút vốn FDI, Việt Nam đã thu hút trung bình hơn 7 tỷ USD/năm, bình quân khoảng 2,2 triệu USD/người dân. Trong giai đoạn 1988-2019, vốn FDI thực hiện bằng khoảng 47% vốn đăng ký.

Nghiên cứu về hiệu quả khu vực FDI trong giai đoạn 2011-2019 thấy rằng, khu vực FDI đóng góp khoảng 25,7% cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 13% GDP năm 2010 và 19,6% GDP năm 2019.

Nghiên cứu về hiệu quả khu vực FDI trong giai đoạn 2011-2019 thấy rằng, khu vực FDI đóng góp khoảng 25,7% cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 13% GDP năm 2010 và 19,6% GDP năm 2019.

Tính đến năm 2019, lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn FDI vào khoảng 6,1 triệu người. Năng suất lao động của khu vực FDI đạt mức khoảng 118 triệu đồng (giá năm 2010), đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8,7%/năm (cao hơn rất nhiều so với năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp trong nước: 8,7/4,6).

Theo Sách trắng doanh nghiệp năm 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, thu nhập trung bình 1 lao động của khu vực doanh nghiệp FDI đạt khoảng 11,2 triệu đồng/tháng, cao hơn mức trung bình của nền kinh tế khoảng 1,2 lần (11,2/9,6).

Đối với thu ngân sách nhà nước, thu trong nước chiếm tỷ trọng lớn. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng tỷ lệ đóng góp vào thu ngân sách nhà nước trong những năm gần đây (tỷ lệ 10,8% năm 2010 tăng lên khoảng 13,6% năm 2019). Đây là tín hiệu tốt nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm lực thực tế của khu vực FDI.

Điều này cũng cho thấy, đóng góp của FDI cho nền kinh tế Việt Nam còn hạn chế. Khu vực FDI chiếm khoảng 23-24% vốn đầu tư xã hội nhưng chỉ đóng góp khoảng 19,6% vào tổng GDP của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, khu vực FDI đóng góp lớn và gia tăng độ mở của nền kinh tế do tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI vào tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2011- 2018, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp FDI đạt trung bình khoảng 6,2%, trong khi mức trung bình doanh nghiệp của cả nước chỉ đạt khoảng 3,85%. Tuy nhiên, do chưa tính toán được thất thoát do chuyển giá của nhiều doanh nghiệp FDI nên thực chất hiệu quả của khu vực FDI chưa thể khẳng định.

Giải pháp phát huy hiệu quả của FDI đối với kinh tế - xã hội

Có thể thấy, vai trò FDI đối với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn, cả trong hiện tại và tương lai. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn này vào phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, có những chủ trương, định hướng mới trong thu hút vốn FDI để tăng tốc nền kinh tế. Gia tăng thu hút các dự án FDI có quy mô vốn lớn, nắm giữ công nghệ cao đến từ các nước phát triển hàng đầu trên thế giới là chủ trương xuyên suốt được đặt ra.

Theo đó, Việt Nam cần có chính sách đảm bảo thu hút vốn FDI chiếm khoảng 25-27% vốn đầu tư xã hội để nền kinh tế bứt tốc. Mỗi năm phấn đấu thu hút khoảng 20 tỷ USD và tỷ lệ vốn thực hiện khoảng 70-75% số vốn đăng ký.

Cùng với đó, nâng tỷ lệ vốn FDI đến từ các nước phát triển hàng đầu thế giới để phát triển mạnh hơn nữa công nghiệp điện tử, chế tạo máy móc thiết bị với công nghệ cao, có nhiều giá trị gia tăng và có khả năng xuất khẩu lớn. Đồng thời, làm cơ sở thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp trong nước, góp phần tạo nên các chuỗi giá trị trong nước.

Thứ hai, hoàn thiện chính sách thu hút vốn FDI, đảm bảo đồng bộ, nhất quán. Từ Trung ương đến địa phương cần đưa ra các cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng nhà đầu tư FDI, tạo thuận lợi để các nhà đầu tư làm ăn có hiệu quả, lâu dài và ổn định.

Bên cạnh đó, ban hành các chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong môi trường đầu tư của Việt Nam. Mặt khác, hạn chế những dự án chỉ có công nghệ trung bình, sử dụng nhiều đất và tiêu tốn nhiều điện lại có nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Thứ ba, đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển. Theo đó, Việt Nam cần tập trung đào tạo nhân lực quản lý bậc trung và nhân lực làm việc trong lĩnh vực chuyển đổi số. Chính phủ ưu tiên hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân lực cho những dự án sử dụng công nghệ cao, quy mô lớn phù hợp với hình thành các lĩnh vực mũi nhọn và các sản phẩm chủ lực của Việt Nam.

Thứ tư, phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước nhằm hình thành chuỗi giá trị. Phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam cả về số lượng, quy mô và chất lượng có năng lực kết nối với doanh nghiệp FDI là yêu cầu đặt ra trong quá trình hội nhập, thu hút FDI.

Việt Nam là quốc gia vừa thiếu công nghệ nguồn, công nghệ hiện đại, vừa thiếu nguyên liệu theo yêu cầu của các nhà lắp ráp lớn đã đầu tư vào Việt Nam nên Nhà nước cần có kế hoạch khả thi, thực tế để phát triển lực lượng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh.

Thứ năm, đánh giá hiệu quả kinh tế FDI trên phạm vi cả nước. Để thực hiện nội dung này, Nhà nước nên có hướng dẫn đánh giá hiệu quả FDI thống nhất cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trong đó, cần xây dựng các chỉ tiêu định lượng và cách đánh giá thiệt hại do chuyển giá của doanh nghiệp FDI; Nên hình thành cổng thông tin điện tử về FDI và công khai kết quả đánh giá hiệu quả cho doanh nghiệp người dân được biết một cách công khai, minh bạch.