Phòng chống gian lận xuất xứ trong bối cảnh căng thẳng thương mại


Tăng cường quản lý chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại là việc làm cần thiết để bảo vệ ngành sản xuất trong nước cũng như giữ vững hình ảnh, uy tín của hàng xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh thương mại thế giới nhiều biến động như hiện nay.

Biện pháp cần triển khai ngay là cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Biện pháp cần triển khai ngay là cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Trao đổi với phóng viên báo chí bên lề Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại" do Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 14/11, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành khẳng định, tiếp thu kinh nghiệm từ hội thảo, cơ quan chức năng, các bộ, ngành cùng nhau nhận thức đúng, đầy đủ về tình hình gian lận xuất xứ Việt Nam và chuyển tải bất hợp pháp; đồng thời sẽ có giải pháp phòng tránh, chủ động ngăn chặn hàng hóa có dấu hiệu chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam đi các thị trường khác.

Ông Thành cho biết, tính từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tiếp tục tăng với tốc độ cao, 10 tháng năm 2019, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 49,9 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã có đánh giá “khá nhạy cảm” về tăng trưởng quá nhanh của hoạt động xuất khẩu hàng Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang hết sức nỗ lực trong việc phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan đồng thời xác định cách thức hợp tác với Chính phủ Hoa Kỳ nhằm giải quyết vấn đề chuyển tải bất hợp pháp, đang là vấn đề được quan tâm trong quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

Trong thời gian qua, cơ quan hải quan đã phát hiện, xử lý một số vụ việc gian lận, khi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lại được xuất đi nhiều thị trường dưới mác hàng Việt, trong đó có Hoa Kỳ, gây tổn hại đến lợi ích quốc gia.

Bên cạnh đó, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng rất nhanh, tới trên 40%. Điều đó làm đặt ra câu hỏi: có hay không sự liên thông giữa hàng từ Trung Quốc qua Việt Nam tới Hoa Kỳ.

Trước những diến biến phức tạp và bất ổn của thương mại thế giới, tại Việt Nam, thực tế đấu tranh với các hành vi vi phạm, cơ quan hải quan nhận thấy còn khuyết thiếu các quy định liên quan đến nhãn mác hàng hóa; quy định rõ hơn về xuất xứ hàng Việt Nam… Cơ quan hải quan cũng đã nhiều lần kiến nghị với Bộ Công thương trong việc hoàn thiện các quy định về xuất xứ đối với hàng hóa Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chia sẻ.

Trước thực tế trên, Hải quan Việt Nam đã có đánh giá và triển khai những biện pháp nghiên cứu, cùng với các bộ, ngành có kiến nghị với Chính phủ và Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về vấn đề này.

Trong thời gian tới cơ quan hải quan sẽ tiến hành rà soát, đánh giá năng lực sản xuất của từng doanh nghiệp có tham gia hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ để phân tích rủi ro và lựa chọn những doanh nghiệp cần phải kiểm tra kỹ lưỡng.

Mặt hàng thì khá đa dạng trên một diện rộng, trước mắt, cơ quan hải quan sẽ nghiên cứu tập trung vào những mặt hàng có tăng trưởng lớn, đột biến, những mặt hàng tăng trưởng từ 15% trở lên.

Điển hình như nhóm hàng điện, điện tử, linh kiện điện tử vẫn trong nhóm có nhiều nguy cơ gia tăng. Ngay cả những mặt hàng thủ công như là gỗ, tưởng là thế mạnh của Việt Nam, nhưng cũng xuất hiện gian lận.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, trong đó sẽ có thống kê về các vụ việc gian lận, có dấu hiệu chuyển tải bất hợp pháp vào thị trường Hoa Kỳ và sẽ có kết quả báo cáo vào cuối năm 2019.

Để nâng cao hiệu quả chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, về phía cơ quan hải quan cũng đang nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan, nhằm đảm bảo các chế tài đủ sức răn đe , một trong những biện pháp cần triển khai ngay là cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) thông qua Cơ chế một cửa quốc gia...