Cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh: Lực đẩy để “đầu tàu” bứt phá

PV.

Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV và nhận được sự đánh giá cao của đa số đại biểu Quốc hội với kỳ vọng tạo ra lực đẩy cho TP. Hồ Chí Minh vươn lên phát triển bứt phá.

Cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh: Lực đẩy để “đầu tàu” bứt phá - Ảnh 1
TP. Hồ Chí Minh đã và đang là một trung tâm kinh tế lớn nhất, mang ý nghĩa đầu tàu của cả nước. Nguồn: internet

Vai trò “đầu tàu” cần được phát huy

TP. Hồ Chí Minh đã và đang là một trung tâm kinh tế lớn nhất, mang ý nghĩa đầu tàu của cả nước. Thành phố là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là địa phương có đóng góp số thu ngân sách nhà nước cao nhất cả nước (khoảng 28%), tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương là 82%.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng ngày 20/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, GDP của TP. Hồ Chí Minh chiếm 1/5 GDP cả nước, tốc độ tăng trưởng cao gấp 1,6 lần, số doanh nghiệp chiếm 1/3 cả nước. Thành phố có cơ cấu kinh tế hiện đại với 99% là khu vực công nghiệp và dịch vụ. Như vậy, TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh hơn sẽ đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của cả nước. 

Riêng về đóng góp ngân sách, TP. Hồ Chí Minh là địa bàn đóng góp lớn nhất vào ngân sách trung ương (tới 30%). Thành phố thu được 100 đồng thì đóng góp tới 82 đồng cho ngân sách trung ương, do đó, số thu của TP. Hồ Chí Minh tăng sẽ giảm gánh nặng cho các địa phương khác.

Tuy nhiên, tăng trưởng của Thành phố đang chậm lại, từ mức tăng trưởng hai con số (10,7% bình quân từ 1986 – 2010) đến nay đã giảm về một con số. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phát triển của nền kinh tế cả nước, khiến nguồn thu đóng góp vào ngân sách cũng giảm đi.

Nếu như trước đây, tốc độ tăng thu ngân sách của TP. Hồ Chí Minh khoảng trên dưới 20%/năm thì nay chỉ còn 14 – 16%, tác động trực tiếp đến cân đối của ngân sách trung ương do trên 80% các khoản thu phân chia nội địa và 100% khoản thu xuất nhập khẩu và dầu thô trên địa bàn thuộc ngân sách trung ương.

Do vậy, Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh với nhiều cơ chế đặc thù cho địa phương này như: Cơ chế cho phép Thành phố được thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách; Cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý… được kỳ vọng sẽ là cơ sở pháp lý tạo động lực để TP. Hồ Chí Minh phát huy vai trò “đầu tàu” của mình trong nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, trao cho TP. Hồ Chí Minh những cơ chế đặc thù chính là giao nhiệm vụ. Cả nước vì TP. Hồ Chí Minh thì Thành phố cũng sẽ làm tốt trách nhiệm của mình vì cả nước. Với Dự thảo Nghị quyết này, Thành phố sẽ có đủ căn cứ pháp lý để bứt phá, phát triển, tiên phong cho cả nước.

Đồng thuận với đại biểu Mai Hoa, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhận định, nếu được thông qua, Nghị quyết này không chỉ mở ra cho TP. Hồ Chí Minh cơ hội phát triển và Thành phố không chỉ mang lại cho đất nước lợi ích về vật chất mà điều quan trọng hơn cả vật chất, đó chính là cơ chế. Nếu những cơ chế cho TP. Hồ Chí Minh có kết quả tốt sẽ được ứng dụng ở những nơi khác, mang lại lợi ích chung của cả nước, bao gồm cả Hà Nội.

Nghị quyết tuy là thí điểm, nhưng sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc giúp cho cả nước hoàn thiện chính sách, ổn định và hiệu quả trong điều hành.” - Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nhấn mạnh.

Xem xét, tính toán kỹ lưỡng khi xây dựng Dự thảo Nghị quyết

Trước những băn khoăn của đại biểu Quốc hội về phân cấp, phân quyền trong cơ chế chính sách tài chính, đặc biệt là đề xuất thuế tài sản, điều chỉnh chính sách thu hiện hành, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng làm rõ, khi đề xuất chính sách này, Thành phố và Chính phủ đã lường trước những vấn đề nảy sinh. Do vậy, trong dự thảo Nghị quyết đã quy định các nguyên tắc để không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới sản xuất, lưu thông hàng hoá trên cả nước, tập trung vào hàng hoá phát sinh trên địa bàn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tậm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh.

Về thuế tài sản, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, đây là sắc thuế khó, cần sự đồng bộ, đồng thuận ở các lĩnh vực quản lý khác nên cần phải có thí điểm để tổng kết nhân rộng. Bộ trưởng đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc mở rộng đối tượng thu thuế ở những chính sách thuế hiện có, tập trung vào chính sách thuế điều tiết tiêu dùng trên địa bàn thành phố của các mặt ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, sản xuất kinh doanh, mặt hàng có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tăng cường các biện pháp chống thất thu và quản lý nợ đọng thuế, chống chuyển giá và gian lận thương mại.

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết này không có nghĩa Thành phố sẽ thực hiện ngay việc tăng thuế mà Thành phố phải xây dựng đề án cụ thể như tăng thuế suất, tăng mức đối tượng chịu thuế nào; phải đánh giá đầy đủ các chính sách, tác động đến môi trường kinh doanh, đời sống người dân và tác động xã hội khác… sau đó báo cáo Hội đồng nhân dân, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nếu cần thiết để xem xét quyết định.

Bên cạnh đó, về nâng dư nợ vay của Thành phố, cuối năm 2017 dư nợ ước tính là 22.000 tỷ đồng, bằng 40% hạn mức dư nợ, nếu nâng dư nợ vay lên mức 90% như đề xuất thì mức vay của Thành phố theo dự toán năm 2018 khoảng 70.000 tỷ đồng, tăng 15.700 tỷ đồng, đảm bảo cho Thành phố có thêm dư địa vay, đẩy mạnh cho vay lại từ nguồn của Chính phủ vay nước ngoài, tránh để thất thoát như hiện nay.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, dự kiến theo các hiệp định đã ký, trong số vay đó Thành phố hàng năm có khoản 1 tỷ USD phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng… Hàng năm, căn cứ vào mức trần nợ công, Chính phủ sẽ tính toán phù hợp cho các địa phương, bao gồm cả TP. Hồ Chí Minh để đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép.

Về tác động của Nghị quyết, Bộ trưởng cho biết, Dự thảo Nghị quyết được xem xét, tính toán kỹ lưỡng trước khi xây dựng để đảm bảo các cơ chế chính sách này cơ bản không làm thay đổi các cân đối lớn về ngân sách nhà nước và nợ công trong kế hoạch tài chính 5 năm, cũng như kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020, không ảnh hưởng phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các bộ, ngành, địa phương…