Phòng vệ thương mại - Công cụ hữu hiệu để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước

Huyền Anh

Ngày 19/11/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại (PVTM) dành cho các cơ quan báo chí bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Quang cảnh hội nghị phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại dành cho các cơ quan báo chí tại điểm cầu Ban Tuyên giáo Trung ương.
Quang cảnh hội nghị phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại dành cho các cơ quan báo chí tại điểm cầu Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tham dự Hội nghị có ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương); ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) và đông đảo các phóng viên của các cơ quan báo chí tại điểm cầu trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Tiến trình hôi nhập kinh tế quốc tế đã góp phần thay đổi căn bản thể chế kinh tế nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung, thể hiện rõ nhất qua hoạt động ngoại thương.

Nếu như kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2001 (khi ký kết, thực hiện Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ) mới đạt hơn 30 tỷ USD, thì 6 năm sau, năm 2007 (khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO), con số này là 100 tỷ USD; 4 năm sau đó (năm 2011) đạt 200 tỷ USD và năm 2019, con số này đã là 517 tỷ USD. 

PVTM bao gồm các biện pháp như: (i) Tự vệ (áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước); (ii) Chống bán phá giá (CBPG); (iii) Chống trợ cấp (áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh do bị bán phá giá hoặc được nước xuất khẩu trợ cấp).

Trong cùng giai đoạn, xuất khẩu đã tăng từ mức 15 tỷ USD vào năm 2001 lên gần 50 tỷ USD năm 2007, gần 100 tỷ USD năm 2011 và đạt hơn 280 tỷ USD vào năm 2020. Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới. Quy mô xuất khẩu, nhập khẩu tăng nhiều lần cho thấy năng lực của nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã cao hơn, hàng hóa đã thâm nhập được và cạnh tranh sòng phẳng trên nhiều thị trường xuất khẩu.

Để bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế và đưa ra các cam kết về xóa bỏ hàng rào thuế, hàng rào phi thuế, các nhà đàm phán của các thành viên WTO trước đây, hay các hiệp định FTA hiện nay, đã thiết kế công cụ là PVTM.

Theo các chuyên gia đánh giá, thời gian qua, PVTM được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA như hiện nay. Do vậy, việc sử dụng và ứng phó các biện pháp PVTM ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới, các vụ việc PVTM gồm: chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng.

Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu, do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về PVTM để bảo vệ lợi ích của nhiều ngành sản xuất trong nước.

Theo thống kê, tính đến tháng 11/2021, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 23 vụ việc PVTM, trong đó có 13 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ chống trợ cấp, 6 vụ tự vệ và 1 vụ chống lẩn tránh các biện pháp PVTM. Đối tượng bao gồm các sản phẩm như thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón DAP, nhôm, ván gỗ, đường mía …

“Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động cung cấp thông tin về PVTM cho các cơ quan báo chí, bởi đây là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp và là kênh thông tin hữu hiệu trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách về PVTM để người dân và doanh nghiệp hiểu đúng hơn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.

Trên thực tế, các biện pháp PVTM đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với doanh nghiệp, bảo vệ sản xuất trong nước. Nhờ công cụ PVTM, một số doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất. Đặc biệt, các biện pháp PVTM góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước.

Chính vì vậy, để phát huy hơn nữa vai trò của các biện pháp PVTM trong tiến trình hội nhập, Việt Nam đã và đang hoàn thiện hệ thống pháp luật, nghị định, thông tư, đề án về PVTM...

Theo thống kê, tính đến tháng 11/2021, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 23 vụ việc PVTM, trong đó có 13 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ chống trợ cấp, 6 vụ tự vệ và 1 vụ chống lẩn tránh các biện pháp PVTM. Đối tượng bao gồm các sản phẩm như thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón DAP, nhôm, ván gỗ, đường mía …