Tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu

PV.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 231/TB-VPCP kết luận Phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kết quả đã đạt được

Theo Thông báo của Văn phòng Chính phủ, thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan đã quyết liệt chỉ đạo triển khai và hoàn thành nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, cả công việc trước mắt cũng như công việc mang tính lâu dài.

Trong đó, đã hoàn thành xây dựng dự thảo Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí metan của ngành Giao thông vận tải, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Kế hoạch hành động của các ngành thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26…

Đồng thời, xây dựng và công bố Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam; đã tổ chức triển khai cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022; thành lập Nhóm làm việc đàm phán về quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý với một số đối tác phát triển; rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với xu thế chuyển đổi năng lượng xanh, sạch. Nhiều Bộ, ngành đã ký kết các thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác, tích cực trao đổi với nhiều tổ chức quốc tế, các định chế tài chính quốc tế để huy động nguồn lực triển khai thực hiện cam kết.

Các địa phương đã tích cực, chủ động vào cuộc cùng với Chính phủ và các Bộ, ngành, bước đầu đã nhận thức và tổ chức triển khai, quán triệt về các cam kết tại Hội nghị COP26, nhất là đánh giá, khảo sát chuyển đổi năng lượng, làm rõ những thế mạnh của địa phương, những nhiệm vụ phải triển khai để ứng phó với biến đổi khí hậu. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã hành động ngay với các dự án phát triển xe điện, điện gió ngoài khơi, sản xuất hydro xanh, sản xuất năng lượng sinh khối…

Công tác truyền thông đã được tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm; đồng thời khuyến khích, động viên, tạo động lực, truyền cảm hứng cho cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân về ứng phó với biến đổi khí hậu...

Khuyến khích chuyển đổi xanh, chuyển đổi số

Cùng với những kết quả đã đạt được, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng theo chức năng quản lý nhà nước được giao ban hành các hướng dẫn chi tiết về kiểm kê khí nhà kính, đo đạc - báo cáo - thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đảm bảo nội dung, tiến độ theo đúng quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

Về tổ chức Hội nghị đối thoại với các đối tác phát triển, Ban Chỉ đạo thống nhất nội dung Đề án tổ chức Hội nghị đối thoại hợp tác với các đối tác phát triển về triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" và chuyển đổi năng lượng như đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các Bộ, ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ theo phân công tại Đề án, trong đó chú ý nêu bật những kết quả đã thực hiện, đồng thời nêu rõ nhu cầu hỗ trợ cụ thể của mỗi Bộ, ngành để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Đề xuất yêu cầu hợp tác với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để tiến tới ký kết các thỏa thuận hợp tác cụ thể.

Về đàm phán Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, Ban Chỉ đạo cơ bản đồng ý với những nội dung chính về Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao khẩn trương hoàn thiện kế hoạch đàm phán với các đối tác, đảm bảo tính công bằng, công lý, khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và xu thế phát triển của thế giới; phát huy tiềm năng, lợi thế, tận dụng cơ hội và hóa giải những thách thức một cách hiệu quả nhất. 

Đồng thời, Ban Chỉ đạo yêu cầu các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thành trước ngày 15/8/2022 các báo cáo về chuyển đổi công bằng, công lý trong ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao, bao gồm: Chuyển đổi công bằng trong khai thác, chế biến nhiên liệu hóa thạch; chuyển đổi công bằng trong sản xuất điện (Bộ Công Thương); chuyển đổi công bằng trong lĩnh vực giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải); chuyển đổi công bằng trong lĩnh vực xây dựng và quản lý tòa nhà (Bộ Xây dựng); chuyển đổi công bằng trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng tới an sinh, xã hội và việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng tới các doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Về thực hiện các cam kết khác của Việt Nam tại COP26, Bộ Công Thương hoàn thành Kế hoạch thực hiện Tuyên bố về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, báo cáo tại phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành Kế hoạch thực hiện Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, báo cáo tại phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành khẩn trương cập nhật NDC của Việt Nam, bổ sung những điểm mới, nỗ lực của Việt Nam thực hiện cam kết đã đưa ra tại Hội nghị COP26, hoàn thành trong tháng 9/2022.